ClockThứ Bảy, 18/05/2019 19:21

Bèo nước gặp nhau

Tơ vươngĐến với tình yêuHai ổ khóa tình yêu

-  Mày quê ở đâu?

- Láng Trâm.

- Ở đâu lạ hoắc vậy! Mày làm tháng được nhiêu?

- Bốn triệu rưỡi.

- Nó có hay đánh chửi mày không?

- Không có. Hỏi chi vậy?

- Ơ, cái con này láo. Mày làm cho nó, liệu hồn có bữa ăn đòn lây nghe con. Cái thứ ở đợ mà hỗn. Cái thứ ăn rau ăn cà mà bày đặt nuôi osin, làm như hay lắm vậy...

Đoạn hội thoại trên được con Lệ kể lại trong ấm ức và tức giận.

Nga ngồi lặng thinh nghe con Lệ nói, lòng trống rỗng mỏi mệt. Cuộc sống trong cái hẻm này vốn xô bồ, không phải cứ an phận sống là không bị người ta ghét. Nga không hiền, cũng chẳng nhút nhát, nhu nhược gì. Nhưng không lẽ Nga lại chạy ra trả treo miệng năm miệng mười với họ? Nga đành cười giả lả cho qua chuyện:

- Thôi, hạng người đó đừng để ý làm gì.

Rồi như chợt nhớ ra, Nga nhắc:

- Có rảnh thì lấy vở ra tập viết đi Lệ.

Con Lệ dường như vẫn chưa nguôi ngoai hẳn. Nó bặm môi tì cây viết chì thật mạnh, liền sau đó phải tất tả đứng dậy tìm cái đồ chuốt. Nga nhìn theo dáng con gái khỏe mạnh của nó, nhìn mái tóc sau khi đã được Nga dắt ra tiệm bình dân đầu hẻm cắt bớt phần đuôi cháy nắng đi đang mọc ra bóng mượt, bất giác Nga buông tiếng thở dài.

***

Nhà con Lệ nghèo lắm. Nghèo không tưởng nổi. Căn nhà lá xiêu vẹo trên một khoảnh đất ngập nước mặn, xung quanh mọc đầy cỏ năn, lau sậy, xa xa điểm xuyết bằng những cây điên điển còng queo, vài ba nhánh so đũa gãy đổ. Đó là mấy món đặc sản của xứ này mà những người thành thị xa xôi vẫn thường ca tụng ngưỡng mộ, vẫn thường lãng mạn “thương nhớ đồng quê”.

Lệ không có tuổi thơ. Những đứa trẻ quanh nó cũng không có tuổi thơ. Nó chỉ học tới lớp ba, đánh vần mặt chữ vẫn còn bập bẹ. Chữ học rồi phải quên. Bởi trong nhà nó cũng hiếm hoi có món gì có chữ. Tờ báo, cuốn sách, thậm chí vài ba mảnh giấy cũng xa lạ. Nhà nó chỉ có một cái giường nhỏ trải chiếu cũ. Ba nó mất vì bệnh xơ gan. Những người đàn ông đàn bà xứ này vẫn thường hay chết vì những căn bệnh tương tự.

Con Lệ vốn gốc Khơ - me. Xứ này đông đúc. Trẻ con không mấy đứa được đi học. Dù mỗi mùa tựu trường, cũng có người của chính quyền đến dặn dò, cho tập, cho viết. Nhưng đi học rồi thì ai giữ em? Ai làm cỏ lúa? Ai cắt lúa? Ai bắt cá hôi? Ai bắc nồi cơm đợi những bà mẹ đi làm đồng về? Những bậc làm cha mẹ cũng mơ hồ biết được đi học sẽ tốt hơn cho con cái họ. Có thể sẽ bớt nghèo, bớt khổ. Nhưng nghèo quá, khổ quá. Cứ nghỉ học cái đã, tính sau.

