ClockThứ Tư, 11/09/2019 09:08

Bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là đối đầu quân sự

TTH - Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và biển đảo nói riêng, chúng ta thực hiện phương châm “Không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực”, “Không nổ súng trước”.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng giải pháp hòa bìnhLuật Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: Vùng biển Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển quốc tế 1982 (UNCLOS), không phải là vùng tranh chấp.

Trung Quốc cho đây vùng biển trong đường lưỡi bò đã được trình Liên Hợp Quốc năm 2009, không cho các nước khác thăm dò khai thác. Luận điệu này đã bị Việt Nam bác bỏ, dư luận quốc tế phản đối. Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 và tàu hộ tống xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn trái phép. Vậy tại sao Việt Nam không tấn công đẩy đuổi?

Theo UNCLOS thì vùng đặc quyền kinh tế được xác định là chủ quyền của quốc gia ven biển. Các quyền bao gồm: thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên trên biển, đáy biển và các hoạt động khai thác năng lượng nước, hải lưu. Có quyền lắp đặt, sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị công trình, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển. Các nước khác có quyền tự do hàng hải, hàng không, đặt cáp quang, ống dẫn ngầm và những mục đích hợp pháp khác… Những nội dung này cũng đã được Nhà nước Việt Nam tuyên bố ngày 12/5/1977, trong Luật Biên giới quốc gia (2003), Luật Hàng hải (2005), Luật Dầu khí (2008), Luật Biển (2012). Như vậy, Việt Nam tôn trọng, chấp hành Luật Biển quốc tế và Luật Quốc gia, không có tranh chấp với các nước khác.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm biển đảo, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như: Cắt cáp tàu Bình Minh, đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và gần đây là thăm dò trái phép vùng biển Tư Chính. Trước đó, các quần đảo Hoàng Sa, một số đảo trong quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép.

Những hành động của Trung Quốc là hoàn toàn trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Biển quốc tế khi họ là một trong những nước ký hiệp ước. Xâm phạm chủ quyền một quốc gia là hành vi xâm lược, đó là thực tế khi Trung Quốc đã cho tàu thăm dò, tàu hộ tống xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc điều lực lượng và vũ khí quân sự ra đánh đuổi là quyền tự vệ chính đáng, nhưng trên thực tế lâu nay chúng ta chỉ mới sử dụng các phương tiện và lực lượng chấp pháp để ngăn cản, đẩy đuổi, chưa sử dụng lực lượng hải quân, không quân. Đó là chiến lược lâu dài, là sách lược trong bảo vệ biển đảo khi âm mưu của các nước lớn luôn chờ chúng ta sơ hở, mất cảnh giác để tấn công, lấn chiếm.

Theo thông lệ quốc tế thì nước nào nổ súng trước có nghĩa là nước đó đã phát động chiến tranh, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp. Nước đối diện có quyền được tự vệ bằng biện pháp quân sự thích hợp, tương xứng hoặc có quyền tấn công lại để tự vệ.

Trở lại tình hình Biển Đông, đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng là vùng biển của họ trong đường lưỡi bò nên khó cho sử dụng quân sự đẩy đuổi quyết liệt. Họ không tôn trọng luật quốc tế từ phát ngôn đối ngoại đến hành động trên thực tế. Điều đó cho thấy Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Không chỉ lần này ở bãi Tư Chính mà có thể sẽ còn gây ra kiểu này ở các vùng biển khác trước mắt và lâu dài.

Mức độ tranh chấp, va chạm như đã xảy ra chưa phải là quá nghiêm trọng trong đấu tranh chấp pháp trên biển. Việt Nam đang trong tư thế chủ động với diễn biến tình hình. Những biện pháp mạnh trong quân sự sẽ gây ra phức tạp khó lường trong “cuộc chơi” ở Biển Đông. Thực tế, các nước lớn với tiềm lực quân sự mạnh cũng chỉ dương oai, răn đe, không thể đụng độ với quy mô vũ trang lớn trên Biển Đông.

Trong bảo vệ biển đảo, chúng ta sử dụng nhiều giải pháp về chính trị, ngoại giao, pháp lý và vận động quốc tế ủng hộ. Không thể chỉ đơn phương đối đầu bằng quân sự. Cần cảnh giác, tỉnh táo trước một số “nhà chính trị” hô hào, kích động chiến tranh. Đảng, Nhà nước ta có đủ kinh nghiệm, tài trí để xử lý tình hình, sẵn sàng lực lượng để đáp trả khi cần thiết. Lịch sử chiến tranh bảo vệ đất nước của Việt Nam là như vậy.

PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phối hợp tuyên truyền biển, đảo có chiều sâu và sức lan tỏa

Ngày 27/3, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo năm 2023 giữa Vùng 3 Hải quân với Ban Tuyên giáo các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Phối hợp tuyên truyền biển, đảo có chiều sâu và sức lan tỏa
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top