ClockThứ Bảy, 08/08/2015 09:50

Bắt đầu từ đam mê lịch sử

TTH - Đam mê Lịch sử, Trần Xuân Thịnh, học sinh Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học Huế đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia với thành tích ấn tượng, trở thành người cao điểm nhất cả nước trong tổ hợp các môn khối C (khi chưa tính điểm cộng).

Mê lịch sử

Đến nhà Thịnh, nhưng phải chờ khá lâu, chàng học sinh Quốc Học mới trở về nhà sau khi “thỏa mãn” buổi sáng ở nhà sách. Em tâm sự: “Ngày hè là thời điểm thuận lợi nhất để em tập trung thực hiện mục tiêu tìm tòi và nghiên cứu những quyển sách chuyên sâu, nhất là môn lịch sử”.
Đọc sách là sở thích của Xuân Thịnh
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thịnh tạo bất ngờ lớn cho cả gia đình khi mang về kết quả 28,5 điểm của tổ hợp 3 môn khối C (Văn 9 điểm, Địa lý 10 điểm và lịch sử 9,5 điểm). Bà Vũ Thị Liên, mẹ Thịnh chia sẻ: “Thịnh mê sử từ nhỏ nên gia đình khá yên tâm về môn sử, nhưng thành tích các môn còn lại cao cũng hết sức bất ngờ. Bản thân Thịnh nỗ lực học tập, nhưng khi thấy kết quả, em phải mở nhiều lần trang báo điểm mới chắc chắn đó là sự thật”.
Để có được thành tích thủ khoa khối C kỳ thi THPT quốc gia, cậu học trò Trường Quốc Học kể, từ nhỏ, khi nghe câu chuyện về các triều đại trong lịch sử, những danh nhân văn hóa thế giới, em đã rất thích và bắt đầu tìm hiểu. Lên lớp 9, thấy một số học sinh “quay lưng” với môn học này, Thịnh lại muốn khẳng định môn lịch sử rất hay và không khó học nếu nắm vững phương pháp”. Sau khi xác định tư tưởng, em bắt tay đầu tư cho môn lịch sử, nắm vững các kiến thức giáo viên dạy trên lớp, đồng thời tìm hiểu thêm sách chuyên sâu, các kiến thức ở trên mạng. Được những giáo viên ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương động viên vào đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử, Thịnh đồng ý và từ lớp học này em đã dành được thành tích học sinh giỏi tỉnh. Động lực từ kết quả đạt được đã giúp em tiến sâu vào con đường nghiên cứu môn lịch sử, kỳ thi vào lớp 10 THPT, Trần Xuân Thịnh đăng ký dự thi chuyên sử và trở thành thủ khoa của đợt thi này, sau đó là liên tiếp những giải thưởng học sinh giỏi tỉnh, quốc gia, huy chương đồng kỳ thi học sinh giỏi đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ (tổ chức ở Hải Phòng) suốt những năm học phổ thông.
Chia sẻ câu chuyện học tập, Thịnh cho rằng, có lẽ sách chính là yếu tố lớn nhất đưa em đến với thành công. Không chọn những thể loại sách giải trí, Thịnh lại say mê với loại sách thiên về nghiên cứu. Hễ có thời gian, Thịnh tìm đến các nhà sách, đọc và lựa chọn sách hay để mua về nghiên cứu, kể cả những kiến thức trong và ngoài chương trình học. Kỷ niệm chuyến ra Hải Phòng dự kỳ thi học sinh giỏi đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ, thấy những học sinh tỉnh bạn chững chạc trong cách làm bài, am hiểu vốn kiến thức lịch sử, một lần nữa khiến Thịnh tìm ra lý do quyết tâm học tập. Song song với viêc học ở trường, sách vở, Thịnh cho biết, các chương trình thời sự cũng là kênh thông tin giúp học sinh bổ sung kiến thức. “Thời sự hằng ngày cập nhật những thông tin trong và ngoài nước rất hay. Đề thi những năm gần đây khá sát thực tế, gắn với những vấn đề đang diễn ra ngoài xã hội nên xem thời sự cũng là cách học, nhất là bổ sung kiến thức cho phần nghị luận xã hội môn Văn và hai môn địa lý, lịch sử”, Thịnh nhận định.
 Chiến đấu với chính mình
Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh lời khen mọi người dành cho em. Thịnh tâm sự: “Em chưa nghĩ là mình giỏi. Đây chỉ là thành công bước đầu và bản thân em không cho phép mình tự thỏa mãn với thành công đó. Phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ, mục đích cố gắng để sau này trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Trần Xuân Thịnh kể, nếu cứ nhìn vào thành công, có lẽ sẽ khó để cố gắng. Suốt quá trình học tập của em, thành công luôn đan xen với thất bại. Có chăng, em chỉ là người biết đứng lên từ thất bại. “Trong lần thi rung chuông vàng giữa các trường trong tỉnh, em đã không trả lời được câu hỏi nào. Hơi buồn nhưng em không nản lòng, có thành công thì cũng phải có thất bại. Chính thất bại là mẹ thành công, phải biết lấy thất bại làm động lực để cố gắng”, Thịnh quan điểm.
Sau những lần thất bại, Thịnh ngồi lại suy nghĩ, tìm ra hướng học tập cho mình. Em cho biết, trước đây phương pháp học của mình là tập trung học liên tục. Thấy học nhiều nhưng thành tích chưa cân xứng, Thịnh đã đổi cách học, tập trung học ở nhà vào buổi sáng và tối, mỗi lần học kéo dài 30 phút rồi giải lao bằng việc đọc sách. Chia nhỏ thời gian học, nhưng mỗi bài em đều học lại nhiều lần để nắm vững kiến thức, cũng như mỗi quyển sách, Thịnh đọc đến 4-5 lần để nhớ kỹ làm tư liệu cho các bài thi. “Trên mạng có nhiều thông tin hay, nhưng không hoàn toàn chính xác như sách. Do vậy, em đọc sách kỹ để làm dẫn chứng khi cần”, Thịnh kể.
Phương pháp làm bài thi của Thịnh khá đơn giản, dành 10-15 phút đầu tiên để đọc và nghiên cứu đề, sau đó lần lượt làm những câu hỏi từ dễ đến khó, dành phần cuối thời gian để đọc, kiểm tra chính tả và sửa lỗi nếu có. Bí quyết suốt bao nhiêu năm đi thi của Thịnh là tuyệt đối không ra khỏi phòng thi khi chưa có hiệu lệnh hết giờ làm bài. Cậu học trò Trường THPT Chuyên Quốc Học khẳng định: “Đối thủ học tập lớn nhất phải chiến thắng là chính mình. Vượt qua bản thân, nghĩa là mình đã chiến thắng”.
Nhận xét về Trần Xuân Thịnh, cô Bạch Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Thịnh là học sinh giỏi suốt 3 năm phổ thông. Đây là cậu học trò được nhiều thầy cô đánh giá cao, lễ phép và rất chăm chú trong giờ học, kể cả những môn không phải sở trường của em. Đây cũng là người học trò thường xuyên giúp đỡ bạn bè học tập và tham gia tích cực các hoạt động do trường lớp tổ chức”.
Mê lịch sử và đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Trần Xuân Thịnh lại chọn Trường đại học Công an Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm nơi “gửi gắm” tương lai của mình. Em tâm sự: “Dù học tập, làm việc ở lĩnh vực, nghề nghiệp nào thì ý thức học tập cao, đam mê nghiên cứu Lịch sử vẫn sẽ theo đuổi. ”.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top