Đàn bà gói bánh ít bánh ú, xong bỏ vào thúng đội ra chợ xã, chợ huyện bán. Đàn ông làm ruộng mướn. Cả ngày phơi lưng ngoài đồng, để chiều đổi về ngày công mấy chục ngàn, biến thành ký gạo, lít rượu đế, vài con khô, trái ổi trái xoài. Miếng thịt là thứ hiếm hoi, xa xỉ. Rồi thì chập tối vài ba người đàn ông gầy thành một sòng rượu, khề khà trong cái hơi bùn tát đìa bắt cá vừa lắng xuống chưa lâu. Tối mịt thì thắp thêm ngọn đèn, điện cũng có nhưng biết lấy đâu ra tiền để trả bây giờ.

Gần đây, có một cái nghề thời thượng hơn. Đi lên thành phố giúp việc nhà. Bà Hoa dẫn mối. Để rồi thi thoảng có đứa trốn về, xách theo một vài món đồ gì đó. Nếu đáng giá, thì mấy hôm sau chủ nhà xuống tận nơi để tìm. Câu chuyện râm ran trong xứ được vài hôm, rồi chìm xuống. Những đứa con gái lớn lên, quen việc đồng áng, tay chân to bự vụng về, lâu lâu lại bất ngờ quay về vì không làm được việc, hư hao gì đó. Có những đứa nhà nghèo quá, vẫn cứ liều đi. Gởi xe lên, tới nơi chủ ra đón, trả tiền xe ôm luôn. Có khi bà Hoa ứng ra trước. Đến nơi chủ trả tiền cò, cộng với tiền cho osin mượn. Nhà chúng không thể chạy nổi hơn trăm ngàn tiền xe cho con gái đi “làm ăn”.

Bà Hoa đến từng nhà chỉ bảo đường đi nước bước. Đứa nào trắng trẻo xinh xẻo hơn thì nên để dành gả chồng. Gả chồng được cho tụi nó là đổi đời luôn. Nhà có tiền sửa sang xây lại. Trả hết nợ nần từ đời cha căng chú kiết. Có thể sẽ dư ra mua được cái tivi màu, thêm cái đầu máy coi đĩa chẳng hạn. Chứ để ở nhà rồi thì chúng cũng mau chóng có chồng, mà nhiều khi đời chúng còn khổ cực hơn nhiều là đằng khác.

Bởi con trai, con gái lớn lên, quen biết nhau trên ruộng lúa, dòng kênh. Lấy nhau cũng cực kỳ đơn giản, chẳng cần gì lễ lạc cưới xin. Tiền đâu mà bày vẽ. Mùa lúa nếp chín, giã cốm dẹp. Làm bánh phồng tôm. Rồi thích nhau. Hẹn nhau ngoài bờ cỏ. Gần nhau lúc đi tát mương bắt cá. Cái bụng lùm lùm. Dọn về ở. Ít tháng sau sẽ có một đứa con nít xuất hiện, da ngăm đen, mũi dãi lòng thòng. Luẩn quẩn. Vô vọng.

Con Lệ quen Thạch Sơn cũng theo lịch trình gần giống như vậy. Chỉ khác ở chỗ, chúng nó không dọn về nhà nhau ở. Bụng con Lệ cũng chưa kịp lùm lùm. Mà cả hai rủ nhau đi xa kiếm việc làm. Làm gì, con Lệ và thằng Sơn cũng chưa kịp hình dung ra. Kệ, cứ đi rồi tính. Cuối cùng, con Lệ cũng được nhận vào xưởng may học việc. Nó dần dà biết đạp máy may, biết ráp hàng ở một công đoạn nhất định. Làm từ sáng sớm đến mười giờ khuya. Hôm nào không tăng ca thì sáu giờ. Thằng Sơn thì phụ việc ở một cái xưởng hàn chật hẹp. Chúng mướn một căn phòng nhỏ rí như cái hộp quẹt. Ẩm thấp, tối tăm. Có chỗ để trải một chiếc chiếu, đặt hai cái giỏ xách, một cái lò xô nấu dầu hôi. Vài ba cái nồi nhỏ. Ở nhà đâu ai biết chúng sống chung với nhau... Tối hôm trước thằng Sơn đi nhậu về bực mình vô cớ đánh “vợ”. Vậy là hôm sau con Lệ bỏ việc, đón xe sớm để về quê. Gặp ngay bữa bà Hoa qua nhà nó tỉ tê. Nó không muốn lấy chồng. Chuyện vợ chồng chẳng có gì vui thú cả. Nên nó đi ở đợ vậy.

