ClockThứ Tư, 12/06/2019 06:45

Bảo vệ đàn lợn từ chăn nuôi sạch

TTH - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (TLCP) lây lan nhanh ở nhiều địa phương, ngành nông nghiệp khuyến cáo các trang trại (TT), hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) để bảo vệ đàn lợn.

Tái cơ cấu đàn lợn trước dịch tả lợn châu PhiPhải quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu PhiNgăn chặn, tiến tới kiểm soát, loại bỏ bệnh dịch tả lợn Châu phi

Tiêu độc khử trùng môi trường phòng dịch tả lợn

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Trước thông tin dịch TLCP xuất hiện tại địa bàn xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy, các biện pháp ATSH theo chuẩn VietGAP được anh Bùi Chúng, xã Phú Sơn thực hiện nghiêm. Ngoài ra, anh còn tăng cường thực hiện các biện pháp khác hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm vào TT,  bảo đảm an toàn cho vật nuôi, cách ly vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh.

Một trong những lợi thế của TT này chính là hình thành được khu vực chăn nuôi tách biệt với khu dân cư. Xung quanh TT được rào kín bằng hệ thống thép, lưới, hạn chế người, súc vật ra vào TT. Cổng chính đi vào TT được khóa kín, có hố sát trùng và rải vôi dọc cổng, quanh khu vực hàng rào.

Anh Chúng chia sẻ: Chăn nuôi theo hướng VietGAP cơ bản chúng tôi đã đáp ứng được các tiêu chí ATSH. Tuy nhiên, thời gian này các giải pháp được tăng cường hơn. Mỗi sáng, chúng tôi đều tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ TT và khu vực giáp ranh, rải vôi dọc hàng rào; tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa, nguồn thức ăn được bảo quản và sát trùng trước khi đưa vào TT.

Trên địa bàn TX. Hương Thủy, 100% các xã, thị trấn đều có dịch nên các giải pháp như anh Chúng được xem là kinh nghiệm tốt trong công tác chống dịch.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy thông tin, ngoài chăn nuôi ATSH, xây dựng TT theo hướng chăn nuôi sạch đươc xem là giải pháp hạn chế dịch bệnh lây lan. Thực tế, các TT có dịch đều nằm trong khu dân cư nên khả năng lây lan rất cao nếu không áp dụng tốt các giải pháp ngăn ngừa. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đàn, xây chuồng trại tách biệt khu dân cư, thường xuyên được vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Hiện, các TT có tổng đàn lớn đã tuân thủ gần 100% các yêu cầu về thú y; đầu tư máy phun vôi, hóa chất, thực hiện “nội bất xuất ngoại bất nhập” trong thời gian có dịch.

Nhân rộng trang trại an toàn dịch bệnh

Hiện, dịch TLCP đã xuất hiện tại 1.076 hộ chăn nuôi, 303 thôn, 69 xã thuộc 7 huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà,  Hương Thủy và TP. Huế với tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 4.054 con.

Một thực tế được ngành nông nghiệp chỉ rõ, các hộ có dịch hiện đều là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc thực hiện các giải pháp ATSH trong chăn nuôi kém.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người chăn nuôi phải thực hiện tái cơ cấu, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi đại gia súc; kết hợp các giải pháp ATSH trong chăn nuôi, thậm chí chăn nuôi trong phòng lạnh. Việc nhân rộng các mô hình TT an toàn dịch bệnh trong lúc này rất cần thiết.

Toàn tỉnh có 4 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn vẫn hạn chế. Nguyên nhân một phần là do kinh phí xây dựng còn cao; chi phí xét nghiệm dịch bệnh tăng trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi bấp bênh.

Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Trần Quốc Sửu khẳng định, lợi ích từ xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khá rõ, bằng chứng là những năm gần đây không xảy ra dịch tại các cơ sở này. Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thành công, vai trò, trách nhiệm của hộ chăn nuôi hết sức quan trọng.

Theo ông Sửu, cơ sở chăn nuôi cần chọn vị trí xây dựng TT phù hợp, khoảng cách từ TT đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km.

Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm... Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo.

Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khivào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm…

Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Vì một môi trường sống sạch đẹp

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net zero” “Reducing carbon footprint towards net zero”.

Vì một môi trường sống sạch đẹp
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top