ClockThứ Ba, 10/11/2015 09:34

“Bắt mạch” từ thực tiễn cuộc sống

TTH - “Muốn nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống thì trước hết phải bám sát, “bắt mạch” được thực tiễn cuộc sống để ban hành nghị quyết” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới Lê Thanh Nam nói gọn một câu khi bàn các giải pháp xây dựng nghị quyết về thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Trường cao đẳng nghề 23 Bộ Quốc phòng tư vấn hướng nghiệp cho đồng bào tại Trung tâm dạy nghề huyện A Lưới.

Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xóa nghèo thời gian qua, Huyện ủy A Lưới đang triển khai xây dựng nghị quyết về công tác xóa nghèo bền vững nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn mới. Những khó khăn, bức xúc của người dân trong cuộc sống được Huyện ủy A Lưới đang tập trung “mổ xẻ” trước khi đưa vào xây dựng nghị quyết.

Kinh nghiệm xóa nghèo

5 năm qua (2010 – 2015), A Lưới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo ở các xã nghèo trên địa bàn. Mục tiêu dự án là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất... Đến thời điểm này, các tiểu dự án do huyện phân cấp về cho xã làm chủ đầu tư như cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thành. Huyện chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển kinh tế.

 Bên cạnh hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện xây dựng nhiều chương trình giúp người dân thoát nghèo. Từ năm 2010 đến nay, địa phương đã huy động tổng lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các vùng nông thôn. Toàn huyện đã xây dựng 2.366 nhà ở cho các hộ nghèo với trị giá gần 40 tỷ đồng. Trong 5 năm, có hơn 4.344 lượt hộ nông dân nghèo được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn...

Các ban, ngành của huyện đã điều tra, khảo sát nguyên nhân nghèo, nhu cầu sử dụng học nghề và tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động ở 12 xã nghèo; phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo để thực hiện phương châm “đào tạo gắn với việc làm”; xây dựng 65 mô hình về khuyến nông – lâm – ngư ở các xã nghèo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Nhờ vậy, hơn 3.190 lượt hộ nghèo, cận nghèo đã được đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới. Theo ông Lê Thanh Nam, với đặc điểm đất đai của vùng miền núi, về lâu dài huyện xác định sẽ phát triển nghề trồng rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển rừng kết hợp với du lịch nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho Nhân dân trong vùng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

“Bắt mạch” thực tiễn

A Lưới xác định mục tiêu trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ dạy nghề nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 45-50%, giải quyết việc làm mới cho 1.200 lao động. Đồng thời, đề ra kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2016-2020) hơn 2%/năm.

Thực tế thời gian qua, công tác xóa nghèo ở A Lưới còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Thường cứ 2 hộ thoát nghèo thì có thêm 1 hộ nghèo mới, hoặc tái nghèo. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 11,28%, hộ cận nghèo chiếm hơn 13%. Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những gia đình thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, thiếu vốn, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ có người ốm đau bệnh tật và cũng có số hộ nghèo do lười lao động, ỷ lại chính sách của Nhà nước.

Các giải pháp mà Huyện ủy A Lưới chú trọng trong quá trình xây dựng nghị quyết về xóa nghèo bền vững là lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân phải gắn với liên kết vùng, phát huy được thế mạnh của địa phương và thiết thực đối với nông dân. Vai trò của nhóm hộ gia đình giúp nhau thoát nghèo trong tổ chức hội nông dân, phụ nữ… là một trong những giải pháp tốt nhất, vừa thuận lợi trong vay vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất vừa tiến tới có sản phẩm chất lượng, đồng nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Và, một vấn đề quan trọng là làm thế nào để ổn định đầu ra cho sản phẩm, có đầu mối thu mua, cập nhật giá cả để tránh qua trung gian.

Nhu cầu bức bách đang đặt ra trong đời sống của người dân nghèo nơi đây là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đây là vấn đề căn cơ, bởi thực tế đa số các hộ nghèo đều thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất. Nhưng đào tạo và giới thiệu việc làm ở đâu và như thế nào? Thời gian qua, một số xã cũng đã tổ chức đưa người nghèo trong độ tuổi lao động đi học nghề, nhưng nhiều trường hợp sau khi học nghề xong chỉ đi làm một thời gian rồi cũng trở về địa phương. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng, nên giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn bằng việc đầu tư và tạo điều kiện thu hút đầu tư để các cơ sở sản xuất, chế biến mở rộng kinh doanh và thu hút lao động ngay tại địa phương. Đây có lẽ là giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện, với phương châm “cho người nghèo cái cần câu chứ không chỉ cho con cá”. Về nội dung, việc đào tạo nghề cần nhắm đến đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với các cơ sở sản xuất, việc này sẽ giúp thực hiện đúng mục tiêu của đào tạo nghề là tăng khả năng giải quyết việc làm cho người nghèo.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo dẫn đến xóa nghèo bền vững, ngoài các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo phát triển kết cấu hạ tầng, các chính sách chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, xây dựng nhà ở…, trong nghị quyết về giảm nghèo cần chú trọng thêm việc cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, động viên ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo, vươn lên làm giàu của chính hộ nghèo, xã nghèo, tạo động lực to lớn, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội. Không chỉ tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất mà cả việc hoạch toán chi tiêu trong gia đình, ý thức tự tạo việc làm nhằm tăng thu nhập, huy động các nguồn lực trong dân để thực hiện công tác xóa nghèo.

Bám sát thực tiễn cuộc sống để xây dựng nghị quyết như cách làm ở A Lưới, sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan cho một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới của địa phương này, nhất là trong công tác xóa nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Return to top