ClockThứ Tư, 24/10/2012 16:27

Bệnh viện Hoàng Viết Thắng giúp hai học sinh nghèo đến trường

TTH - La Thị Hoài và Bùi Thị Thảo, những học sinh nghèo xứ Nghệ tưởng chừng phải rời bỏ bút nghiên, dang dở việc học tập, từ bỏ ước mong cháy bỏng trở thành bác sĩ bởi hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhưng hai em may mắn được vợ chồng bác sĩ Hoàng Viết Thắng, Nguyễn Thị Quang Hiền - Bệnh viện Hoàng Viết Thắng tài trợ, nuôi dưỡng học tại Trường trung cấp nghề Âu Lạc Huế.

Thật khó tin rằng, em La Thị Hoài (SN 1994), học sinh duy nhất của tộc người Đan Lai (bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An) 11 tuổi đã sống xa nhà hàng chục km, một mình dựng lều gần trường để học. Hoài còn động viên một số học sinh trong thôn cùng đến ở học chung lều. “Ước muốn học ngành y, trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo là động lực giúp em vượt qua khó khăn để học tập” - Hoài nhắc lại mong ước của mình khi mở đầu câu chuyện.

 

Em Hoài (trái), em Thảo (phải) và bác sĩ Nguyễn Thị Quang Hiền

 

Bản Cò Phạt nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Muốn vào được bản, người Đan Lai chỉ có cách duy nhất là đi bằng thuyền ngược dòng sông Giăng, vượt hàng chục thác dữ hoặc đi bộ, vượt rừng, men theo bờ sông. Nếu trời mưa to, Cò Phạt sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Mỗi lần bị bệnh nặng, người dân rất vất vả khi di chuyển, có người đã bị chết do nhập viện muộn, vì giao thông khó khăn. Ở đây mới chỉ có cơ sở lẻ của Trường tiểu học Môn Sơn nên khi hết lớp 5, các em muốn học lên phải chấp nhận rời xa gia đình, ra trung tâm xã dựng lều tự lo cho cuộc sống, học tập. Ban đầu, khi học hết lớp 5, Hoài phải chèo bè nứa mất nửa ngày từ bản Cò Phạt, vượt hàng chục thác dữ trên dòng sông Giăng ra trung tâm xã để học. Nhưng như vậy thì quá nguy hiểm, nên Hoài đã nhờ người thân dựng cho mình căn lều lợp bằng tre, nứa ở bãi đất bằng phẳng ven đường gần trường học. Một, hoặc hai tháng mới về thăm nhà một lần. Ở bản Cò Phạt và bản Búng cũng có nhiều học sinh nuôi ước mơ làm bác sĩ, cô giáo nên đã theo gương chị Hoài nguyện xa nhà, vượt khó để học chữ. Tốt nghiệp lớp 12, Hoài hăm hở đến Vinh thi đại học ngành bác sĩ đa khoa với bao hy vọng, nhưng kết quả thi chỉ đạt 11 điểm. Mặc dù trường có chủ trương xét tuyển bổ sung 215 thí sinh là người dân tộc thiểu số, ở huyện nghèo theo Nghị quyết của Chính phủ nhưng Hoài không thuộc diện được xét tuyển vì huyện Con Cuông không thuộc huyện nghèo. Gia đình không đủ điều kiện để Hoài ôn thi đại học lần thứ hai. Ước muốn trở thành bác sĩ với Hiền chỉ còn là một kỷ niệm buồn.

 

Cùng quê hương xứ Nghệ với Hoài là Bùi Thị Thảo ở huyện Yên Thành, có hoàn cảnh thương tâm. Chỉ trong vòng 3 năm, cả bố mẹ Thảo đều ra đi một cách đột ngột để lại 3 đứa con nhỏ. Chị em của Thảo tiếp tục sống, học tập bằng sự giúp đỡ của bà con, hàng xóm và sự lao động vất vả của người chị cả. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng Thảo vẫn quyết tâm học với ước nguyện trở thành bác sĩ, nhưng cũng như Hoài, em chỉ được 11 điểm sau khi thi vào Đại học Y khoa Vinh.

 

Một cơ quan thông tin biết được ước mơ cao đẹp của hai cô bé nghèo xứ Nghệ đã viết bài kêu gọi sự giúp đỡ của độc giả. Bác sĩ Nguyễn Thị Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Hoàng Viết Thắng sau khi đọc được bài báo liền gửi thư về tòa soạn, xin được cưu mang, giúp đỡ hai em. Trước khi đón Thảo và Hoài vào Huế, bác sĩ Hiền đã đến Trường trung cấp Âu Lạc xin cho 2 em được học lớp y sĩ đa khoa.

 

Hơn một tháng trôi qua, hai cô gái đã làm quen với cuộc sống mới, đặc biệt được sống trong tình thương yêu của vợ chồng bác sĩ Hoàng Viết Thắng và Nguyễn Thị Quang Hiền. “Không có hai bác Quang Hiền thì việc học tập của em sẽ chấm dứt, em sẽ không bao giờ được làm thầy thuốc để chữa bệnh cho dân bản, vì theo phong tục ở quê, em phải lấy chồng sớm” - Thảo nói với đôi mắt trong veo.

 

Bác sĩ Quang Hiền xúc động khi nói về việc nhận giúp đỡ cưu mang hai cuộc đời đang gặp khó khăn: “Hoàn cảnh của Hoài và Thảo đã làm tôi quặn thắt lòng. Phải giúp hai em theo đuổi nghiệp y! Tôi quyết định ngay khi đọc xong bài báo. Được sự đồng ý của chồng là TS, bác sĩ Hoàng Viết Thắng, tôi liên hệ với tòa soạn báo và nhờ lực lượng biên phòng Nghệ An tìm giúp hai cháu. Chúng tôi coi Thảo và Hoài như con gái mình, nên quyết định sau khi học xong, hệ trung cấp, chúng tôi tiếp tục nuôi hai cháu thực hành, học việc thêm 2 năm ở Bệnh viện Hoàng Viết Thắng để vững vàng hơn trong chuyên môn. Nếu hai cháu thích học thêm đại học y khoa, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ”.

 

Nghe được điều này, gương mặt hai cô gái bừng sáng. Tôi biết trong trái tim của hai cô gái đang nghĩ về những người bệnh nghèo ở quê từng ngày cần bàn tay chăm sóc của người bác sĩ!

 

Đinh Hoàng Xuân Hồng

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top