ClockThứ Bảy, 03/08/2019 12:38

Biên giới mờ sương

TTH - Bên dốc này mưa, bên kia nắng cháy. Lâu rồi Bén không về bên nắng, hai chục năm, có thể hơn. Nhà không còn ai nữa, người thân của Bén chết hết rồi.

Khát vọng

Nhớ đêm đầu tiên lọt vào được bản, Bén nằm giữa đông đúc người. Đám thanh niên cứ nhìn Bén cười rồi nhìn hai đứa nhỏ nằm cạnh. Cử chỉ ấy rất đáng để Bén đề phòng. Trước khi đi ngủ, Bén tháo sợi dây từ chiếc túi đựng đồ cột chặt lưng quần lại. Về sau Bén vẫn giữ thói quen này. Một bữa ông Huện phát hiện, ông đứng nhìn không chớp mắt. Và ông Huện tháo cái dây vứt ra đám cỏ hoang, Bén đưa tay bịt kín mặt, hai chân co rúm, toàn thân run lên bần bật mà không sao thoát khỏi cảm giác như bị rút ruột, đau đến tận cùng. Hành động đó khiến ông Huện rớm nước mắt, xong ông cảm ơn, cả đời tôi ngủ với đàn bà nhiều, chỉ có cô đáng để tôi nể trọng.

Sa Muồi ướt át dưới mưa. Thằng Chón chạy qua chỗ Bén kêu “dọn hàng cho rồi Bén hi, không còn khách”. Bén gật đầu. Chồng đồ hộp được xếp lại thùng, mấy hộp mắm được đặt vào cái két giấy riêng, thằng Chón chở mỗi lần ba hộp, sau hai trước một. Con Xín với chồng thì chỉ đi đảo qua coi Bén mời ăn gì không, có cần giúp gì không. Đa phần Bén mời ăn. Ăn cho qua bữa. Góp góp như thế, cuối cùng mấy người cũng ngồi trên một cái sạp tre. Thằng Chón với Xín gọi Bén bằng mẹ hơn hai mươi năm nay, còn chồng con Xín mới được vài hôm nên hơi ngần ngại.

Đêm miền biên viễn, gió thổi u u và người, xe, những tiệm ăn chơi đèn đỏ ngầu. Nhà ông Huện có khách. Hai người từ xa đến, họ dùng ngôn ngữ khác. Bén ghé qua, gặp họ nên nhớ nhà. Lâu cũng quên tiếng, chững lại một hồi để nhớ ra mình với hai người kia từng ở trên cùng một tổ quốc. Ông Huện ngồi ở bàn uống nước và bày việc cho lũ trẻ làm. Có tổng cộng hơn mười đứa thanh niên gọi ông Huện bằng bố. Con của Bén, con bà Gán và một vài đứa trẻ không rõ xuất thân. Bà Huện nhìn Bén nheo mày. Ý hỏi, mấy bữa nay con gà trống nó ghé không. Bén cười, gà bên này mào đỏ lông mượt, Bén hết thời. Còn ông Huện thì cứ để ông tự lòng, tự sức. Say ở đâu ngủ ở đó, cơn tình như mưa, xối ở vùng nào ruộng ở đó ướt.

Trong mọi tiệc tùng, Bén là người uống nhiệt tình nhất. Đến sớm về trễ và lần nào cũng khóc nếu như ai đó hỏi câu đụng tới gia đình. Kế đến là thằng Chón. Nó kêu đời Bén và nó khổ. Còn con Xín, khi nghe sự tình quen thuộc, nó bật nhạc hát xong rồi cũng khóc, bảo đứa em trai và Bén lúc nào cũng tách nó ra khỏi cái sự buồn mà thực chất là nó buồn tan nát. Bén không để ý lắm đến con Xín, chỉ thằng Chón an ủi vài câu. Bà Gán đặt tên cho họ là thói quen cảm xúc. Gán hỏi Bén về quê hương. Bén nói, cực lắm Gán không biết đâu. Hỏi người thân, cực lắm Gán không biết đâu. Hỏi về tình duyên, vẫn câu trả lời đó. Có lần hỏi luôn. Thằng Chón với con Xín là con của Gán thiệt không, Gán cũng trả lời nguyên câu, khổ lắm, Gán không biết đâu. Gán chưa bao giờ xem ông Huện là chồng.

