ClockThứ Bảy, 11/02/2017 14:43

Bộ Công Thương đề xuất 20 ngành nghề cấm tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh

Theo dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố, sẽ có 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền là sản xuất vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; phát hành xổ số kiến thiết; phát hành tem bưu chính Việt Nam...

Cùng với các ngành nghề như sản xuất vàng miếng, phát hành tem bưu chính thì phát hành xổ số kiến thiết cũng sẽ là ngành nghề Nhà nước độc quyền

Bộ Công Thương mới đây vừa công bố bản dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.

Ban hành kèm dự thảo Nghị định là danh mục 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền như hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, vật liệu nổ công nghiệp, vàng miếng, vàng nguyên liệu, xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà...

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo nghị định được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2015: "Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để đảm bảo lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ và địa bàn độc quyền Nhà nước".

Bộ Công Thương lập luận rằng, việc quy định các nội dung này tại dự thảo Nghị định sẽ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến độc quyền Nhà nước đã được ban hành trước đó chưa thể hiện được. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.

Ngoài ra, việc lập danh mục hàng hóa, dịch vụ và địa bàn độc quyền Nhà nước được cho là sẽ góp phần tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch rõ phạm vi độc quyền nhà nước cũng như các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp có liên quan, qua đó tạo sự yên tâm, tin tưởng và khả năng giám sát cho các thành phần kinh tế khác về sự can thiệp của Nhà nước và nền kinh tế thông qua pháp luật.

Đồng thời, góp phần minh bạch hóa để thực hiện các nội dung có liên quan tại các điều ước quốc tế. Qua đó, tăng cường uy tín của Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho thực hiện bảo lưu quyền khi thực hiện các cam kết quốc tế mở cửa thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cho rằng, việc ban hành Nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền Nhà nước đến thời điểm hiện nay là hoàn toàn khả thi và trở nên cấp bách, Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và các cơ quan quản lý địa phương cũng như hiệp hội các doanh nghiệp theo đúng quy định.

Các nội dung của dự thảo Nghị định khi Bộ Công Thương trình Chính phủ về cơ bản đã được các bộ ngành nhất trí, chỉ còn một vấn đề liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ quốc phòng an ninh (vấn đề này đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ) và việc độc quyền Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng để sản xuất vàng miếng theo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Bình luận trên báo chí, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, thời điểm hiện nay, cho ra đời một nghị định hướng dẫn về độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách.

“Trong bối cảnh hiện nay, không thể có một nghị định để nói là cái gì Nhà nước độc quyền, bởi như thế là phản logic ngay từ đầu. Những quy định trong Luật Thương mại đã lỗi thời thì phải loại bỏ, phải thay đổi”, vị chuyên gia đánh giá.

Danh mục 20 ngành nghề dự kiến Nhà nước độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết)

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

3. Sản xuất vàng miếng

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng

5. Phát hành xổ số kiến thiết

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia

8. In, đúc tiền

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nước dồi dào, nhiều hồ thủy điện điều tiết xả tràn

Theo cập nhật tình hình hồ thủy điện ngày 21/10/2023 của Bộ Công Thương, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ đều giảm nhẹ so với hôm qua.

Nước dồi dào, nhiều hồ thủy điện điều tiết xả tràn

TIN MỚI

Return to top