ClockThứ Ba, 09/04/2019 09:49

Bé con trên núi đá

“Thu yêu thương” với trẻ vùng cao

“Các cô mua vòng hoa đội đầu cho con đi!” – Cô bé có gương mặt xinh xắn thỏ thẻ khi ùa ra cùng đám bạn để mời chào khách vừa xuống xe, chuẩn bị tham quan dinh nhà Vương ở thung lũng Sà Phìn (Lũng Phìn, Đồng Văn). Những vòng hoa đồng nội chắc chắn đã được các bé kiếm về từ các triền núi, hay những bờ cây dại mọc bên những hàng rào đá. Chúng cũng không mấy sặc sỡ - có thể là vì Hà Giang vừa có những ngày dài không có mấy nắng. Mà cũng có thể đó là những sắc màu kiên cường trên các triền núi đá. Nhưng những bộ váy mà các nhóc đang mặc hôm đó, trông như những đám hoa vui tươi linh động trong một ngày vừa có mặt trời.

Cô bé con ở làng văn hóa Lũng Cẩm

“Con tên Mẩy” – cô bé nói rồi cố choàng vòng hoa lên đầu khách vừa cúi xuống. “Cô đội vòng hoa này trông xinh như công chúa ấy”. Tôi bật cười vì cách so sánh đã có vẻ rất chuyên nghiệp của người bán hàng nhí “Cả chú nữa, trông chú đẹp như hoàng tử…”. Rồi cả đám líu nhíu theo sau mấy cô khách, chú khách; lao nhao kể tên lớp 5 lớp 6 và tên trường mình học, đôi mắt sáng và rối rít cảm ơn khi được tặng mấy trái bắp ngô, đám khoai nướng trong túi và mấy hộp sữa tươi mà các cô khách định dành cho chuyến vượt đèo. Tôi nhìn những đôi chân nhỏ líu ríu dưới lớp chân váy nhiều màu, cảm giác như nắng buổi sáng đã vui hơn trên khoảng sân đầy gió.

Trên đường đi, Minh – đồng nghiệp của chúng tôi bảo, mình đi cũng nhiều đấy, cũng gặp lũ trẻ bám khách bán hàng rong ở nhiều nơi nhưng trẻ con ở đây, so ra thì vẫn ngoan hơn, dù thật ra thì lũ nhỏ cũng đã biết cách kiếm tiền. Minh bảo đôi khi cũng thấy buồn và mếch lòng khi chứng kiến cảnh người lớn cho tiền, hay cho quà lũ nhỏ như kiểu bố thí. Họ ném bánh mì, bánh kẹo và có khi cả tiền lẻ nữa xuống từ khung cửa xe. Lũ nhỏ ngày xưa không xúm lại khách như thế này đâu nhưng giờ chúng đã quen và lắm đứa cũng biết cách “vòi” tiền từ khách đấy.

Tôi cũng thấy điều đó, như đám trẻ nhỏ tẹo quẩy vội gùi hoa cải đã héo oải lên vai rồi lũn tũn chạy ra đón khách. 10.000 đồng một gùi hoa. 10.000 đồng cho vài kiểu chụp. Mọi thứ rạch ròi. Chỉ có đôi má lem nhem của bé gái độ 3 tuổi vừa ngồi phịch xuống bậc thêm vì không theo nổi các anh chị là vẫn như cũ. Chỉ có những đôi chân trần là vẫn như cũ. Và đương nhiên rồi, cả những ánh mắt mong chờ cũng bắt đầu giống như đám trẻ thường bám khách bán vài món hàng rẻ tiền ở bất cứ một điểm du lịch nào tôi đã thấy tại những nơi mà mình đã ghé chân…

Nhưng nói thật, những cô bé đồng nội vùng núi đá ở Hà Giang vẫn mang lại một cảm giác dễ chịu hơn, với đám hoa mà chúng kỳ công kết lại, với chất giọng lơ lớ khi trao đổi bằng tiếng Kinh, cả những cái nắm tay ban đầu là rụt rè đến tin cậy dần. Đó cũng là điều khác hẳn khi tôi vẫn phải thường quay mặt đi khi thấy du khách vừa trở ra sau chuyến tham quan lăng Tự Đức, Minh Mạng xem chừng mệt mỏi vì cứ phải xua tay từ chối liên tục những người phụ nữ bám theo năn nỉ mua quạt, mua mũ, mua trái cây...

Bài, ảnh: Lê Nguyên An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chủ quan trước biến chủng Delta

Biến thể Delta là 1 trong 4 biến chủng virus Corona được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay. Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, mỗi người dân đều phải nghiêm túc tuân thủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch của chính quyền địa phương các cấp và tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có cơ hội.

Không chủ quan trước biến chủng Delta
Giữ thông cho Huế

Cây thông từ lâu trở thành một phần của di sản văn hóa triều Nguyễn và được khắc trên Cửu đỉnh. Giữ gìn cây thông cho Huế, nghĩa là giữ gìn khí chất, cốt cách trong chiều sâu văn hóa của vùng đất sông Hương núi Ngự.

Giữ thông cho Huế
Nhớ tuồng!

Loanh quanh thế nào rồi câu chuyện của chúng tôi lại về với tuồng – là tuồng của những ngày… xưa rồi. Quyện trong vị cà phê đắng chiều cuối năm, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) La Thanh Hùng trầm ngâm: Nhớ quá!

Nhớ tuồng
Return to top