ClockThứ Ba, 30/10/2012 11:23

Bảo tồn và phát triển nghề dầu tràm ở Lộc Thủy

TTH - Ngoài tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, phát triển kinh tế rừng cũng như khai thác thủy hải sản Lộc Thủy (Phú Lộc) là địa phương còn lưu giữ nghề truyền thống tinh chế dầu tràm. Để phát triển và mở rộng quy mô, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (KC & XTTM) tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để phát triển nghề nhằm góp phần xây dựng thương hiệu cho dầu tràm Lộc Thủy.

Nghề truyền thống

 

Nằm ngay dưới chân đèo Phước Tượng, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) là một trong những địa phương có nghề sản xuất chế biến dầu tràm truyền thống. Bên cạnh nguồn nguyên liệu sẵn có, vùng đất này còn có những người thợ giỏi, những nông dân yêu nghề với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm dầu tràm tinh luyện và có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề sản xuất dầu tràm cũng dần mai một và số lượng người gắn bó ngày càng ít. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu tại địa phương ngày càng khan hiếm và thu nhập từ nghề cũng không nhiều nên nhiều người từ giã để đi theo nghề khác, một số khác không còn mặn mà. Khi dầu tràm Lộc Thủy xuất hiện trên thị trường ngày càng ít thì tình trạng hàng nhái, hàng giả sản phẩm này ngày càng nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

Lò chân cất dầu tràm lôi cuốn bằng hơi nước

 

Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng quyết tâm xây dựng và phát triển nghề dầu tràm truyền thống với mục đích khôi phục và lưu giữ nghề. Năm 2011, sản phẩm dầu tràm Lộc Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức công nhận. Từ đó, chất lượng dầu tràm của vùng đất này được khẳng định, hàng quán trưng bày và bán sản phẩm dọc theo Quốc lộ 1A ngày càng nhiều và đưa thương hiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Kích cầu từ đề án khuyến công

 

Thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy đã có lượng khách dừng chân để mua sản phẩm này ngày càng nhiều, song lâu nay đa số các cơ sở đều sử dụng lò nấu thô sơ để tinh chế dầu tràm nên chất lượng chưa cao, tiêu hao nhiều chất đốt cũng như công sức. Trước thực trạng đó, đầu năm 2012, thông qua Phòng Công thương Phú Lộc, Trung tâm KC & XTTM tỉnh tiến hành khảo sát, thẩm định và thống nhất hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình thí điểm phục vụ tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy. Theo đó, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở chế biến dầu tràm Đình Hưng 40,3 triệu đồng để đầu tư máy móc hiện đại nhằm mở rộng quy mô và phát triển sản xuất. Với nguồn kinh phí này, mô hình lò chân cất dầu tràm lôi cuốn bằng hơi nước với tổng mức đầu tư 82 triệu đồng ra đời, góp phần giúp cơ sở tăng năng suất, tiết giảm chất đốt và nhân công.

 

Ông Mai Đình Hưng, chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Đình Hưng cho biết: “Mô hình lò chân cất này nấu được số lượng nguyên liệu gấp 5 lần so với mô hình truyền thống. Mỗi lần nấu gồm 5 tạ nguyên liệu với thời gian 3 giờ sẽ cho từ 3 -5 lít dầu tràm. Trong đó, số lượng chất đốt cũng giảm tới 5 lần nên rất tiện lợi. Lò nấu này không những nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp cơ sở tiết giảm thời gian và công sức lao động. Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn để trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.” Theo các chủ cơ sở, mỗi ngày các cơ sở sản xuất dầu tràm trên địa bàn giải quyết cho trên 70 lao động, với mức thu nhập từ 100.000 -150.000đ/ngày. Đây cũng là hướng mở nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất mở rộng qui mô sản xuất, hướng đến xây dựng thành sản phẩm hàng hóa theo nhu cầu thị trường.

 

Bên cạnh sự hỗ trợ của đề án khuyến công, giữa tháng 9-2012, các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thành lập HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy với 40 hộ dân tham gia. Sự ra đời của HTX nhằm tập hợp lại các hộ dân chế biến để hoạt động kinh doanh có quy mô hơn, tập trung vào xây dựng được thương hiệu làng nghề. Đây là tiền đề nhằm tạo động lực mới cho người dân địa phương có “đất” sống, cạnh tranh loại tân dược, dầu tràm dỏm trôi nổi trên thị trường; đồng thời có cơ sở để vận động nhiều gia đình trên địa bàn trở lại với nghề. HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy còn chú trọng đến vấn đề cải tiến quy trình sản xuất, như đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống lò bếp đun nấu đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân trực tiếp tham gia với nghề.

 

Ông Trương Viết Đính, Chủ nhiệm HTX dịch vụ chế biến dầu tràm Lộc Thủy cho biết: “Nghề sản xuất dầu tràm Lộc Thủy ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay với hàng chục hộ dân gắn bó với nghề. Từ khi HTX hình thành, các cơ sở đã có sự liên kết để cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra để đưa thương hiệu dầu tràm nơi đây ngày càng phát triển”. Đổi mới công nghệ sản xuất, hình thành HTX dịch vụ là hướng đi đúng của các làng nghề truyền thống hiện nay để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đề án khuyến công do Cục Công nghiệp địa phương hỗ trợ đã góp phần giúp các cơ sở chế biến dầu tràm Lộc Thủy ngày càng khẳng định chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy vươn xa và thu hút khách.

Bài, ảnh: Khánh Thư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top