ClockThứ Bảy, 07/04/2018 14:15
TÁI ĐỀ CỬ QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ VỚI TIÊU CHÍ DI SẢN CẢNH QUAN VĂN HÓA THẾ GIỚI:

Bảo tồn & phát huy giá trị của danh hiệu

TTH - Việc xây dựng hồ sơ tái đề cử Di sản Huế là cảnh quan văn hóa thế giới đã được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu về quy trình lập hồ sơ này và hiểu khái niệm di sản văn hóa thế giới còn đơn giản. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin đầy đủ hơn về vấn đề này. Ông Hải cho biết:

Giám sát về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa HuếDi sản Huế sẵn sàng đón kháchDu lịch Huế kỳ vọng nhiều vào di sản văn hóa Cố đôTrao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa“Đi tìm Hoàng cung đã mất”

TS. Phan Thanh Hải

Việc được công nhận di sản văn hóa thế giới là một vinh dự rất lớn, tạo ra thương hiệu cho địa phương và địa phương cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phát huy giá trị của danh hiệu ấy một cách bền vững; đồng thời, giải quyết được vấn đề cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Sau khi được UNESCO khuyến nghị (năm 2004) Thừa Thiên Huế nên lập hồ sơ tái đề cử Di sản văn hóa Huế theo hướng mở rộng vùng cảnh quan để bảo vệ thượng nguồn sông Hương, bổ sung tiêu chí cảnh quan văn hóa, chúng tôi đã xin ý kiến các cấp và phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng một kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong đó, chúng tôi đã đặt vấn đề nên mở rộng bổ sung tiêu chí mới như thế nào cho phù hợp; giá trị của tiêu chí ấy được nhận chân như thế nào và kế hoạch để bảo tồn, phát huy và khai thác những giá trị ấy ra sao.

Những việc đó đã được thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu về vấn đề này. Hội thảo quốc tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng (Đại học Waseda, Nhật Bản) tổ chức trong tháng 3 vừa qua nhằm đánh giá những nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2014-2018. Tại đây, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất, nêu rõ những giá trị độc đáo của vùng thượng nguồn sông Hương gắn liền với lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn. Đồng thời, đưa ra cái nhìn tổng thể, đánh giá mối tương quan giữa các di sản đó với cảnh quan tự nhiên và cuộc sống của người dân trong vùng. Chúng tôi cũng mời đại diện các sở, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin và được nghe ý kiến của họ về vấn đề này. Nhiều người nghĩ đơn giản cứ lập hồ sơ tái đề cử cho di sản Huế với tiêu chí về cảnh quan văn hóa. Nhưng việc công nhận ấy chỉ là danh hiệu. Vấn đề quan trọng nhất chúng ta hướng đến là bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu ấy như thế nào.

Một số ý kiến cho rằng, Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử cho di sản Huế chậm. Ý kiến của ông về điều này?

Đúng là có chậm, nhưng đó là chậm cần thiết. Đối với chúng tôi, xây dựng hồ sơ tái đề cử cho Quần thể di tích Cố đô Huế không phải là việc quá khó vì đã có những tiêu chí cụ thể. Vấn đề không phải là nhìn ra lợi ích duy nhất cho việc bảo tồn di tích, mà còn phải quan tâm đến cuộc sống của người dân và chia sẻ lợi ích với người dân như thế nào, đó mới là điều quan trọng và quyết định đến tính toàn vẹn và sự bền vững của công cuộc bảo tồn.

Khai thác cát sạn là một đe dọa lớn đối với cảnh quan văn hóa vùng thượng nguồn sông Hương gắn với lăng tẩm triều Nguyễn. Ảnh: Thái Bình

Vào thế kỷ XIX, thời điểm các vua triều Nguyễn cho quy hoạch xây dựng hệ thống lăng tẩm ở vùng thượng nguồn sông Hương, khu vực này có rất ít dân cư. Sau hơn 200 năm, số dân đã lên đến hàng ngàn người. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể cứng nhắc lấy hết vùng đất di tích theo quy hoạch nguyên thủy, bởi người dân cũng đã là một bộ phận không thể tách rời của cảnh quan văn hóa ấy. Đây là lý do để cân nhắc kỹ đối với việc mở rộng vùng đệm bảo vệ di tích theo quy hoạch nguyên thủy. Nếu mở rộng, hàng ngàn con người ấy sẽ đi về đâu, sinh kế ra sao, đây là vấn đề lớn phải tính toán.

