ClockChủ Nhật, 10/06/2018 06:15

Bệnh nhân được nghe nhạc

TTH - Khoảnh khắc nằm trên bàn mổ, chờ phẫu thuật thật đáng sợ, dù bác sĩ điều trị tư vấn: Không sao đâu, đơn giản thôi.

Căn phòng rộng thênh một màu trắng. Những bức tường trắng toát. Những tấm ra trắng toát và cảm giác rất lạnh. Đến nỗi phải nhờ người tắt bớt điều hòa.

- Sao chị gầy vậy. Bao nhiêu ký?- Cô y tá, có lẽ thế- cứ hỏi đi hỏi lại. Hình như, trọng lượng của bệnh nhân trên bàn mổ là điều cần lưu ý. Nhưng trong những câu hỏi như vô tình, hình như có chút thương cảm, khi cô y tá cứ lật qua lật lại bàn tay gầy của bệnh nhân để tìm ven.

- Chịu khó một tý nhé - Cô ý tá  nhỏ nhẹ khi luồn chiếc kim tiêm dài  vào tay bệnh nhân.

Giây phút chờ đợi trên bàn mổ thật dài. Nghe rõ tiếng bước chân lao xao. Những dụng cụ va đập loảng xoảng...Tôi chợt nhớ đến bản cam đoan chiều qua, trước khi mổ. Đã thành một thủ tục không thể thiếu, mỗi bệnh nhân trước khi lên bàn mổ đều viết tay một bản cam đoan, rằng bản thân và gia đình chấp nhận tự nguyện phẫu thuật mà không kiện cáo, khiếu nại... Điều đó có nghĩa, mọi tai biến trong y khoa có thể xẩy ra bất cứ lúc nào mà không ai có thể lường trước.

- Em mở tý nhạc cho dễ chịu nhé- Như đoán được sự hồi hộp của bệnh nhân, cô y tá nhẹ nhàng bật một bản nhạc. Hình như là hòa tấu. Không rõ đó là ghi-ta, vi-ô-lông hay xắc-xô-phôn... bởi lúc ấy, tâm trí chưa sẵn sàng cho việc nghe nhạc.

Bác sĩ  mổ đã có mặt, khẽ gật đầu chào bệnh nhân. Bản nhạc cũng đã tắt.

- Chị nghiêng lưng, chuẩn bị gây tê nhé- Một kỹ thuật viên giải thích.

Tôi nhắm nghiền mắt, quên đi cảm giác buốt nhói ở sống lưng và cảm giác tê dại dần xâm lấn. Phút chốc, những giai điệu nhẹ nhàng của bản nhạc ấy vang lên, choán hết tâm trí. Cảm giác nhẹ nhõm lan tỏa, đẩy lùi âu lo, hồi hộp và nỗi ám ảnh một tai biến nào đó chực chờ...

Ai đó đã đúng khi bảo, nằm viện là một cuộc trải nghiệm đặc biệt. Cuộc trải nghiệm ấy có thật nhiều cảm xúc, thật nhiều bài học. Cảm xúc trước cái tốt và sự tử tế, trước những phiền toái nảy sinh, trước những thân phận éo le chợt gặp từ những người bạn cùng nằm viện... Và trong ngập tràn cảm xúc ấy, tôi cứ lâng lâng khi nghĩ đến những giai điệu dễ chịu trước giờ mổ.

Những bệnh nhân khác bảo, họ không như tôi khi được nghe nhạc trong phòng mổ. Có lẽ việc mở nhạc cho bệnh nhân thư giãn trước giờ mổ chỉ là phút ngẫu hứng nhân văn của cô y tá tốt bụng, nhân hậu ấy...

Tôi lại nhớ đến những bài báo đăng trên Tuổi Trẻ cách đây vài năm, đặt ra một vấn đề, rằng tại sao, những người có thu nhập cao ở Việt Nam thường ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí đắt đỏ, dù trong nước vẫn có thể thực hiện?

Câu trả lời là vì ở đó, người bệnh thấy yên tâm, thoải mái, tin cậy nhờ thái độ phục vụ, nhờ sự ân cần, chu đáo...

Có lẽ,  suy cho cùng, khám chữa bệnh là một dịch vụ đặc biệt. Ở đó, bệnh nhân là khách hàng đặc biệt. Bởi tính đặc biệt ấy mà họ cần có một liệu pháp đi kèm. Một liệu pháp không có trong toa kê của bác sĩ. Đó là liệu pháp tinh thần.   

Và ai đó cũng đã từng đề xuất: Hãy treo những bức tranh, hãy đặt những lọ hoa trong phòng bệnh.Và cả nhạc nữa. Tại sao không?

NHẬT NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1.000 người

Chiều 11/3, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Mắt của đơn vị sẽ tổ chức khám sàng lọc glôcôm cho gần 1.000 người. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn diễn ra từ 11 đến 17/3 nhân “Tuần lễ Glôcôm thế giới”. ​

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1 000 người

TIN MỚI

  • Loa jbl chính hãng
Return to top