ClockThứ Bảy, 28/05/2016 11:21

Bí vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm đến... chợ đen

Trong bối cảnh các ngân hàng (NH) đồng loạt hạ lãi suất huy động, cơ hội giảm lãi suất cho vay đã xuất hiện. Tuy nhiên, thực tế là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận được vốn vay.

Nói không đi đôi với làm

Đại diện Công ty CP Công nghiệp Việt Séc thẳng thắn trình bày: Các DN mới thành lập, DNNVV rất khó tiếp cận vốn vay. Chủ trương, chính sách nhà nước đúng, nhưng các cấp bên dưới lại không thực hiện hoặc không chịu triển khai. Cán bộ miệng lúc nào cũng nói “ủng hộ, tháo gỡ khó khăn cho DN”, nhưng lời nói không đi đôi với việc làm, dẫn đến một thực tế là luật lệ, quy định nhiều nhưng không hiệu quả. Các DNNVV vẫn gặp khó khăn về tài chính.

Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực về rủi ro. ảnh: I.T

Cụ thể hơn, Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương cho biết, còn rất nhiều DN mắc nợ NH không trả được nên NH từ chối giao dịch. Chẳng hạn Công ty cổ phần Cọc bê tông đúc sẵn Thăng Long (Nam Sách, Hải Dương) bị khách hàng chiếm dụng 5 tỷ đồng, khiến Công ty phải mắc nợ NH Đông Nam Á với số tiền tương ứng và bị từ chối cho vay. NH cho biết, DN muốn được tiếp tục vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì phải trả hết nợ và làm ăn có hiệu quả từ 3 năm trở lên. Nghịch lý là DN này đang có rất nhiều hợp đồng sản xuất cần vay thêm vốn, không có vốn thì sản xuất bị đình trệ, DN rơi vào bế tắc.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãi suất quá cao và việc tiếp cận vốn vay NH khó khăn đang là nỗi khổ chung của nhiều DN. Hiện nay, bình quân lãi suất cho vay ở Việt Nam ở mức gần 8%/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực.

DN nản lòng vì nghịch lý

Do gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận vốn NH nên nhiều DN buộc phải tìm đến vay vốn ở chợ đen. Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) trao đổi, đa số các DNNVV đều gặp khó khăn về tài chính. Nếu như 76% số DN lớn vay được vốn  từ NH thì tỷ lệ này đối với DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%.

Do vậy, DNNVV buộc tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng (chợ đen). Một nghịch lý làm cho các DN thấy nản lòng là các Bộ, ngành, địa phương áp dụng một số điều kiện ưu ái DN “sừng sỏ” hơn là DN nhỏ, trong khi ai cũng biết muốn có DN lớn thì phải đi lên từ DN nhỏ, chứ không phải tự dưng có ngay DN lớn để nuôi dưỡng ngân sách nhà nước.

Đại diện một NH cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc cho vay đối với DNNVV là tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa được các DN thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán, vì vậy các tổ chức tín dụng thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của DNNVV. Ngoài ra, nhiều DN chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh, làm ăn thiếu bài bản và chưa có kế hoạch ứng phó với sự biến động của giá cả, thị trường; năng lực sản xuất kinh doanh hạn chế do quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định... Điều này dẫn đến việc DNNVV không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thị trường vốn chưa phát triển nên hệ thống NH chịu nhiều áp lực vốn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các DN. Bản thân NH cũng ám ảnh nợ xấu nên luôn phải thận trọng

Theo Dân Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top