ClockThứ Bảy, 10/08/2019 13:00

Bạo lực súng đạn - vấn nạn nhức nhối của nước Mỹ

TTH - Cuối tuần qua, nước Mỹ chấn động bởi hai vụ xả súng hàng loạt chỉ cách nhau 13 tiếng đồng hồ, làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương (tính đến ngày 6/8). Mức độ nghiêm trọng của vụ việc đã giáng một đòn mạnh vào vấn nạn bạo lực súng đạn vốn đã âm ỉ suốt nhiều năm qua ở Mỹ. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi khi có nhiều luồng ý kiến về nguyên nhân dẫn đến thảm kịch, một số người chỉ trích luật sở hữu súng đạn – cho đó là nguyên nhân chính, một số nghĩ về vấn đề sức khỏe tâm thần, trong khi nhiều người khác cho đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố…

Lại xảy ra xả súng kinh hoàng ở Mỹ, 3 người bị bắn chết tại chỗTổng thống Obama bật khóc khi nói về bạo lực súng đạn

Người dân Mỹ tại nơi tưởng niệm tạm thời gần hiện trường vụ xả súng ở El Paso Walmart. Ảnh: EPA

Nhiều lý do

Theo Xinhuanet, hai bi kịch trên là một phần trong chuỗi các vụ xả súng hàng loạt đang hằng ngày diễn ra ở Mỹ. Tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi đã trở nên quá phổ biến trong những năm gần đây.

Theo ông Darrell West, thành viên cấp cao của Viện Brookings, tính phổ biến của súng là “vấn đề chính” đằng sau bạo lực súng đạn ở Mỹ. Đồng quan điểm, nhà tội phạm học James Alan Fox của Đại học Boston cho rằng, việc kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn có thể giúp ngăn chặn đổ máu. “Áp dụng kiểm tra lý lịch phổ quát đối với tất cả các giao dịch mua súng và hạn chế giấy phép mang theo súng” có thể được xem là một biện pháp hữu hiệu, ông Fox viết trên tờ USA Today.

Trong khi đó ông Joseph A. Toomey, Giám đốc Trung tâm tâm lý tại Đại học William James cho rằng, nhiều người có vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn với xu hướng “rất cô lập”, và khi một mất mát lớn xảy ra trong cuộc sống, chẳng hạn như mất việc hoặc tan vỡ mối quan hệ, họ “trở nên rất tức giận” và “đổ lỗi cho những người xung quanh... hoặc cho xã hội”, dẫn tới việc “trả đũa” bằng bạo lực.

Một số chuyên gia khác cáo buộc internet là một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ xả súng. Một cá nhân bị cô lập, bị khủng hoảng tinh thần, phạm tội giết người hàng loạt vì tin rằng xã hội đã sai lầm với y, và theo suy nghĩ méo mó của mình, y muốn thế giới nhìn thấy những gì mà “xã hội buộc y phải làm” thông qua internet, vì công cụ này sẽ lan truyền tin tức về tội ác của y đến thế giới chỉ trong vài giờ.

Ngoài ra, giới truyền thông Mỹ cũng đang lan truyền thông tin có khả năng chủ nghĩa bài ngoại, phản đối người nhập cư, tâm lý thù địch và ảnh hưởng từ các trò chơi video đẫm chất bạo lực nằm trong số các động cơ gây ra các vụ xả súng liên tiếp vừa qua. Trong một bài phát biểu ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực súng đạn và cho rằng mọi người dân Mỹ cần phải “chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, lòng tin mù quáng và tư tưởng da trắng thượng đẳng”, nhấn mạnh rằng “sự thù ghét không có chỗ ở nước Mỹ”.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Có một thực trạng đã trở nên bình thường ở Mỹ: cứ sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, các tranh luận về súng đạn và bạo lực súng đạn lại nóng lên. Các cuộc thăm dò được tiến hành ngay sau các vụ xả súng hàng loạt cho thấy có sự gia tăng số người Mỹ tin rằng, kiểm soát súng đạn là một vấn đề lớn, nhưng con số đó sẽ giảm đi đáng kể sau khi thông tin về vụ việc dần lắng xuống. Nói chung, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người Mỹ coi kiểm soát súng đạn là vấn đề quan trọng; thay vào đó, chăm sóc sức khỏe, việc làm và nhập cư là những chủ đề đứng đầu danh sách ưu tiên của cử tri.

Theo Washington Post, vụ xả súng ở El Paso ngày 4/8 vừa qua đã gây ra làn sóng chấn động trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, với hầu hết các ứng cử viên đảng Dân chủ lặp lại lời kêu gọi tiến hành các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đảng Dân chủ có thể đưa ra các dự luật ở cấp quốc gia, nhưng sẽ khó tiến xa trong một Quốc hội bị chia rẽ, khi đảng Cộng hòa và Dân chủ đang tranh cãi về vấn đề này. Trong khi đảng Dân chủ kêu gọi thêm điều luật thắt chặt kiểm soát súng đạn, đảng Cộng hòa lại lo ngại rằng nhiều luật hơn có thể không làm giảm tình trạng bạo lực, nhưng có thể vi phạm các quyền được đảm bảo trong Hiến pháp Mỹ.

Thực tế, ngoài một số biện pháp nhỏ được Quốc hội Mỹ thông qua trong những năm gần đây, như dự luật năm 2018 khuyến khích giới chức liên bang và bang báo cáo nhiều dữ liệu hơn cho “Fix NICS” - hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng đạn ở Mỹ, nước này không đưa ra thêm điều luật nào để hạn chế vũ khí bán tự động từ năm 1994, trong khi đạo luật này đã hết hạn năm 2004. Tháng 2 năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn sâu rộng nhằm yêu cầu kiểm tra lý lịch toàn diện người mua súng, nhưng hiện vẫn chưa được Thượng viện cân nhắc.

Theo VOX, trước khi chính phủ thống nhất và đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát súng đạn thì người dân Mỹ vẫn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về thảm kịch xả súng mỗi ngày…

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ Xinhuanet, NYTimes & Washington Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Nhật Bản, Mỹ, Philippines sẽ hợp tác về năng lượng sạch và chip

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Nikkei Asia trước thềm một hội nghị thượng đỉnh ba bên lịch sử ở Washington vào tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản, Mỹ và Philippines sẽ hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, số hóa, các mạng lưới truyền thông, năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng.

Nhật Bản, Mỹ, Philippines sẽ hợp tác về năng lượng sạch và chip
Return to top