Sau một hồi ngã nghiêng giữa bàn tiệc, về chuyện ông Huện là chồng của ai, Gán chỉ tay về Bén, để giới thiệu với khách.

- Ông Huện là chồng của bà này.

Bén cũng đánh ực ngụm bia rồi chỉ ra chiếc lồng gà. Bén hấp háy mắt, cười cười bảo:

- Ông Huện chẳng là chồng của ai cả.

Ông Huện thì cười hí hí. Mọi người cười tí tửng rồi bị chững lại khi ông Huện nói lớn:

- Mấy đứa đâu đem thịt.

Cuộc say còn dài và mỗi lúc khách đến càng đông. Hai vị khách từ biên giới sang là tâm điểm. Họ tập tành vài tiếng để hiểu rõ về nhau. Gán là giáo viên vỡ lòng, Bén gạt đi, học gì cho mệt. Cứ như Bén, có kịp học đâu, sống mỗi ngày và quen dần, rồi quên dần, và thành thói quen như Bén nói. Cứ say là khóc, cứ say là kể khổ. Không ai quen buồn cả, người ta chỉ quen vui thôi.

Sáng, Bén dọn hàng, mắt ráo hoảnh bảo lần sau có uống đừng động tới chuyện tình cảm. Như mọi lần thì khác, Bén sẽ cười tươi như hoa, tay vén tóc và sắp lại chỗ hàng. Lần này, Bén cúi mặt khóc tiếp. Đời Bén từng trải, có rất nhiều tình huống oái oăm, Bén vượt qua. Và lần này là lần khó khăn nhất, Bén tìm thêm cơ hội. Bén nói, hai vị khách đứng lặng im.

- Hãy cho tôi tiếp tục được yêu thương thằng Chón và con Xín.

Một người trong họ nói.

- Chúng tôi biết bây giờ mọi thứ đã trở nên thân quen với chị, nhưng không thể trở nên xa lạ với người bên kia.

- Tôi gọi cho thằng Chón trông hàng, gọi cho con Xín biết là tôi về quê. Bén nói trong tuyệt vọng. Hai vị khách gật đầu, Bén gọi xong, điện thoại gấp lại được vài phút thì thằng Chón và con Xín chạy xe đến. Hai đứa hối hả nhìn hai vị khách đêm qua rồi nhìn Bén.

- Bén không buôn ma túy chứ? Con Xín ôm chầm Bén vừa hỏi vừa khóc, thằng Chón cũng lu loa.

- Bén nói người thân chết hết rồi mà, sao giờ nói về quê để tìm họ. Mấy chục năm Bén có về đâu, sao giờ lại về?

- Hai đứa cứ trông hàng, Bén đi vài hôm rồi về.

Hai vị khách cùng Bén lên xe, ông Huện không cười như mọi hôm, bà Gán nhíu mày. Mấy tháng nay, cảnh sát lùng sục khắp vùng để bắt tội phạm ma túy. Có phải Bén cũng trong số đó không? Gán hỏi, con Xín khóc rống lên.

- Làm sao con biết. Gán hỏi bố Huện đi chứ.

- Không được nghĩ như thế. Thằng Chón cũng khóc. Mỗi Bén, ngồi trên chiếc xe lặng thầm.

Xe chạy êm trên con đường khúc nhưng ít người qua lại. Trước đây nó chỉ là đường đi bộ, Bén bồng thằng Chón và dắt con Xín theo, mệt đoạn nào nghỉ đoạn đó. Con dốc cao nhất là chỗ ba người họ ngủ lại đêm để trốn cán bộ kiểm soát thủ tục xuất nhập cảnh. Quá nửa đêm thì Bén tiếp tục đi, qua đây vài năm Bén trở thành người bản địa.

Nhìn con đường le lói ánh sáng nhưng cũng mịt mù sương giăng, Bén chợt nhận ra mình quá tàn nhẫn, với người bên kia. Bén quay sang người ngồi cạnh mình, hỏi như dự báo.

