ClockThứ Bảy, 02/04/2016 04:56

Bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản triều Nguyễn: Không thể nóng vội

TTH - Bằng nhiều cách khác nhau, Thừa Thiên Huế - quê hương của mộc bản triều Nguyễn, đang cố gắng để di sản này ngày càng gần hơn với công chúng.

Tư liệu quý

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4 ở TP Đà Lạt

Tất cả nội dung các bản thảo được khắc trên mộc bản đều được hoàng đế trực tiếp ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung khắc lên gỗ quý. Đây là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Trước năm 1960, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế; từ năm 1960, được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đồng thời được in rập ra giấy dó, số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.

Với Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc bảo tồn và phát huy giá trị của mộc bản triều Nguyễn sẽ thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016-2020): tổ chức thực hiện công tác bảo quản tài liệu; giai đoạn 2 (2021-2025): tiếp tục thực hiện tu bổ, phục chế, gia cố tài liệu và phát huy giá trị tài liệu thông qua các hình thức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, xây dựng các bộ phim tài liệu; đồng thời, giới thiệu tài liệu mộc bản triều Nguyễn vào trường học...

Không thể vội

Từ khi mộc bản triều Nguyễn được vinh danh là di sản tư liệu, Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày và giới thiệu loại hình di sản này đến với công chúng, các nhà nghiên cứu và du khách. Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế sẽ có hai hoạt động quan trọng để tiếp tục giới thiệu về di sản này. Hoạt động thứ nhất bắt đầu từ tháng 5, phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 tổ chức mộc bản tại Huế. Hoạt động thứ hai tổ chức vào tháng 9 bằng một hội thảo về các di sản văn hóa, lịch sử của triều Nguyễn, trong đó có di sản tư liệu mộc bản.

Mộc bản triển lãm

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, nếu Nhà nước quan tâm đến việc phát huy giá trị của mộc bản triều Nguyễn bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc đưa vào trường học, thì cũng rất cần thiết kết hợp luôn các di sản tư liệu khác của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, như: Châu bản, bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long. “Chính những di sản tư liệu này sẽ cho thế hệ trẻ biết cha ông đã có những di sản quý báu như thế nào. Đây cũng là nguồn tư liệu giúp chúng ta biết được văn hóa, cuộc sống của người xưa như thế nào”, TS. Phan Thanh Hải chia sẻ.

Cả mộc bản triều Nguyễn và châu bản triều Nguyễn đều được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới, nhưng bản thân của cả hai di sản này đều đang được bảo quản, gìn giữ ở ngoài địa phận Thừa Thiên Huế. Với lợi thế là các cơ quan chức năng đã số hóa được di sản, ngay khi Thừa Thiên Huế hoàn thành xong việc trùng tu lầu Tàng Thơ, thì đây sẽ là nơi để giới thiệu về những bản số hóa của mộc bản. Theo dự kiến, Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng sẽ làm một số phiên bản để người dân và du khách có thể dễ dàng tiếp cận những bản khắc sinh động này.

“Châu về hợp phố” là cách mà nhiều người vẫn mong muốn càng sớm càng tốt Thừa Thiên Huế có thể đưa mộc bản triều Nguyễn và châu bản triều Nguyễn về bảo tồn ngay tại vùng đất mà các di sản đã được sản sinh. Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, những di sản này đòi hỏi những yêu cầu bảo quản rất ngặt nghèo về mặt vật chất, trong khi Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng được. Các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đang làm rất tốt để đảm bảo an toàn cho cả mộc bản và châu bản triều Nguyễn.

“Chúng ta không đủ điều kiện để đưa các bản “cứng”, nguyên gốc về thì chúng ta có thể làm bằng cách khác. Nhiệm vụ của chúng ta là phối hợp để tuyên truyền, quảng bá tốt về di sản này, đồng thời từng bước đưa giá trị của nó về để khai thác triển lãm, trưng bày và nghiên cứu, tôn vinh nó. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm về mộc bản và châu bản triều Nguyễn tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là một trong những bước đi có bài bản, từ từ giới thiệu giá trị của những di sản này đến với công chúng, du khách và các nhà nghiên cứu. Đó là những gì chúng ta có thể làm được tại thời điểm này. Việc này có vội cũng không được mà cần phải được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc”, TS. Phan Thanh Hải cho biết.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sáng 16/4, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận (KL) số 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 847 của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Return to top