ClockThứ Năm, 20/10/2011 04:54

Bến đò hoài niệm

TTH - Lần đầu tiên, tôi có khái niệm về bến đò và đi đò là vào năm học lớp chín, cách nay cũng hơn 30 năm. Lúc đó, tôi có đứa bạn học cùng lớp quê ở Bao La, Quảng Phú (Quảng Điền). Dịp hè, cả bọn rủ nhau về quê chơi và để về được làng Bao La, chúng tôi phải qua đò Hạ Lang. Cái cảm giác gọi đò, chờ đò, lên đò, đi đò và xuống đò lần đầu thật thú vị. Sau này, tôi mới biết, với bến đò Hạ Lang, tôi chỉ là khách nên mới chỉ thấy cái lạ, cái hay mà chưa cảm nhận được hết cái khổ của kẻ đi đò thường xuyên như thằng bạn tôi khi phải qua đò vào mùa mưa lũ, luôn trong tâm trạng vội vàng mỗi tối sợ lỡ chuyến đò ngang cuối cùng.

Tuy nhiên, tôi vẫn tự hào mình từng đi qua bến đò lịch sử. Tương truyền, cách nay hơn 200 năm, trong thời gian ở Huế đã từng nhiều lần Tố Như tiên sinh đi dã ngoại dọc bờ bắc sông Bồ, dừng chân ở bến đò Hạ Lang và đã để lại cho đời nhiều thi phẩm tuyệt vời. Năm 1885, khi phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), đội quân thủ túc trong phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết đã vượt sông Bồ ở chính ở bến đò Hạ Lang này để sau đó băng lên hương lộ theo hướng bắc chạy ra chiến khu.

Bến đò Thừa Phủ năm 1963. Ảnh: TL

 
Thừa Thiên Huế là vùng đất của sông nước. Ngay trong phạm vi của thành phố Huế, đi đến bất cứ đâu, đứng bất kỳ chỗ nào cũng thấy sông, thấy nước. Và, với địa hình nhiều sông nước, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường. Ngày xưa khi tàu xe chưa có, hình ảnh những chuyến đò dọc, đò ngang gắn với bến đò xưa trở thành một biểu tượng đẹp của xứ Thần kinh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chỉ nội vùng sông Hương và tuyến đường thuỷ phụ cận đã có đến 50 bến đò khác nhau. Khó có thể phôi phai trong lòng người xứ Huế hình ảnh và tình cảm về những bến đò xưa, như: Trường Súng, Thừa Phủ, Trường Tiền, hay Hàng Me, Đập Đá...Trong đó, bến đò Thừa Phủ với khách vãng lai chủ yếu là những công chức, học sinh rất ấn tượng khiến cho có người từng đề xuất khôi phục lại để hình thành nên tour du lịch phục vụ khách trong bối cảnh phát triển hiện nay của du lịch Huế. 
Cái bến đò xưa của Huế đang mất dần cùng với sự ra đời của những cây cầu. Khi cầu Trường Tiền hoàn thành vào năm 1900, bến đò Trường Súng ngưng hoạt động. Cầu xe lửa Bạch Hổ ra đời, có lối dành cho khách bộ hành, đến phiên bến đò Trường Súng giải thể. Rồi khi cầu Phú Xuân xuất hiện như một bổ sung hoàn chỉnh cho cầu qua sông Hương vào năm 1972 thì “vô tình” chấm dứt luôn nhiệm vụ của bến đò Thừa Phủ nhiều hoài niệm sau hơn 70 năm tồn tại. Những năm gần đây, cùng với công cuộc chinh phục phá Tam Giang- Cầu Hai ra đời nhiều cây cầu huyền thoại, là ước mơ từ bao đời nay của người dân Thừa Thiên Huế như Thuận An mới, Ca Cút, Trường Hà, Tư Hiền…cũng là lúc mà những bến đò xưa Ca Cút, Thuận An hay Đá Bạc đi vào dĩ vãng.
Nhớ năm kia, khi cầu Tứ Phú đã bắc qua sông Bồ, thằng bạn cũ ngày xưa giờ đã là một giáo sư đại học ở Hà Nội vào Huế rủ tôi về quê ôn lại kỷ niệm xưa. Lên cầu Tứ Phú, vô tình cả hai đã dừng lại thật lâu để nhìn con sông Bồ đỏ ngầu vào mùa nước lũ và cả những xóm làng quê ven sông rợp mát bóng cây. Bất chợt, nhớ lại chuyện của ngày ấy đã xa. Bây giờ, ừ nhỉ, đã không còn nữa bến đò và những con đò ngang chở khách qua về con sông Bồ nữa. Bỗng dâng trào lên lòng một cảm giác tiếc nuối và hoài niệm…Nhớ sao bến đó Hạ Lang một thời!

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top