ClockThứ Hai, 14/11/2016 05:41

Bảo tồn động vật hoang dã: Những phát hiện thú vị

TTH - Nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã, ngành kiểm lâm tỉnh đã phát hiện thêm nhiều động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới cần được bảo tồn, bảo vệ.

Tìm gà… ra cầy

Mới đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền phối hợp với Trung tâm BTTN Việt Nam tổ chức tìm kiếm gà lôi lam mào trắng-một loài chim trĩ đặc hữu quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới. Hàng trăm bẫy ảnh được đặt tại các khu rừng, khu vực được xác định có nhiều loài động vật sinh tồn. “Trong khi nỗ lực tìm kiếm gà lôi lam mào trắng bằng phương pháp bẫy ảnh, còn ghi nhận được 9 loài động vật hoang dã ở cấp độ nguy cấp toàn cầu, tưởng chừng đã tuyệt chủng vẫn còn tồn tại ở Khu BTTN Phong Điền”, cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền, ông Trần Xuân Hai thông tin.

Sao La động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được phát hiện ở Thừa Thiên Huế

Các loài động vật hoang dã được ghi nhận gồm cầy vằn, cầy giông sọc… và các loài quý hiếm mà giới bảo tồn thiên nhiên đã nghĩ đến điều “xấu nhất” là đã tuyệt chủng. Cầy vằn có tên khoa học Owston’s Civet Chrotogale owstoni và cầy giông sọc Large - spotted Civet Viverra megaspila. Cầy vằn ở Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận tại Khu BTTN Phong Điền vào giữa năm 2016 và trước đó là Khu Bảo tồn Sao La tỉnh vào năm 2015. Theo nhận định của Tổ chức BTTN thế giới vào tháng 6/2016 thì cầy giông sọc có thể đã tuyệt chủng ở Trung Quốc và Việt Nam.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTN Phong Điền đánh giá cao phương pháp bẫy ảnh trong tìm kiếm và bảo tồn động vật hoang dã. Đây là phương pháp tìm kiếm hiện đại trên thế giới, khi con người không cần tiếp cận, không đánh động các khu rừng tự nhiên có nhiều loài động vật hoang dã còn tồn tại. Các chuyên gia bảo tồn dễ dàng ghi nhận sự xuất hiện và sinh tồn của các loài động vật. Các loài cầy vừa được phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.

Giám đốc Trung tâm BTTN Việt Nam Lê Trọng Trải cho rằng, trong số 170 loài thú nhỏ ăn thịt trên thế giới, có 10 loài đang trong tình trạng báo động ở mức từ nguy cấp đến rất nguy cấp trở lên. Hai loài cầy quý hiếm vừa được ghi nhận ở Khu BTTN Phong Điền và Khu Bảo tồn Sao La, hiện còn tồn tại số lượng cá thể rất hiếm ở Việt Nam do tình trạng săn bắt quá mức, cộng với nạn phá rừng trái phép vẫn còn diễn ra.

Không chỉ có Sao La…

Cách đây 18 năm, ngành kiểm lâm Thừa Thiên Huế phát hiện 3 cá thể sao la tại các khu rừng tự nhiên ở thị xã Hương Thủy và huyện A Lưới. Đây cũng là một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm, được xác định vẫn còn tồn tại trong tự nhiên, song một thời gian rất dài mới được phát hiện, ghi nhận sự trở lại. Điều này ghi dấu mốc quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Thừa Thiên Huế và thế giới.

Phát hiện loài thỏ quý ở Khu Bảo tồn sao la

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sau khi lần đầu tiên ghi nhận 3 cá thể sao la tại một số địa phương, ngành kiểm lâm tiếp tục mở rộng các cuộc thăm dò, khảo sát sự phân bố của loài sao la trên địa bàn tỉnh. Qua thu thập nhiều mẫu vật, dấu chân, ngành kiểm lâm xác định loài động vật quý hiếm này tồn tại ở các khu rừng tại 20/40 xã thuộc các huyện: A Lưới, Phong Điền, Nam Đông và thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà. Đây chính là điều kiện cho việc thành lập Khu Bảo tồn Sao La (BTSL) năm 2013, với tổng diện tích gần 16 ngàn ha.

Mục tiêu của Khu BTSL không chỉ bảo tồn sao la mà còn bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có hai loài mang lớn và mang Trường Sơn. Và kỳ vọng của ngành kiểm lâm tỉnh, cũng như các tổ chức bảo tồn trong nước, thế giới được đền đáp, khi tại Khu BTSL còn phát hiện thêm nhiều loài động vật quý hiếm vẫn còn tồn tại và sinh trưởng.

Trong quá trình bảo tồn loài sao la, ngành kiểm lâm tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại các khu rừng, phát hiện thêm một cá thể thỏ vằn (Nesolagus Timminsi). Đây là loài thỏ duy nhất có sọc, loài thú cổ đặc hữu còn sót lại, chỉ có ở Lào và Việt Nam. Việc phát hiện cá thể thỏ vằn này có giá trị, ý nghĩa quan trọng đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học. Thêm nhiều loài động vật quý hiếm được phát hiện trong quá trình tuần tra, gỡ bẫy thú, như khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides),  voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus)- còn gọi là “nàng tiên ngũ sắc” của rừng xanh…

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, việc phát hiện các loài động vật quy hiếm là điều đáng mừng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn. Đối với các khu bảo tồn hiện có, ngành kiểm lâm xây dựng các phương án bảo tồn tốt nhất hệ sinh thái, gồm cả động, thực vật để tạo môi trường sinh sống lý tưởng nhất; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân không ăn thịt động vật hoang dã, hạn chế tối đa việc săn bắt động vật trái phép. Hàng năm, cán bộ các hạt kiểm lâm tháo dỡ hàng chục ngàn bẫy do người dân đặt ở các khu rừng để bẫy động vật. Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với công an, biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển động vật trái phép, thả nhiều động vật về rừng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu, để bảo vệ động vật hoang dã, các tổ chức quốc tế, quốc gia, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn nạn săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã. Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm về việc sử dụng trái phép động vật hoang dã nguy cấp…nhằm góp phần bảo tồn hiệu quả động vật hoang dã.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Hành động vì động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) được ví như một tài nguyên quý thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Là địa bàn rộng, dân cư đông nên TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, hành động vì ĐVHD góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, hạn chế việc tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD.

Hành động vì động vật hoang dã
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Return to top