ClockThứ Năm, 15/10/2015 14:03

Bếp ăn bán trú, còn nhiều băn khoăn

TTH - Toàn tỉnh hiện có 207 trường mầm non, 219 trường tiểu học và 119 trường trung học cơ sở. Đây là những cấp học có nhu cầu tổ chức lớp học bán trú cho học sinh. Ngoài mầm non có tỷ lệ 100% trường tổ chức bán trú, do điều kiện cơ sở vật chất (CSVC), tốc độ phát triển bán trú trong giáo dục phổ thông hiện khá chậm.

Chuẩn bị trước giờ ăn

 

Con số khiêm tốn

Ngoài bậc mầm non có tỷ lệ bán trú cao, các bậc học còn lại, nhất là trung học, số học sinh được học bán trú của cả tỉnh hiện nay không đáng kể.
Tại Huế, hiện chưa có trường trung học công lập nào tổ chức bán trú; bậc tiểu học, tỷ lệ trường có tổ chức bán trú khá cao. Thế nhưng, chỉ có vài trường, như Trường tiểu học Lý Thường Kiệt có hơn 3/4 học sinh bán trú hay Lê Lợi, Quang Trung cũng có tỷ lệ là 50/50 hoặc cao hơn tý chút và hầu hết cho khối 1, 2 và 3. Ở khối huyện, Phú Vang có 4/36 trường là các trường Dương Nổ, Phú Dương, Số 1 Phú Mậu, Số 1 Phú Thượng; huyện Quảng Điền có 1/20 trường và cũng chỉ có số học sinh có điều kiện ở khối 1 và 2 tham gia (TH số 2 thị trấn Sịa). Thị xã Hương Trà có 3 trường tiểu học là Số 2 Tứ Hạ, Số 1 Hương Vinh, số 1 Hương Hồ. A Lưới chưa có trường nào tổ chức bán trú.
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Phú Lộc cho biết, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện rất khuyến khích các trường tổ chức bán trú cho học sinh để các em có điều kiện học thêm các kiến thức kỹ năng và còn tạo điều kiện cho các gia đình trẻ có thời gian tập trung lao động và bảo đảm độ an toàn giao thông cho trẻ… tuy nhiên do điều kiện kinh tế của phụ huynh, hiện Phú Lộc chỉ có 2 trường là tiểu học Lộc Trì có 400 học sinh được học bán trú và tiểu học thị trấn Phú Lộc tổ chức bán trú cho 70 em khối 1,2… là con số quá ít ỏi so với số học sinh cùng bậc học của huyện.
Những bữa cơm trưa an toàn
Chúng tôi đến Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Huế) trước giờ ăn trưa khoảng 15 phút, trong lớp học các em học sinh đã bắt đầu nô đùa thì ở hành lang và nhà ăn duy nhất của trường các cô bảo mẫu và cấp dưỡng đang bày bàn, một số khác bưng thức ăn đến hành lang đã được chọn làm chỗ ăn tạm... Bữa ăn gồm một món canh và một món mặn được sắp đặt khá ngay ngắn. Cô Tôn Nữ Thùy Trang, Hiệu trưởng cho biết, với 15.000 đồng/suất ăn trưa và 5.000 đồng/ suất ăn bữa lỡ chiều, hiện Trường TH Lý Thường Kiệt có 804/1.174 học sinh tham gia học bán trú (từ khối 1 đến khối 4). Để bảo đảm chất lượng bữa ăn, trường đã hợp đồng với hai nhà cung cấp thực phẩm là Công ty Ngọc Anh và Thảo Vy. Cô Trang lý giải việc chọn 2 nhà cung cấp là nhằm tạo tính cạnh tranh để bảo đảm chất lượng cho thực phẩm tươi sống. Bữa lỡ thường là da ua, sữa tươi hoặc chè, bánh ngọt cũng được lựa chọn khá cẩn thận. Cô Trang cho biết, dù là học sinh lớp 4 nhưng nhiều em ăn chậm sau bạn đến 30 phút. Nhân viên phục vụ không chỉ chờ đợi mà nhiều khi… phải đút ăn cho từng cháu. Để có cơm ngon, canh nóng cho cháu, trường hợp đồng với 21 người, trong đó có 12 là nhân viên cấp dưỡng, mức lương là 2.400.000 đồng/ tháng/người, bảo mẫu chủ yếu là giáo viên hợp đồng làm ngoài giờ, có thu nhập trung bình 750.000 đồng/tháng/ người. Công việc vất vả nhưng mọi người đều chịu khó nên đâu vào đấy. Hiện, Trường TH Lý Thường Kiệt được thành phố duyệt cấp 100 triệu đồng để xây dựng nhà ăn, công trình đang được khẩn trương thi công.