- Sau này sẽ ra sao? Người ngồi cạnh Bén lặng im một lúc rồi nói, giọng vẻ buồn.

- Hai đứa nó yêu thương chị quá.

- Tôi cũng yêu thương nó.

- Đó là tình yêu bị đánh cắp, chị hiểu không.

Bén cúi đầu khóc nức nở.

Ông Huện gọi điện cho Bén, gọi tới chục cuộc. Hai vị khách bảo Bén cứ nghe nhưng Bén nói chẳng để làm gì. Bén đã ném chiếc điện thoại xuống đường, Bén ôm mặt khóc và đề nghị được quay trở lại. Chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn, người lái xe nhìn lại phía sau. Người ngồi sau gật đầu, chiếc xe lăn bánh trở lại.

Chợ vắng người, thằng Chón với con Xín hét toáng lên khi Bén trở về, còn hai vị khách đứng nhìn ba người họ lặng lẽ. Con Xín tay cứ hươ hươ trước hai vị khách “hai anh đùa gì lạ quá, khiến em đứt cả ruột gan”. Nói xong, Con Xín chọn vài thức ngon giữa chợ, bảo thằng Chón chuẩn bị tiệc ăn mừng Bén quay trở lại.

Bữa tiệc của vài người, ba người họ và hai vị khách. Bén xin phép được uống đến tận cơn say. Hai vị khách kiệm lời, họ đi nghỉ sớm, bàn tiệc giờ còn lại ba người, thằng Chón uống thêm li rồi hỏi Bén.

- Họ cho Bén về đây, không dưng họ làm thế, khi đã đặt Bén lên xe.

- Bén khổ lắm, Bén không biết nói thế nào.

- Bén nói đi, con Xín lay người, giờ không còn ai ở đây, Bén cứ nói.

- Cho Bén uống nhé, tới lúc nào Bén đứt ruột chết, đời Bén như ngọn lá độc, hai đứa nên tránh xa Bén ra.

Mưa bắt đầu giăng, ngọn đèn le lói hắt sáng vừa đủ tô vẽ cho màn đêm mù mịt. Xín nhìn Bén không chớp mắt, nó soi lên dái tai của Bén rồi trố mắt. Cái nốt ruồi này sao mà quen quá thể. Thằng Chón thì nắm lấy tay Bén và nghe hơi thở đều đều từ chiếc mũi bé xíu. Đôi mắt của Bén ướt đẫm. Bén nói, giọng buồn thảm.

- Cho mẹ xin lỗi hai đứa.

Đó là lần hiếm hoi trong đời, Bén tự xưng mẹ với hai đứa. Hai đứa vẫn quen gọi Bén là Bén. Như thế thấy Bén vui, thấy Bén trẻ ra và Bén hăng say làm việc. Giờ Bén xưng mẹ, mà tiếng gọi này có vẻ rất đau đớn.

Mưa rớt tí tách trên mái nhà. Cứ mùa lạnh, sau cơn mưa lại có trăng. Bén ngủ say, thằng Chón và con Xín cũng tựa người vào Bén ngủ. Khi thằng Chón và con Xín thả người xuống ghế, Bén ngồi dậy, đặt đầu hai đứa lên đùi mình rồi ngồi nhìn trăng. Ngày mai, hoặc có thể phải mất một vài ngày mai như thế, Bén sẽ phải trả lại hai đứa trẻ, cho người đàn bà từng bị Bén đánh cắp tình yêu. Trăng trôi về phía núi, biên giới mù sương, sẽ có những cơn say chỉ riêng mình Bén khóc, không một chút men.

HOÀNG HẢI LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên

Ngày 16/3, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Phú Lộc phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn Học viện Âm nhạc Huế; Khoa Luật hành chính - Đại học Luật- Đại học Huế tổ chức chương trình hoạt động “Tháng thanh niên, tháng Ba biên giới” và ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh năm 2024.

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên
Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”

Ngày 10/3, tại xã Lâm Đớt, huyện biên giới A Lưới, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Báo Người Lao động tổ chức chương trình “Tháng Ba biên giới” với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hơn 300 người dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi huyện A Lưới và cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh tham gia chương trình.

Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”
Return to top