ClockThứ Bảy, 04/06/2016 14:25
ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 2016:

Biển Đông lại “dậy sóng”

TTH - Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2016, vấn đề Biển Đông và các động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc được giới phân tích nhận định sẽ là chủ đề cốt yếu được bàn thảo trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Tin từ trang Asiatimes cho biết, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày mai (3/6) đến ngày 5/6 nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng giữa các quốc gia đã trở nên rõ rệt hơn trong 12 tháng qua.

Đối thoại quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng từ hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tham dự, bao gồm các nước Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Theo tin từ VOV, dự kiến đoàn Việt Nam sẽ tham dự đối thoại dưới sự dẫn đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trong một phiên họp tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: IISS.

“Nóng” vấn đề Biển Đông

Là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực châu Á, Đối thoại Shangri-La lần này sẽ thảo luận về những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục có những hành động khiêu khích với Seoul, Tokyo và Washington thông qua hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm đến nay. Mặc dù Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với Bắc Triều Tiên, nhưng theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), dường như không có dấu hiệu cho thấy mối đe dọa trong khu vực sẽ giảm xuống dưới thời của lãnh đạo Kim hiện nay.

Ngoài ra, mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, nhất là từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại một số nước Đông Nam Á cũng là mối lo ngại an ninh lớn sẽ được đề cập tại Đối thoại, bên cạnh nạn cướp biển, tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp vốn đang tiếp tục đe dọa đến lợi ích quốc gia của một số nước trong khu vực. Giải pháp để đối phó với các mối đe dọa không gian mạng cũng là mối quan tâm đang ngày càng lớn đối với các chính phủ, đặc biệt là với những nước có lợi thế và nguồn lực công nghệ yếu hơn.

Tuy nhiên, thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế tại Đối thoại Shangri-La lần này theo nhận định của ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của IISS chính là tình hình Biển Đông với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, quân sự nhanh chóng một số các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Một số nước Đông Nam Á – trong đó có Philippines và Việt Nam, đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động này cũng như một số hình thức gây áp lực khác từ phía Bắc Kinh.

Trong những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Đối thoại Shangri-La năm nay, có nhiều suy đoán về các bước tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) đang chuẩn bị đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Phản ứng từ nhiều phía

Theo nhận định của tác giả bài viết được đăng tải trên trang Asiatimes ngày 30/5, những động thái của Trung Quốc đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ từ phía các nước trong khu vực và cả trên thế giới. Chính Mỹ và một số quốc gia không thuộc Đông Nam Á cũng lên tiếng phản đối do quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông.

Thời gian qua, Mỹ đã có những động thái phản ứng trước các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc, đe dọa đến quyền tự do lưu thông trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Obama đã tổ chức các chuyến tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải, công khai thách thức các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một phát biểu hôm 27/5, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á, và như vậy, Bắc Kinh sẽ tạo ra một bức “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” thông qua những động thái khiêu khích các nước láng giềng. Phía Trung Quốc ngày 30/05 lại tố cáo Lầu Năm Góc vẫn duy trì tâm lý chiến tranh lạnh và cho rằng Mỹ đã “thổi phồng” tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Canada Justin Trudeau ngày 24/5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng nhấn mạnh rằng cả Nhật Bản và Canada cùng chia sẻ “mối quan ngại sâu sắc” về hoạt động cải tạo, quân sự hoá ở vùng biển giàu tiềm năng này, trong một tuyên bố ám chỉ Trung Quốc.

Trang Globalriskinsights thì cho biết, từ các nước G7 cho đến Liên minh châu Âu, hầu như tất cả các nước lớn trên thế giới đều kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật và tránh việc áp đặt bằng sức mạnh các yêu sách chủ quyền quá đáng của mình.

Vai trò của Đối thoại Shangri-La

Trong bối cảnh thực tế môi trường an ninh khu vực đã trở nên phức tạp hơn và có lẽ nguy hiểm hơn so với hồi diễn ra Đối thoại Shangri-La năm ngoái, có thể chắc chắn rằng, các cuộc tranh luận tại hội nghị ở Singapore cuối tuần này sẽ căng thẳng và thú vị còn hơn các năm trước. Tuy nhiên, IISS hy vọng rằng, các chính phủ tham gia sẽ có thể tận dụng cơ hội được trình bày trong các cuộc đối thoại để tìm thấy điểm chung và thúc đẩy hợp tác thiết thực, xây dựng lòng tin lẫn nhau vì lợi ích hòa bình và ổn định cho khu vực.

Tại hội nghị 2016 lần này, bên cạnh các phiên họp toàn thể và chuyên biệt, hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng và đoàn đại biểu các nước cũng sẽ được tổ chức. Theo ông Tim Huxley, những cuộc gặp này sẽ mang lại cơ hội quý giá để các bên tăng cường hiểu biết và đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng trong khu vực.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã từng nói rằng, bất kỳ kết quả nào ở Biển Đông cũng phải được dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. Ngay cả khi có thể tránh được xung đột bạo lực, thì một kết quả theo hướng “nước mạnh thì đúng” sẽ thiết lập một “tiền lệ xấu”. Đây chính là điều mà các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La sẽ cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ IISS, Asiatimes & Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch hành động vừa được Nội các Trung Quốc công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các công ty toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ.

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài
Return to top