ClockThứ Hai, 23/11/2015 05:58

Biển làng nuôi con chữ

TTH - Chiều biển động ở những ngôi làng của xã Quảng Công khá yên bình. Dãy thuyền phơi mình trên cát chờ chiếc đài báo gió “ủng hộ”. Trong không gian những căn nhà nép mình bên chân sóng là những mối âu lo, xen lẫn niềm vui về sự học của con em mình.
Những đứa trẻ Vinh Hải phụ gia đình gỡ lưới cá

Những giọt mồ hôi… biết cười

Ngày mai là thời điểm đứa con thứ 2 của anh Nguyễn Hồng và chị Lê Thị Nở (trú tại thôn An Lộc, xã Quảng Công) nhận chiếc bằng tốt nghiệp loại giỏi ở Trường cao đẳng Y tế Huế. Nghe tin vui của con, họ mừng trong bụng, dự định sẽ lên chung vui cùng nó. Nhưng hôm nay phải cố đan thêm vài tay lái, bán năm bảy con gà để có cái cho con “vui vẻ” với bạn bè ngày nó “mãn hạn khóa học”. Bên tiếng sóng rì rào, anh Hồng tủm tỉm, cuộc đời làm ngư dân ngồi trên chiếc thuyền chẳng đến 24 CV, chỉ “bòn mót” những con cá, con mực cách bờ vài hải lý nên phải nuôi thêm gà vịt, lợn mới đủ lo cho 4 đứa con đến trường. Hai đứa con đầu lên thành phố học tập, họ không tính được đã bán bao nhiêu lứa gà, vịt, lợn để gửi tiền lên. Chỉ biết được niềm vui khi mỗi đứa đều “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ba mẹ giao cho, ra trường và kiếm được việc làm bằng chính sức mình.

Xã Quảng Công có 4 làng biển là Cương Gián, Hải Thành, Tân Thành và An Lộc với 170 phương tiện đánh bắt công suất dưới 24 CV, huy động khoảng hơn 500 người phải thường xuyên lên thuyền cưỡi sóng. Nếu tính chung ở Huế, số làng biển như thế khá nhiều. Một đặc điểm chung của các làng biển từ các huyện Phú Vang, Phú  Lộc, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền là họ gắng sức lo cho sự học của con.

Cõng gánh đi tìm con ch

Sớm còn rõ hơi sương, chúng tôi bắt gặp cảnh ngư dân ở làng biển Điền Lộc (Phong Điền) đang gỡ lưới cá. Cát và muối bám chặt lấy tấm thân trần, đen, chắc nịch của những ngư dân sau đêm đánh bắt. Những người vợ đầu đội đèn pin, mặc áo mưa chờ chồng bằng ánh mắt biết cười khi nhìn thấy lưới dày đặt cá. Nụ cười của họ giấu kỹ những cực nhọc mà nếu không nói ra, chúng tôi khó lòng hiểu hết. Ông An, một lão ngư đã 30 năm làm bạn với chiếc thuyền nơi đây đẩy chúng tôi ra khỏi câu chuyện cực khổ nghề biển bằng nụ cười mãn nguyện: “Nghề biển hay nghề chi đi nữa cũng có cái khổ của nó. Cốt lõi của vấn đề là liệu có nuôi con ăn học nổi hay không. Đời chúng tôi xưa khổ vì không có cái chữ, nên phải hy sinh nên quyết cho con có cái chữ. Làm ít thì tiêu tiện tặn, nếu trời cho còn sức, vẫn đủ khả năng đưa con đến trường đàng hoàng”.

Đưa lên môi chén trà rồi lại đặt xuống bàn, chuyện mà chúng tôi đề cập như đánh trúng tâm lý của ông Trưởng ban Mặt trận kiêm Chi hội phó Chi hội Khuyến học làng An Lộc (Quảng Công). Ông Ngô Vang say sưa kể, nghề đi biển ở đây cực khổ và còn đơn sơ lắm. Cũng vì cảnh nghèo khổ nên giai đoạn trước năm 2000, người dân nhiều làng biển không cho con học lên cao mà hướng chúng nối nghiệp nghề biển. Sau những mùa biển trúng, đặc biệt là chủ trương Nhà nước vận động các gia đình quan tâm đến chuyện học của con em, không ít người đã đem ra cân đo đong đếm, suy nghĩ thiệt hơn. Hội khuyến học địa phương ra đời thời gian sau đó cũng chỉ động viên phụ huynh được phần nào, bởi lợi ích của sự học còn xa hơn con cá kiếm được trong ngày. Chính sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân đã dấy lên phong trào đua nhau cho con đi học, hình thành và gắn kết vào niềm tự hào của dòng họ, đẩy mức độ quan tâm vấn đề học tập ở các làng biển tiến xa hơn. Ông Vang nhẩm tính: “Hồi đó, đứa mô học đến cấp 2 là nhất rồi. Rứa mà trời thương, ngư dân đi biển có, cộng với Nhà nước có nhiều chương trình khuyến khích con em chỗ nghèo học nên người dân hăng hái để con đến trường. Kết quả là 10 năm ni làng tui có khoảng 100 em đậu đại học, số lượng học sinh giỏi được phát thưởng của quỹ khuyến học qua các năm cũng khá nhiều. Chuyện gia đình nghèo có 1-2 con đậu đại học đếm không hết”.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến “gia đình kỹ sư” của ông Lương Hoài Thông (tên được người dân trong thôn đặt), trú tại thôn 1, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc). Ngày tháng đương đầu với sóng gió không đếm hết bao nhiêu đêm thức ngủ, nhưng trời không phụ lòng người khi “đền” cho ông cả 5 đứa con đều thành công ở giảng đường đại học, trở thành những kỹ sư giỏi vang tiếng trong vùng. Hay như chuyện các gia đình của thôn Diên Lộc, xã Phú Diên (Phú Vang), sự học đã làm thay đổi vận số của nhiều gia đình. Cha mẹ cực khổ nuôi con ăn học, lúc về già lại được tận hưởng chính những bữa “cơm lành canh ngọt” từ đồng tiền lao động trí óc của con em mình.

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top