ClockThứ Ba, 25/07/2017 06:11

Bệnh khô vằn, nhện gié gây hại lúa trên diện rộng

TTH - Tính đến ngày 24/7, hơn 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh bị nhiễm các loại sâu bệnh.

Nông dân HTX Phú Thanh phòng trừ sâu bệnh

Lây lan trên diện rộng

Cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, hàng ngàn ha đã đứng cái, đẻ nhánh và một số diện tích đã trổ, song đang đối diện với nạn sâu bệnh hoành hành có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Chị Phạm Thị Phượng ở xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) cho biết: “Từ khi xuống giống được chừng 20 ngày thì sâu bệnh bắt đầu xuất hiện, dù đã phun thuốc phòng trừ nhưng vẫn ngày càng lây lan. Chỉ trong vòng 2 tuần nay, bệnh rầy nâu sinh trưởng, gây hại lúa với mật độ khá dày, rất khó xử lý”.

Theo chị Phượng, hầu như vụ lúa nào cũng bị bệnh rầy nâu, nhưng vụ hè thu này rầy nâu gây hại khá nặng. Các loại thuốc đặc trị đã được người dân sử dụng để phun phòng trừ nhưng hiệu quả không cao. Kinh nghiệm của người dân cho thấy, bệnh rầy nâu thường xuất hiện từ giữa đầu vụ đến cuối vụ. Đây là thời điểm cây lúa làm đòng, đẻ nhánh và trổ nên nguy cơ thiệt hại rất cao.

Sâu cuốn lá nhỏ cũng đang có chiều hướng lây lan khá nhanh trong những ngày gần đây. Bệnh nhện gié, khô vằn trên cây lúa cũng đang diễn biến phức tạp trên diện tích khá lớn với mật độ khá cao.

Nông dân Quảng Lợi phun thuốc trừ sâu bệnh

Chị Trần Thị Mai ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thắng Lợi (Quảng Điền) nói: “Năm nay bệnh khô vằn, nhện gié xuất hiện, gây hại trên diện rộng. Các loại bệnh này tuy không nguy hiểm như rầy nâu nhưng nếu không có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả thì năng suất, chất lượng lúa không cao. Nông dân triển khai các biện pháp như hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nhưng bệnh vẫn cứ lây lan”.

Tích cực ứng phó

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Thanh 2 Phùng Quang Thạnh cho biết, toàn HTX có khoảng 500 ha lúa thì có đến 30% diện tích bị rầy nâu hoành hành với mật độ 750 -1.500 con/m2. HTX đang tích cực kiểm tra, nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân, hộ thành viên đồng loạt ra quân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, phương châm của HTX là hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin: Trên địa bàn có khoảng một nửa diện tích của gần 500 ha bị sâu bệnh hoành hành. Trong vòng 2 tuần nay là thời kỳ “cao điểm” của sâu bệnh. Chính quyền địa phương cử cán bộ khuyến nông, phối hợp với các HTX vận động, hướng dẫn người dân tích cực bám đồng ruộng để theo dõi, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Theo hướng dẫn của Chi cục TT&BVTV tỉnh, đối với rầy nâu, người dân cần sử dụng các loại thuốc: Phimetrozyne, Nitempyram, Dinotefuran... để phun phòng trừ; sâu cuốn lá, nhện gié... cần sử dụng các loại thuốc Dilen 10EC, Nauvo 3.6EC, Vimatox 1.9EC để phun. Cứ sau 2-3 ngày kiểm tra một lần, nếu sâu bệnh vẫn chưa thuyên giảm thì tiếp tục phun thuốc cho đến khi bệnh giảm dần.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho rằng, rầy nâu cũng như các loại sâu bệnh trên lúa rất khó phòng trừ một cách triệt để.

Thống kê sơ bộ, có hơn 32% diện tích trong tổng diện tích trên 4.000 ha lúa toàn huyện bị các loại sâu bệnh gây hại khá nặng. Vài ngày gần đây, một số diện tích bị nhiễm sâu bệnh có dấu hiệu giảm, nhưng phương châm của ngành nông nghiệp huyện là không chủ quan, tiếp tục bám đồng ruộng để xử lý nhằm hạn chế thiệt hại mức thấp nhất.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thông tin, tính đến ngày 24/7, khoảng 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh bị nhiễm các loại sâu bệnh. Trong đó, rầy nâu có đến 2.500 ha bị nhiễm bệnh với mật độ trung bình trên 1.000 con/m2, nơi cao đến 3.000-5.000 con/m2. Diện tích bị nhiễm tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.

Các loại sâu bệnh như nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sâu đục thân, bọ phấn, chuột, thối bẹ, sọc vi khuẩn, bạc lá... gây hại ở mức độ, tỷ lệ thấp. Chi cục TT&BVTV phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến và triển khai các biện pháp phòng trừ, với phương châm “bốn đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
Thói quen khó đổi

Lâu nay, phần lớn người dân theo nghề trồng trọt đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Thói quen khó đổi
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

Tính đến ngày cuối tháng 7, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000ha lúa đang bị sâu bệnh, chuột gây hại và có nguy cơ tiếp lục lây lan trên diện rộng do diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường.

Phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu
Return to top