ClockThứ Sáu, 02/11/2018 14:46

Bệnh Melioidosis rất nguy hiểm

TTH - Bệnh Melioidosis là một trong những bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong sớm nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đáng ngại, biểu hiện bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nên dễ bị "bỏ qua". Để hiểu rõ hơn bệnh Melioidosis, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Chương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm, Trường ĐH Y dược Huế, người có thời gian nghiên cứu về căn bệnh này.

Gần 200 hội thảo viên tham dự hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ II bệnh Melioidosis

PGS.TS Trần Xuân Chương

Xin ông cho biết một vài thông tin về Melioidosis?

Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này có tên thường gọi là Whitmore. Trên thế giới đã ghi nhận bệnh này từ thập niên 20 - 30 thế kỷ trước. Ở Việt Nam phát hiện chúng vào những thập niên 50; đặc biệt, trong chiến tranh ở Việt Nam nhiều lính Mỹ đã mắc bệnh này. Sau ngày giải phóng đất nước, một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh này. Gần đây, bệnh Melioidosis có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Trung. Cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm. Nếu không phát hiện, điều trị đúng phác đồ, tỷ lệ tử vong của người bệnh lên gần 50%.

Bệnh Melioidosis đã xuất hiện ở khu vực miền Trung, thế nhưng nhiều y, bác sĩ khẳng định đó bệnh hiếm, ít xảy ra ở Thừa Thiên Huế. Ông có thể giải thích về điều này?

Số liệu chúng tôi ghi nhận ở các BV thuộc khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế) trong 5 năm gần đây có hơn 60 trường hợp mắc bệnh. Đây là con số ghi nhận, còn những trường hợp chưa phát hiện ra sẽ cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng Melioidosis là bệnh ít gặp vì do biểu hiện lâm sàng của nó đa dạng, như sốt, nhiễm trùng không triệu chứng, viêm phổi, đau nhức các cơ khớp, xuất hiện những ổ áp xe dưới da và tại nhiều vị trí trên cơ thể nên dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác, như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết... Hơn nữa, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên kết quả xét nghiệm vi sinh, có quy trình nuôi cấy nhận dạng vi khuẩn. Tuy nhiên, các BV tuyến dưới chưa biết nhiều về bệnh này, cán bộ xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa có quy trình xét nghiệm chuẩn nuôi cấy chọn lọc tăng sinh vi khuẩn Burkholderia pseudomallei ở các bệnh phẩm tạp nhiễm nên khó phát hiện. Vì vậy, lâu nay Melioidosis là bệnh truyền nhiễm được xem như bị bỏ quên ở Việt Nam.

Bệnh này có lây không, thưa ông?

Loại vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là loại vi khuẩn sống trong đất và trong nước. Do vậy con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn. Rất may đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào về việc bệnh có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Melioidosis thường rải rác chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Những đối tượng nào thường mắc Melioidosis, thưa ông?

Mọi lứa tuổi, trong đó không loại trừ những người khỏe mạnh. Đối tượng mắc cao là do thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, nước, vườn tược. Những trường hợp mắc bệnh như đái tháo đường, nghiện rượu, có bệnh lý phổi hoặc thận mạn tính khi tiếp xúc với bùn đất thì có nguy cơ mắc bệnh Melioidosis cao hơn. Thời kỳ ủ bệnh của Melioidosis trung bình 9 ngày. Bệnh có thể diễn biến tối cấp, cấp tính, bán cấp tính hoặc mạn tính. Nếu bệnh diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.

Khi phát hiện bệnh, cách điều trị như thế nào?

Việc điều trị bệnh khi được khẳng định chẩn đoán hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6 - 8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng bệnh. Chính việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc dẫn đến tỷ lệ tử vong do bệnh Melioidosis cao.

Ông có khuyến cáo cho cộng đồng về bệnh này?

Qua các hội thảo trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh từ cấp Trung ương và địa phương tôi mong muốn mọi người biết rõ và hiểu thêm về căn bệnh để phòng ngừa. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh Melioidosis. Đối với cơ sở y tế, BV khi gặp các bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như nói trên, phải nghĩ đến bệnh Melioidosis trọng đến quy trình xét nghiệm đúng chuẩn để phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh. Khi phát hiện đúng bệnh phải điều trị tấn công ít nhất 2 tuần dùng kháng sinh liều cao đặc hiệu. Sau đó, tiếp tục điều trị duy trì khoảng 3-6 tháng mới phòng được tái phát.

Với những người thường xuyên tiếp xúc với đất, như nông dân cần phải có bảo hộ lao động, đi ủng, mang găng tay nhất là khi trên da xuất hiện các vết xước. Khi xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, đau đầu, đau ngực... cần đi khám tại các cơ sở có xét nghiệm vi sinh, không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh trường hợp đáng tiếc.

Xin cảm ơn ông!

Minh Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Cảnh báo bỏng do pháo tự chế

Chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 4 ca bị bỏng do pháo tự chế mua trên mạng internet. Trong số này, một trường hợp bỏng nghiêm trọng đang được lên kế hoạch phẫu thuật.

Cảnh báo bỏng do pháo tự chế
Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa

Điều kiện thời tiết mưa gió, đường trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế... luôn tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông.

Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa
Return to top