Không phải trường nào cũng may mắn như ở Trường TH Lý Thường Kiệt, hầu hết đều tận dụng không gian hành lang, chái nhà học cơi nới làm nơi ăn …Về chất lượng bữa ăn, theo chúng tôi quan sát vẫn còn khá đơn điệu. Tuy nhiên, do đang tuổi ăn tuổi lớn nên hầu hết các cháu đều ăn hết phần cơm. Nhiều bà mẹ không yên tâm với tiêu chuẩn nhưng nhiều người lại cho rằng các bữa ăn ở nhà các cháu thường “bị” nhồi nhét thức ăn nhiều đạm nên nếu có một bữa trong ngày ăn “ít đạm” cũng không sao! Nhiều bà mẹ đùa, nhờ không ép ăn thức ăn nên ở trường các con ăn nhanh và tự giác. Về khẩu phần, nếu nhà bếp được quản lý chặt chẽ thì với mức tiền từ 10.000 đến 18.000 đồng cho một suất ăn cơ bản đảm bảo chất.
Việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ mầm non hiện ổn định hơn vì bậc học này tổ chức ăn bán trú sớm và hầu hết đã đi vào quy củ. Bà Ngô Thị Hạnh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT cho biết, bậc học này, các cháu ở khu vực bãi ngang được hỗ trợ tiền ăn, lại là vùng quê, thức ăn từ rau xanh đến thực phẩm cá, thịt đều của địa phương nên bữa ăn tuy ít tiền mà tươm tất và khá an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở các vùng dân cư như thị trấn, thành phố, bữa ăn hoàn toàn phụ thuộc vào mức đóng góp của phụ huynh và nguồn cung cấp thực phẩm cũng rõ ràng hơn. Mức đóng góp bữa ăn bán trú hiện dựa trên sự nghiên cứu thực đơn của trường và sự đồng thuận đóng góp của phụ huynh. Nơi thấp khoảng 12.000 đồng, nơi cao như các Trường Hoa Mai, Mầm non I (Huế) cũng từ 17 đến dưới 20.000 đồng/ cháu nên khá bảo đảm cho chất lượng dinh dưỡng.
Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức hoặc chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cô nuôi và bảo mẫu các nội dung, từ việc bảo đảm an toàn thực phẩm đến kỹ thuật lưu trữ mẩu thực phẩm, cách truy cập phần mềm dinh dưỡng để xây dựng thực đơn hàng ngày của cháu nhà trẻ và học sinh. Các trường cũng được yêu cầu phải “siết chặt” công tác tuyển dụng đội ngũ cấp dưỡng. Họ được khám sức khỏe định kỳ, tham gia các khóa tập huẩn bồi dưỡng kiến thức chế biến thực phẩm. Các trường cũng rất nghiêm ngặt trong việc hợp đồng nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho nhà bếp, bảo đảm nguồn gốc cho từng cân thịt, bó rau… Nhờ vậy, các đoàn kiểm tra thường kỳ liên ngành giáo dục, y tế của sở cũng như phòng GD&ĐT hầu như không phải lập biên bản đơn vị nào. Nhiều năm gần đây, Thừa Thiên Huế cũng chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Cần phấn đấu cho mô hình chuẩn
Hiện nay, toàn quốc đều khuyến khích các cấp học tổ chức bán trú. Tuy nhiên, mô hình chuẩn cho một địa chỉ giáo dục bán trú đạt chuẩn lại chưa được đặt ra. Ở Thừa Thiên Huế, ngoài Trường THCS Nguyễn Tri Phương được đầu tư một lần đầy đủ các hạng mục trong đó có công trình nhà ăn có phòng ăn, phòng nghỉ cho học sinh thì tất cả trường còn lại muốn tổ chức bán trú đều thực hiện theo một mô típ chung đó là sự chắp vá từ khoản kinh phí thỏa thuận với phụ huynh… Điều này khiến cho hệ thống nhà ăn, nhà bếp của các trường có tổ chức bán trú không đạt chuẩn. Không chỉ các em phải ăn uống, ngủ, nghỉ ngay trong phòng học, hành lang mà nếu có phòng ăn thì cũng chỉ là những không gian cơi nới, là “chái bếp, sau hè”. Kể cả Trường tiểu học Lý Thường Kiệt với kinh phí vừa được cấp để xây dựng nhà ăn cũng chỉ là theo “mô hình chung” cơi nới, tận dụng nhà xe cũ. Trong khi đó, để xây dựng trường bán trú, ngoài bếp ăn, nhà nghỉ, các em học sinh còn cần không gian vui chơi, thư viện, phòng đọc…chứ không phải chỉ “ép” ngủ hoặc “quản thúc” trong phòng học như hiện nay.
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top