ClockThứ Hai, 21/10/2019 12:07

Bảo vệ nguồn lợi

TTH - UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cồn Máy Bay thuộc xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền trong sự vui mừng của ngư dân địa phương.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng"Răn đe" nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điệnĐầu tư hạ tầng hậu cần nghề cá và phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Việc thành lập khu bảo vệ nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nơi cư trú, sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản và tổ chức khai thác, sử dụng chung bền vững nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá. Đây cũng là mục tiêu quan trọng đặt ra trong kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được hoạch định. Theo đó, 10% diện tích đầm phá trên toàn tỉnh sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt vào năm 2020.

Thực hiện kế hoạch, đến nay, cả tỉnh đã có 25 khu bảo vệ thủy sản được thành lập, với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 650 ha. Tại các khu bảo vệ, mọi hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh như: khai thác, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở), chăn thả gia súc, gia cầm vào vùng lõi bảo vệ... đều bị nghiêm cấm hoàn toàn. Công tác trồng cây ngập mặn, tạo nơi cư trú, tái tạo nguồn tôm, cá giống được triển khai. Các khu bảo vệ được giao cho 50 chi hội nghề cá địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ. 

Thực tế cho thấy, việc thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã mang lại hiệu quả thấy rõ. Không chỉ bảo vệ ngôi nhà chung cho thủy sản, mô hình còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Khảo sát, đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, tại các khu bảo vệ thủy sản đã thành lập, các loài thủy sản có giá trị được tái tạo, sinh sôi nảy nở, góp phần tạo sinh kế, cải thiện, nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng đầm phá. Việc hình thành hàng chục khu bảo vệ thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã hạn chế được đáng kể tình trạng khai thác thủy sản bừa bãi, sử dụng phương tiện đánh bắt tận diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, phá hủy môi trường.

Với diện tích mặt nước 22.000ha, trải dài trên 68 km, thuộc địa bàn 4 huyện, Thừa Thiên Huế có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nơi cư ngụ của hơn 900 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá có giá trị. Nguồn lợi thủy sản dồi dào này là sinh kế, thu nhập cho một bộ phận không nhỏ cư dân đầm phá vốn chiếm đến 33% dân số toàn tỉnh.

Có vị thế đặc biệt về kinh tế và môi trường, việc khai thác gắn với bảo vệ hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là mục tiêu lớn được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Cùng với giải pháp nghiên cứu, bảo vệ, tái sinh nguồn lợi, từ năm 2015 đến nay, công tác trồng rừng ngập mặn cũng được tập trung triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển, đầm phá gồm các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Với nguồn vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, 421,2 ha/455,7 ha rừng tập trung đã được trồng, trong đó có 125 ha rừng trồng ngập mặn.

Mới đây, có dịp về Quảng Điền - một trong những huyện có diện tích lớn thuộc phá Tam Giang - nhìn từ bến đò Cồn Tộc, ngút tầm mắt là màu xanh của những cánh rừng ngập mặn 3 năm tuổi phủ kín mặt phá.

Sự hồi sinh của những khu bảo tồn thủy sản, những giải pháp cụ thể, đồng bộ để bảo tồn, phát triển hệ sinh thái đầm phá đang góp phần che chở Tam Giang - Cầu Hai trước vấn nạn xói lở, xâm nhập mặn. Đó cũng là sự che chở cho sinh kế, sự an toàn của hàng triệu cư dân đầm phá trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top