ClockThứ Sáu, 08/12/2017 06:11

Bất cập trong xây dựng nông thôn mới - Kỳ 2: Câu chuyện nguồn lực

TTH - Huy động tối đa nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí kịp thời để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất là giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, phát huy các tiêu chí NTM.

Bất cập trong xây dựng nông thôn mới - kỳ 1: Lúng túng

Chuyển giao kỹ thuật cạo mủ cao su ở Bình Thành (Hương Trà)

Tranh thủ nguồn lực

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước (Quảng Điền) Lê Đức Ưa nêu quan điểm, người dân địa phương có thể vay vốn, chủ động đưa các giống mới, chất lượng vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập đầu người lên trên 25 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 5%. Riêng kết cấu hạ tầng, địa phương tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án và huy động thêm sức dân để xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, môi trường, trường học. Quảng Phước phấn đấu cuối năm 2018 sẽ đạt chuẩn NTM theo yêu cầu.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Đình Đức chia sẻ, huyện đang tranh thủ các nguồn lực, vận động Nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, ưu tiên các xã, các tiêu chí gần đạt. Trong điều kiện người dân còn khó khăn, trước mắt huyện đầu tư 100% ngân sách để xây dựng các công trình lớn. Tùy thuộc vào từng tuyến đường, huyện hỗ trợ xi măng, Nhân dân đóng góp thêm kinh phí và ngày công xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện Quảng Điền sẽ đạt chuẩn NTM theo lộ trình.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật (Nam Đông) Trần Đình Khởi nói: “Địa phương có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, không có điều kiện, khả năng đóng góp kinh phí xây dựng NTM. Người dân chỉ có thể hiến đất, hiến cây, đóng góp công sức xây dựng các công trình. Với những công trình vừa và lớn có kinh phí từ vài trăm triệu đồng trở lên sẽ tranh thủ nguồn lực đầu tư của cấp trên. Riêng 53 hộ nghèo cần sự hỗ trợ của các chương trình, dự án để xóa nhà tạm. Địa phương quy hoạch vùng hợp lý, đưa các giống mới có giá trị kinh tế như cao su, chuối, cam, bò lai, lợn hướng nạc... vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

Lồng ghép các chương trình

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông- Lê Thị Thu Hương cho rằng, với điều kiện kinh tế của người dân Thượng Nhật và một số địa phương rất khó phấn đấu đạt chuẩn NTM. Để huyện Nam Đông đạt chuẩn NTM vào năm 2020 theo lộ trình, huyện lồng ghép các chương trình, dự án, tranh thủ nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ Trung ương, tỉnh xây dựng các công trình, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa phương. Cán bộ khuyến nông phối hợp với các địa phương, khảo sát tiềm năng, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất; trong đó chú trọng các mô hình trang trại, gia trại, trồng hoa chất lượng cao, rau màu, phát huy tiềm năng, thế mạnh cây cao su, rừng trồng kinh tế. Với những công trình có quy mô lớn như nước sạch, điện lưới, các tuyến đường giao thông trọng yếu, nhà văn hóa trung tâm, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cần sự đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với huyện Nam Đông có sự hướng dẫn, định hướng các địa phương, người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Phạm Quyền, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xác định, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vậy nên trong quy hoạch kết cấu hạ tầng gắn với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế địa phương. Ngoài huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, doanh nghiệp, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu chính họ là chủ thể trong xây dựng NTM. Từ đó, nỗ lực đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chủ động mở rộng quy mô sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống và phát huy các tiêu chí NTM, các địa phương tập trung đầu tư xây dựng mô hình khuyến nông trình diễn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất tiên tiến và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại các địa phương; ưu tiên đầu tư các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng có điều kiện về đất đai, địa hình và thời tiết thuận lợi. Nhà nước tăng cường chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các HTX làm dịch vụ tiêu thụ, xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phải mở rộng quy mô, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế.

Phát triển mô hình trang trại, gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu là định hướng và được ngành nông nghiệp đang triển khai nhằm phát huy tiềm năng và hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Về lâu dài cần có chính sách tạo điều kiện xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, các địa phương cần tập trung ra sức xây dựng các huyện điểm đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Theo đó, các tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”; tiêu chí phi vật chất, tiêu chí không cần vốn, hoặc ít cần vốn thì tập trung làm trước. Mỗi năm, các xã phải đạt thêm 2-3 tiêu chí NTM. Huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của các bí thư, trưởng thôn, bản, ban công tác mặt trận thôn; tuyên truyền cho Nhân dân hiểu rõ chính họ là chủ thể trong NTM nhằm tích cực tham gia các phong trào.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top