Vậy có nghĩa là vùng đệm hiện chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ những giá trị cốt lõi của di tích?

Vùng đệm xung quanh mỗi di tích được xác định hiện nay quá nhỏ để đảm bảo việc bảo vệ các điểm di sản khỏi sự phát triển không mong muốn. Đối với di tích, ngoài những yếu tố cốt lõi làm nên di tích, những vùng đệm cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vùng đệm của các lăng tẩm triều Nguyễn thuộc vùng thượng nguồn sông Hương rất rộng, gồm hàng ngàn dân cư sống trong đó. Theo tôi, vùng này cần phải quy hoạch tổng thể lẫn chi tiết để có tầm nhìn lâu dài, làm sao để sự phát triển của vùng đệm không ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Người dân vẫn sống bình thường trong vùng đệm và họ được định hướng để phát triển đúng quy hoạch, tương tác tốt với di sản, không tác động vào vùng lõi của di sản và không phá vỡ không gian cảnh quan văn hóa khu vực. Để làm được điều này, trước tiên phải tạo được hệ thống cơ chế chính sách phù hợp cho người dân, tại điều kiện cho họ sống và phát triển đúng quy hoạch.

Giới hạn về vùng đệm bảo vệ di tích đang được quy định như thế nào, thưa ông?

Khái niệm về vùng đệm đang có độ chênh giữa quan điểm của các công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam. Trong các công ước quốc tế, vùng đệm vẫn được phép phát triển bình thường nếu đúng quy hoạch. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa chỉ cho phép thực hiện những công trình tôn tạo di tích. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề vùng đệm lại không phải của riêng đơn vị quản lý di tích hay riêng ngành nào mà phải có sự đồng thuận của rất nhiều cơ quan, ban, ngành khác.

Ông đánh giá những giá trị nổi bật của cảnh quan văn hóa gắn với lăng tẩm triều Nguyễn như thế nào?

Giá trị của cảnh quan văn hóa khu vực này không dễ để có thể nhận ra ngay lập tức. Đó không đơn giản là toàn bộ cảnh quan tự nhiên của vùng thượng nguồn sông Hương mà còn bao gồm cả những giá trị văn hóa do con người tạo ra. Bảo vệ cảnh quan văn hóa vùng thượng nguồn sông Hương gắn với lăng tẩm hoàng gia chỉ là một bước để bảo tồn cảnh quan văn hóa của di sản Huế. Việc lập hồ sơ tái đề cử quần thể di tích Cố đô Huế thêm tiêu chí mới là cảnh quan văn hóa và có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản ấy là một vấn đề lớn, phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Hơn nữa, trong kế hoạch lâu dài để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, cũng cần có cái nhìn toàn diện gắn liền với quy hoạch hai bên bờ sông Hương từ thượng nguồn về đến cửa biển Thuận An, dọc theo phá Tam Giang về Lăng Cô và đến Hải Vân Quan. Ngày xưa, triều Nguyễn đã kết nối liên hoàn các điểm đó, nay trong cái nhìn tổng thể để bảo vệ quần thể di tích Cố đô Huế, cũng phải tính đến những điểm này.

Hồ sơ tái đề cử di sản văn hóa Huế với tiêu chí mới là cảnh quan văn hóa hay là tiêu chí nào khác, đều do chúng ta quyết định. Tuy nhiên, phải cân nhắc hết sức cẩn trọng để đưa ra quyết định và thực hiện. Dù là tiêu chí nào thì quan trọng nhất là kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản về lâu dài sau khi danh hiệu ấy được công nhận.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top