ClockChủ Nhật, 05/08/2018 14:37

Bí rợ đợ cơm

TTH - Trong ngôi nhà của lão nông ấy, một phần mùa màng đã yên vị với những quả bí ngô to như cái thúng con chen chúc dưới gầm giường. Trên nền đất mát lạnh, lũ bí im lìm như lũ trẻ vô ưu ngon giấc. Với những lão nông, ngỡ như cây lúa là tri kỷ. Vậy mà hỏi, ông bảo, bí rợ mới đích thực là bạn.

 

Loài cây ấy có tên "khai sinh” là bí ngô. Không hiểu sao, những lão nông lại gọi nó với cái tên cúng cơm là bí rợ. Những đứa trẻ ở làng nứt mắt lớn lên cũng thuộc lòng câu tục ngữ: “Bí rợ đợ cơm”.

Mâm cơm của lão nông hôm ấy có rau khoai luộc, ít tép kho và nồi canh bí rợ vàng rực. “Mùa ni chỉ cần tô canh bí là đủ”-lão nông cười khà, rung chòm râu bạc.

Đó là món ăn nằm lòng của những ai sinh ra và lớn lên từ làng. Có vị mát ngọt của qủa bí rợ đã già, chút  thơm béo của dầu lạc và dậy lên mùi tỏi. Sau này lớn lên, đọc “Thực phổ bách thiên” của bà Trương Thị Bích (1862-1947) gồm 102 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt dạy cách nấu các món ngon xứ Huế, mới hay bí quyết để món canh bí rợ ngon, dậy được mùi là khi chín tới, phải thả vô vài tép tỏi đập dập. Thì ra, kinh nghiệm bếp núc ấy, đã được lưu truyền dưới những nếp nhà tranh từ đời nào.

Hỏi chuyện vì sao bí rợ mới đích thực là bạn, vị lão nông ấy lại cười khà. Rằng bởi cây bí rợ hiền lành, chân chất chớ không đỏng đảnh, đa đoan như cây lúa. Giêng, hai chỉ cần đào vài cái lỗ, ủ phân, gieo hạt. Thế rồi cây cứ mọc lên phơi phới, chẳng cần phân bón chăm bẵm. Ban đầu là những đọt bí bụ bẫm vươn lên. Rồi ra hoa, kết trái. Và chẳng có cây chi lại hữu dụng như nó. Đọt cũng ăn được, hoa cũng ăn được, qủa non cũng ăn được...

Tôi chợt nhớ đến vườn bí đỏ của mẹ ngày nhỏ. Nhớ những bữa cơm mùa giáp hạt chỉ có rau và rau. Những đĩa rau bí luộc xanh rờn, điểm tô dăm cái bông màu đỏ gạch. Những qủa bí non to bằng quả cam, rồi lớn nhanh như thổi. Bí non chỉ cần cắt lát, xào với tý dầu, tý muối, tý bột ngọt...cũng đã hào sảng. Không cần cầu kỳ tôm, cá, những lứa bí ấy nuôi nấng những đàn con khi thấp thỏm trông ngóng cây lúa hãy còn xanh trên đồng.

Rồi mua thu, những qủa bí ngả màu vàng rực. Cũng là lúc thân bí héo hon, trụi lá, lộ những qủa bí già ưu tư. Lớp vỏ bí khô lại, cứng như sành. Đó là những qủa bí đầu cành, được để làm giống và dự trữ cho mùa đông lạnh giá.

Tôi thích được ngồi cạnh, xem mẹ xẻ bí trong những ngày đông. Những lát bí bổ ra như vành trăng non, bên ngoài có lớp vỏ cứng màu vàng lấm chấm đồi mồi cạnh lớp da mỏng màu xanh cốm, nổi bật phần thịt vàng ươm, điểm những chiếc hạt bình ô van trắng ngà. Bên bếp lửa đỏ rực, nồi canh bí với tiếng reo của dầu nóng, mùi thơm chín tới của bí và vị cay nồng của tỏi khiến mùa đông như quên đi vẻ ảm đạm...

Bây giờ, tôi đã hiểu câu ca dao “bí rợ đợ cơm” ngày bé. Cũng hiểu vì sao với lão nông ấy, bí rợ là người bạn tri kỷ. Người bạn hiền ấy đã đồng hành cùng những lão nông qua những ngày giáp hạt. Một sự đồng hành thầm lặng, bền bỉ, thủy chung...

TIỂU MUỘI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắng mình

Đầu năm, bạn rủ tham gia tập thiền. Bạn nói, sao cuộc sống thật ngột ngạt, khó khăn. Có lẽ cần một chút thiền để lòng lành.

Lắng mình
Mùa khế

Mùa này, gánh hàng xén của mệ có thêm rổ khế. Mệ thường ngồi ở mé đường gần chùa Từ Đàm.

Mùa khế
Cống hiến

Và cả những dự định sẽ cống hiến được gì đó cho quê hương, từ kinh nghiệm gần chục năm làm việc ở nước ngoài, dù con đường trở về không phải bao giờ cũng được trải thảm…

Cống hiến
Cái sân đất

Một ngày gần cuối năm, chúng tôi về làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) để tìm hiểu nghề in tranh truyền thống của người dân nơi đây qua nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Cái sân đất
Mùa nhớ

Từ nơi xa, bạn hỏi, Huế đã vào mùa chưa? Vâng, đã vào mùa, dù muộn. Đó là mùa mưa. Mùa heo may. Mùa nhớ...

Mùa nhớ

TIN MỚI

Return to top