Từ ngày đó Lệ trở thành cư dân của cái xóm hẻm nghèo này, bước chân vào nhà Nga. Hàng ngày, nó giữ thằng Bi cho Nga đi làm. Ở đó, lần đầu tiên trong đời, nó biết đến tờ báo, biết đến việc ngoài nghe cải lương, xem phim bộ, người ta còn coi thời sự, tin tức hàng ngày. Ở đó, lần đầu tiên con Lệ được dạy rằng, phụ nữ phải được ưu tiên, được nâng niu trân trọng, cuộc sống có nhân quả tốt xấu, có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Cũng ở đó, con Lệ biết rằng trẻ con thường được đọc truyện cho nghe trước khi đi ngủ, cuối tuần được đi công viên, đi bơi chẳng hạn. Ở đó, con Lệ hiểu ra, người ta phải học hành, phải kiếm một cái nghề nghiệp gì đó trước khi lấy chồng, sinh con, luẩn quẩn quanh nhà quanh chợ.

Cũng ở đó, con Lệ được Nga dạy phải biết tiết kiệm, dành dụm tiền, không phải cứ lãnh lương là mua sắm những thứ linh tinh quần áo giày dép phấn son vớ vẩn. Sống ở đây thì không thể hành xử giống như những đứa con gái khác cùng quê trạc tuổi Lệ, cũng lên phố nhưng để phụ bán cà phê được. Con Lệ hỏi tuổi Nga và nhớ ra, Nga cũng chỉ ngang bằng với chị hai nó ở nhà, và chẳng nhỏ hơn mẹ nó bao nhiêu cả. Nhưng nhìn Nga sao khác quá... Con Lệ vừa ngưỡng mộ vừa khao khát được như vậy, hay chí ít ra cũng được một phần như vậy. Nó tập tành nhìn lại mặt chữ cùng với bé Tép. Nó bập bẹ đánh vần, gò bàn tay với những cái ngón chai sần, cố nặn cho ra nét chữ. Nga dành mỗi tuần vài buổi tối để dạy vỡ lòng cho bé Tép, và sẵn dịp, cô trò chuyện và dạy chữ lại cho con Lệ. Để làm gì, chính Nga cũng chưa biết. Nga thương con nhỏ bằng thứ tình cảm tự nhiên nhất mà cô có, chẳng hiểu do đâu cứ thấy quen thuộc đến lạ. Nga thầm cảm ơn số phận đã đưa con Lệ đến bên mình, như thể người thân. Nga hình dung ra đoạn đường trước mặt, tự dưng cũng thấy yên lòng.

***

Mấy bữa nay Nga thấy con Lệ có phần chểnh mảng. Bữa cơm, nó cũng không tha thiết ngon lành với mấy món ăn như trước nữa. Nga thấy con Lệ thậm thụt qua điện thoại với ai đó, bằng thứ ngôn ngữ riêng của nó. Nga không hỏi, nhưng cũng nhắc chừng:

- Làm gì cũng cẩn thận nghe không Lệ.

Con Lệ “dạ” nhỏ, mắt không nhìn Nga. Nó đang bận chăm chú lau lau dọn dọn, tất bật, như thể nó không còn có dịp nào để phụ giúp Nga nữa vậy. Nga mở cửa, lòng ngờ ngợ thấy cái gì đó khang khác. Tới khi nhìn thấy tờ giấy được dằn dưới cái ly uống nước thì Nga mới sực hiểu, thì ra nhà không có con Lệ lên xuống, nên vắng vẻ hiu quạnh. “Thiếm ơi con đi dới thằn Sơn. Con hông bỏ nó đượt thiếm ơi! Thiếm đừng bùn con ngheng thím”. Nga ngó khắp lượt. Rồi lại nhìn vào mảnh giấy với những nét chữ xiêu vẹo to đùng. Nga thẫn thờ nhìn ra những tia nắng chiều hiu hắt, bất giác thở dài. Ngoài kia, dài rộng bon chen thế, rồi sẽ đi đâu về đâu hở Lệ?

Hoàng My

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top