ClockThứ Tư, 04/07/2018 09:03

Bộ GD&ĐT thanh tra đột xuất chấm thi THPT quốc gia 2018

Chiều 3/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đến kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hòa Bình.

Ngay sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT chia thành nhiều “mũi” thanh tra công tác chấm thi tại các địa phương.

Chỉ đạo công tác chấm thi tại Hòa Bình, ông Trinh đưa ra 4 yêu cầu. Trong đó, quan trọng nhất, giáo viên chấm thi tuyệt đối không được cung cấp nội dung bài làm của thí sinh.

Đặc biệt, các địa phương phải chú ý khâu nhập điểm thi vào máy tính, phải có chứng kiến của thanh tra và PA83.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) kiểm tra công tác chấm thi tại Hòa Bình

Việc đọc kết quả này phải cẩn trọng, đọc từ ngoài vào máy và đọc từ máy ra cho người bên ngoài để khâu nhập điểm tuyệt đối chính xác.

Trao đổi thêm về tiến độ chấm thi tại các địa phương, ông Trinh cho hay, các địa phương triển khai việc chấm thi khẩn trương, đúng quy chế. Thậm chí nhiều chi tiết kĩ thuật được triển khai nghiêm túc hơn cả quy chế chấm thi đưa ra.

Việc thành lập các ban đúng quy định, đúng thành phần, việc đánh phách môn Ngữ văn tự luận được triển khai tốt. Trong quá trình đánh phách được cách li tuyệt đối. Có tỉnh cách li cán bộ làm phách đúng như in sao đề thi.

Trong quá trình làm phách, các địa phương nghiêm túc xác nhận tình trạng niêm phong của túi bài thi được thể hiện nghiêm túc qua các biên bản trước khi cắt mở túi đề thi.

Năm nay, việc niêm phong được thay đổi một chút về kĩ thuật: Dùng loại giấy rất mỏng để làm tem niêm phong, có các chữ kí, cộng với việc so sánh đối chiếu chữ kí. Đây là giải pháp tốt xác định tình trạng niêm phong của túi bài thi.

Về chấm trắc nghiệm, các địa phương làm đúng quy trình, có phòng riêng cách li, có mặt một thanh tra Sở GD&ĐT và một cán bộ thanh tra của trường đại học đến, một cán bộ của Công an PA83 cùng nhân viên kĩ thuật.

Việc chấm thi môn tự luận được thảo luận kĩ, tiến hành chấm thử 10 hoặc có nơi 20 bài thi để làm quen với hướng dẫn chấm.

“Cho đến giờ phút này, các địa phương tiến hành chấm thi nghiêm túc, làm sao để chấm thi diễn ra an toàn, giảm thiểu tối đa các tác động bên ngoài đến công tác này. Các địa phương cố gắng đúng tiến độ nhưng không bị sức ép về thời gian, sao cho khoảng sau 10/7 các tỉnh có thể công bố điểm thi.

Hiện, một số địa phương có số thí sinh lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cường cán bộ chấm. Các địa phương đỡ sức ép hơn như một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang tiến hành chấm đúng tiến độ”, ông Trinh cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc một số địa phương hoàn thành công tác chấm thi sớm, liệu có được công bố kết quả trước, ông Trinh cho hay, kết quả chấm với địa phương đã xong nhưng với nhiều trường ĐH, dữ liệu này còn được dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên phải bảo mật dữ liệu chung cho cả nước. Do đó các địa phương đều phải hoàn thành đúng tiến độ và gửi kết quả về Bộ GD&ĐT trước 11/7.

Theo Dân Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới

Trong số 4 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, có Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đề thi sẽ có thêm các dạng thức trắc nghiệm mới.

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top