ClockThứ Năm, 29/08/2019 10:29

Bảo vệ chủ quyền không thể chỉ trông chờ kiện lên tòa án quốc tế

TTH - Đấu tranh bảo vệ chủ quyền không chỉ trông chờ vào một vụ kiện, còn nhiều giải pháp mà Nhà nước ta đang tính toán từng bước đi phù hợp.

Mỹ ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển ĐôngMỹ lên án Trung Quốc leo thang gây hấn với Việt Nam ở Biển ĐôngMưu đồ của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam ở Biển Đông

1. Một số nhà hoạt động chính trị trong, ngoài nước và nhiều người quan tâm chính trị đã “mách nước”cho chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng cách kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Chỉ có kiện mới làm giảm sức ép tranh giành của Trung Quốc với chúng ta về chủ quyền Biển Đông. Đây cũng là một giải pháp nhưng có phải là cách tối ưu nhất cho giải quyết tình hình trong điều kiện hiện nay?

Giải quyết chủ quyền biển đảo là vấn đề khó khăn, phức tạp, lâu dài, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Biển Đông đang là vấn đề nóng trong quan hệ chính trị, kinh tế, đối ngoại không chỉ với Việt Nam mà cả các nước liên quan, các nước có chung lợi ích. Khi chọn các giải pháp đều phải tính toán kín kẽ, không thể rập khuôn theo cách mà các nước khác đã làm. Không ít những vụ kiện quốc tế với nhiều vấn đề khác nhau giữa các quốc gia. Gần đây, nước láng giềng Philippines đã kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên biển và đã giành phần thắng. Tòa án Quốc tế phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc và một số vấn đề liên quan. Mặc dù bản án có hiệu lực từ 12/7/2016 nhưng cho đến nay phán quyết đó chưa thực sự có hiệu lực trên thực tế. Đáng chú ý là luật quốc tế không có cơ quan cưỡng chế, nên dù tòa có tuyên nước nào thắng cũng không thể cưỡng chế đối với bên thua kiện. Nói cách khác là không bắt buộc được bên thua thực hiện những phán quyết của tòa nếu họ không chấp nhận. Có chăng chỉ có giá trị trong quan hệ ngoại giao và uy tín chính trị của các bên khi thắng hoặc thua kiện. Trong vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc đã tuyên bố vô hiệu với phán quyết, ngay cả khi bắt đầu khởi kiện Trung Quốc đã phủ nhận, không tham gia. Cũng từ vụ kiện này cho chúng ta bài học khi phải kiện ra quốc tế cần phải tính toán đến kết quả thực chất. Từ không tôn trọng luật quốc tế đến những xâm phạm mang tính cố tình, trêu ngươi trắng trợn vẫn được Trung Quốc duy trì, gia tăng sức ép biển đảo với Philipines. Dù Mỹ tuyên bố ủng hộ, đưa tàu chiến đến bảo trợ đồng minh nhưng vẫn không thể thực hiện giải pháp quân sự.

2. Việt Nam kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông hay kiện về vi phạm chủ quyền bãi Tư Chính thì khả thắng kiện là rất cao. Với những tư liệu lịch sử, chiếu theo quy định của Luật Biển quốc tế thì Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông (trong đó có bãi Tư Chính và nhiều vùng biển đảo khác). Đường gấp khúc 11 đoạn (sau này Trung Quốc bỏ 2 đoạn trước vùng biển Bắc bộ của Việt Nam) do phía Trung Quốc vẽ lên từ tham vọng thời Trung Hoa dân quốc (năm 1947), trước khi hình thành nhà nước Trung Quốc hiện nay. Đường này mới được Trung Quốc trình lên Liên Hợp quốc năm 2009, chiếm 60% vùng biển Việt Nam và có liên quan đến chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với một phần Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác. Những bằng chứng đó không chỉ Việt Nam công bố mà còn là tư liệu được các nước lưu giữ, kể cả tư liệu của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Theo Luật Biển quốc tế thì bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vấn đề này đã được Tòa quốc tế phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Như vậy, xét về mặt lịch sử và luật hiện hành thì Trung Quốc không thể nêu là vùng biển tranh chấp và việc ngang nhiên đưa tàu thăm dò, tàu quân sự đến bãi Tư Chính là hết sức vô lý. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì Việt Nam thắng kiện gần như tuyệt đối, nhưng để có được phán quyết cuối cùng không phải dễ dàng.

Chúng ta nên hiểu rằng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia, nhóm quốc gia có sự ràng buộc lẫn nhau trong lợi ích chung, riêng. Quyền lợi được thể hiện trong mối quan hệ đa phương hoặc song phương, làm không khéo dễ phát sinh mâu thuẫn cục bộ, khó giải quyết.

3. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có những lợi thế mà trong quan hệ song phương giữa 2 nước đã được thỏa thuận. Dù chỉ là trên danh nghĩa ngoại giao nhưng lại là uy tín quốc gia khi đã ký kết các hiệp ước, hiệp định mang tính lợi ích có đi có lại với nhau. Trong điều kiện hiện tại tạo được khoảng lặng cho hòa bình, ổn định, ưu tiên cho phát triển kinh tế, quốc phòng là mục tiêu hàng đầu. Do đó, cần xem xét kỹ càng, thấu đáo không thể chỉ áp dụng kiện lên tòa án như các nước khác.

Nói như vậy nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa luật pháp công lý quốc tế khi đã phán quyết rõ ràng. Giải pháp này cũng là một cách nhưng có thể là biện pháp cuối cùng khi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Với chính nghĩa lại được cộng đồng quốc tế ủng hộ, với khả năng ứng phó hiệu quả, chúng ta có đủ khả năng bảo vệ biển đảo.

An Hoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Không chủ quan với rét đậm, rét hại

Dự báo đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài “xuyên tết”, mấy ngày nay lực lượng cán bộ chăn nuôi-thú y đến tận cơ sở, hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cho dịp Tết Cổ truyền.

Không chủ quan với rét đậm, rét hại
Return to top