ClockThứ Năm, 13/04/2017 09:36

Bỏ kỳ thi THPT quốc gia?

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố, trường THPT sẽ xét cấp bằng tốt nghiệp; cả ba bậc học đều có các môn học mới và môn tự chọn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chiều 12/4 đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng từ năm học 2018-2019. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình, chương trình giáo dục phổ thông mới xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh.

Chia 2 giai đoạn

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh điểm thay đổi rõ rệt so với từ trước tới nay là giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm, THCS 4 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Hệ thống các môn học của chương trình được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Chương trình sẽ được phát triển thường xuyên, bao gồm các khâu xây dựng chương trình, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình thực hiện.

Ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, cấp tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn (tự học 2 buổi/ngày trên lớp của học sinh tiểu học, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên). Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình xác định lớp 10 là lớp định hướng nghề nghiệp, gồm các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, thiết kế và công nghệ, giáo dục quốc phòng và an ninh.

Một lớp học ở cấp phổ thông tại TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Các môn học bắt buộc có phân hóa: tin học, giáo dục thể chất, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ở lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Với chương trình phổ thông mới, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương và báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đối với lớp 11 và 12, nội dung giáo dục địa phương có thể được xây dựng thành chuyên đề học tập cho học sinh tự chọn.

Ba hình thức đánh giá

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu ra ba hình thức đánh giá: thường xuyên, định kỳ và trên diện rộng ở cấp địa phương, quốc gia. Việc đánh giá thường xuyên sẽ do giáo viên phụ trách môn học thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, lớp.

Đặc biệt, việc đánh giá định kỳ để cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ do các cơ sở giáo dục thực hiện. Học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT, được cơ sở giáo dục là các trường THPT cấp bằng tốt nghiệp.

Liên quan đến việc đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp THPT, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình thực hiện khi cấp THPT triển khai chương trình mới.

“Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định từ nay đến năm 2020. Việc đổi mới sẽ áp dụng khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai” - GS Thuyết thông tin.

Rà soát, xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Nhấn mạnh đến sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định phải có các điều kiện đi kèm là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Bộ GD-ĐT đang rà soát và xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông cho phù hợp với yêu cầu của chương trình mới; đổi mới chương trình đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở; linh hoạt, cập nhật, bổ sung kịp thời các mô đun dựa trên các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Đồng thời, xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông dưới dạng mô đun, theo nguyên tắc cuốn chiếu, phù hợp lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…

Theo Người lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới

Trong số 4 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, có Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đề thi sẽ có thêm các dạng thức trắc nghiệm mới.

Đề tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới
Để tổ chức ôn thi tốt nghiệp có hiệu quả

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ được tổ chức. Công tác ôn tập dành cho các em học sinh cuối cấp THPT cần được quan tâm và chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ.

Để tổ chức ôn thi tốt nghiệp có hiệu quả
Return to top