ClockThứ Ba, 14/11/2017 13:36

Bờ biển tiếp tục sạt lở: Chờ phương án tối ưu

TTH - Sạt lở bờ biển đang là nỗi lo của người dân vùng ven biển vào mùa bão, lũ. Xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư, vùng sản xuất được cho là phương án tối ưu.

Ứng phó với sạt lở, triều cường: Cần trợ giúp từ trung ươngLo sạt lở đe dọa

Bờ biển Vinh Hải bị xâm thực

Đe dọa dân cư & vùng sản xuất

Ảnh hưởng cơn bão số 12 vừa qua, kết hợp triều cường và biển động mạnh khiến bờ biển xã Phú Thuận (Phú Vang) bị sạt lở nặng với chiều dài 2km, sâu 5-10m, chỉ còn cách khu dân cư chừng 100m.

Ông Nguyễn Văn Phong ở xã Phú Thuận than thở: “Cứ đến mùa bão lũ, cả nhà phải dắt nhau đến ở nhờ nhà người thân, hoặc các công trình cách xa bờ biển để trú ẩn. Dành dụm nhiều năm mới cất được ngôi nhà kiên cố, nếu bị cuốn trôi thì không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà mới”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: Điểm thường xuyên sạt lở nặng, lấn sâu vào khu dân cư là thôn An Dương đã được xây kè nên mấy năm nay không còn bị xâm thực. Bờ biển dài hơn 2km còn lại chưa xây kè thì đều xảy ra sạt lở nặng, đe dọa đời sống người dân.

Trước tình trạng xâm thực bờ biển, những năm qua, chính quyền địa phương đã tổ chức quy hoạch, tái định cư (TĐC) cho hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, nếu không xây dựng kè thì bờ biển tiếp tục sạt lở và lại phải tiếp tục di dời, tái định cư cho các hộ khác, trong khi quỹ đất rất eo hẹp và khó khăn về kinh phí đầu tư. Bờ biển xâm thực còn đe dọa tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm chân trắng trên cát.

Nghiêm trọng hơn là bờ biển ở xã Vinh Hải (Phú Lộc) bị sạt lở lấn sâu vào khu dân cư và mở thêm một cửa biển mới. Bờ biển đoạn qua thôn 4 bị sóng đánh trôi một phần khối lượng xử lý khẩn cấp của các năm 2014, 2016 với chiều dài khoảng 200m, mở một cửa biển mới rộng hàng chục mét.

Ông Nguyễn Sáu ở thôn 4, xã Vinh Hải lo lắng: “Vụ đông xuân đang đến gần, nhưng nước biển tràn vào đồng ruộng không biết có gieo cấy được không? Nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản cũng bị nhiễm mặn. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng gây trở ngại, nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Ông Nguyễn Hữu, quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết, nước biển ăn sâu vào đất liền gây ảnh hưởng đến diện tích nuôi trồng thủy sản, đe dọa trực tiếp đến sản xuất vụ đông xuân năm 2017 – 2018, ảnh hưởng tỉnh lộ 21 và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Sóng biển đã đánh trôi và lấn sâu vào phần đường Lộc Bình – cầu Tư Hiền – Cù Dù, đoạn gần cửa biển Tư Hiền, làm sạt lở toàn bộ phần nền đường với chiều dài khoảng 300m và có dấu hiệu kéo sụt lún phần mặt đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại của người dân.

Theo ông Hữu, vào mùa bão lũ hằng năm, các ban ngành, chính quyền địa phương huy động người dân dùng rọ thép, đá hộc để xử lý khẩn cấp, hạn chế tình trạng sạt lở, nhưng đó chỉ là phương án tạm thời. Khi gặp triều cường, biển động mạnh thì bờ kè xử lý khẩn cấp bị sóng đánh cuốn trôi, bờ biển vẫn tiếp tục sạt lở nặng.

Phương án tối ưu

Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh Phan Thanh Hùng thông tin, các kè biển tại Thuận An, Phú Thuận, Quảng Công là công nghệ, mô hình hiệu quả phát huy tác dụng đang được tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên kết cấu của các bờ kè trên chỉ chịu đựng cấp bão 10-12. Sắp đến, BCH PCTT&TKCN tỉnh nghiên cứu xây dựng kè biển kiên cố hơn, có thể ứng phó với cấp siêu bão.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh thông tin, ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai, hoàn lưu bão số 12 vừa qua và mưa lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km. Các bờ biển bị sạt lở, gồm bờ biển qua xã Quảng Công (Quảng Điền), thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (Phú Vang) và xã Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc). Các bờ biển bị sạt lở nặng chủ yếu tại xã Phú Thuận, với chiều dài hơn 2km và đoạn qua xã Vinh Hải dài hơn 2,5 km.

Theo ông Hùng, việc khắc phục sạt lở bằng rọ đá, gia cố ở các vị trí sạt lở chỉ là giải pháp tạm thời. Phương án tối ưu để chống sạt lở bờ biển là xây dựng kè. Thời gian qua đã có một số đoạn bờ biển đã xây kè, phát huy tác dụng, như bờ kè chắn sóng tại bờ biển Thuận An dài chừng 350m được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015 đến nay phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn cho khu du lịch nghỉ dưỡng tại bãi biển Thuận An. Cơn bão số 12 kết hợp với triều cường, biển động dữ dội trong những ngày qua, song bờ kè vẫn vững chắc, an toàn. Bờ kè được xây dựng bằng công nghệ Nhật Bản, kết cấu cọc ván cừ, bê tông cốt thép, có thể chống chịu cấp bão từ 10-12.

Công nghệ xây dựng bờ kè tại khu resort trên bãi biển Thuận An cũng đã ứng dụng tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, như kè biển tại thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang) dài 800m và bờ kè tại xã Quảng Công (Quảng Điền) đang thi công. Qua các trận bão, triều cường những năm qua, các bờ kè phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn cho khu dân cư.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Return to top