ClockChủ Nhật, 31/12/2017 19:09

Bố Nhật

TTH - Từng có con điều trị rồi mất sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư, người cha trẻ Lê Minh Nhật (39 tuổi, TP. Huế) thấm thía nỗi đau của những đôi vợ chồng đồng cảnh ngộ. Để rồi anh dành trọn yêu thương cho những bệnh nhi đang chống chọi với những cơn đau ở Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế.

Cứ thấy “Bố Nhật” cười, bệnh nhi như quên đi những mệt mỏi, đau đớn

Đồng cảm

10 năm trước, đôi vợ chồng trẻ Lê Minh Nhật và Lục Thị Nguyệt kết hôn. Hạnh phúc cứ thế nảy mầm khi lần lượt chào đón hai cô con gái. Nhưng rồi, mọi cung bậc cảm xúc sụp đổ. Gia đình phát hiện cô con gái út sau 6 tháng chào đời mắc căn bệnh ung thư máu. “Cảm giác như chết lặng. Vợ chồng tôi lúc đó bỏ hết công việc thay nhau vào viện chăm con”, anh Nhật nhớ lại.

Việc điều trị kéo dài được hơn 4 năm. Cuối năm 2015, con gái của anh chị không thể vượt qua sau những tháng ngày triền miên oằn mình với các đợt hóa trị, xạ trị... “Trời kêu ai nấy dạ thôi, biết răng chừ, nhưng nghĩ mà rớt nước mắt...”, chị Nguyệt, vợ anh Nhật cắt ngang cuộc trò chuyện. Ngày con mất, nỗi buồn len lỏi khắp căn nhà. Cứ nhắm mắt lại nhìn thấy con, thấy những bệnh nhi cùng trang lứa phải vật vã chống chọi với bệnh.

Nhớ con, thi thoảng anh chị quay lại nơi con từng điều trị. Ở đó, anh chị gặp lại những hoàn cảnh mà mình từng trải qua. Từ đó, nguyện ước đem hết tình yêu thương của mình xoa dịu cho các bệnh nhi. Không lâu sau, anh Nhật đứng ra làm Hội trưởng hội phụ huynh bệnh nhi ung thư ở Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Huế. Trên chiếc xe máy cà tàng, không ngại ngày nắng, đêm mưa cứ thế anh ngược xuôi tìm các quỹ học bổng, nhận từng tấm chăn, hộp sữa từ mạnh thường quân về phát cho các bệnh nhi đang điều trị ở đây.

Theo chân anh đến nơi các bệnh nhi đang điều trị, đến phòng nào, các em cũng chạy theo ôm chân, níu áo như xa cách lâu ngày gặp lại. Có đứa nghe bước chân từ xa đã hét lên “bố Nhật” – danh xưng mà hơn 40 đứa trẻ đang điều trị căn bệnh quái ác dành để gọi anh.

Quê quán, gia cảnh, thời gian điều trị, thậm chí chế độ dinh dưỡng của từng cháu được anh nắm rất rõ. “Từng có con mắc bệnh mới hiểu hết nỗi khổ của người làm cha làm mẹ. Người lớn còn chịu không nổi, huống chi ...”, anh Nhật rơm rớm nước mắt.

Những tháng ngày chăm con ở bệnh viện giúp Nhật trở thành một người đầy kinh nghiệm - mà anh thường gọi “kinh nghiệm bất đắc dĩ”. Anh cẩn thận dò dặn từng phụ huynh từ cách ghi lại lịch sử tiêm thuốc, mua thuốc, chế độ dinh dưỡng... “Nhưng việc vệ sinh cho con luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi có điều trị bao nhiêu mà không đảm bảo vệ sinh thì sẽ bị nhiễm trùng ngay, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng các con”, anh nhỏ nhẹ dặn dò.

Có đi vào khu điều trị mới thấy những đôi mắt âu lo của người làm cha, làm mẹ khi nhìn con quay cuồng giữa cơn đau... Nhưng rồi, sự kết nối của anh Nhật đã giúp những phụ huynh như ở dưới một mái nhà. Mái nhà của sự sẻ chia, đồng cảm.

Anh Nhật hỏi thăm một trường hợp bệnh nhi đang trong quá trình điều trị

Không từ nan

Anh Lê Đình Nghĩa ở tận Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk. Ngày này hai năm trước, anh phát hiện con mình là cháu Lê Nguyễn Minh Thư bị ung thư máu. Trong thời gian điều trị, nhiều lần anh đã tính đến chuyện đưa con về nhà. “Nhưng khi thấy anh Nhật thường xuyên vào đây thăm hỏi, tặng từng hộp sữa, tô cháo, động viên trong thời điểm khó khăn tôi mới hiểu. Người dưng nước lã mà còn thế huống chi máu mủ của mình”, anh Nghĩa tâm sự.

Theo anh Nhật, trước đây nhiều phụ huynh nghe tin con mắc bệnh ung thư thường đưa về nhà luôn mà không quay lại điều trị. Hỏi han mới biết, đó làm tâm lý chung vì cho rằng bệnh “trời kêu”, và phần lớn bố mẹ các cháu đều cơ cực, không đủ khả năng cho con điều trị đến cùng.

Biết chuyện, anh Nhật lại cất công tìm đến từng hoàn cảnh ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, hay vào tận các huyện vùng núi Quảng Ngãi, Kon Tum để tìm hiểu gia cảnh. Ai khó khăn anh ưu tiên hỗ trợ trước. Có một hoàn cảnh mà anh Nhật không bao giờ quên, về người mẹ cơ cực, đi ăn xin để nuôi con điều trị ung thư. “Người mẹ ấy quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Để có tiền chạy chữa cho con, chị đã rong ruổi khắp các nẻo đường để xin từng đồng tiền, miếng ăn. Khi về tới khoa, thấy nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, chị lại dùng tiền mình xin được âm thầm đi mua sữa để cho”, anh Nhật chậm rãi kể lại, và cho biết cuộc sống bây giờ của chị đã đỡ hơn, người con cũng đã khỏe sau một thời gian dài điều trị.

Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn. Không phải chiếc lá bên ngoài bệnh viện cửa sổ lúc nào cũng xanh tươi. Nước mắt anh Nhật đã rơi nhiều lần khi chứng kiến những hoàn cảnh tương tự như người con gái bé bỏng của mình. Vậy là, anh lại kết nối họ lại. Hai năm một lần, tổ chức lễ cầu siêu.

Giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh, ba tháng trở lại đây anh Nhật quyết định thuê một căn nhà nhỏ gần bệnh viện vừa bán cà phê, vừa tiện ra vào lo cho các bệnh nhi. “Mình không biết căn bệnh ấy từ đâu ập đến với các cháu. Nhưng mình tin rằng, ngoài sự phát triển của y học, thì tình thương sẽ là động lực để vượt qua. Còn làm được gì cho các cháu, mình sẽ không bao giờ từ nan”, anh Nhật chia sẻ.

“Ân nhân của bệnh nhi nghèo”

Bác sĩ Châu Văn Hà - Trưởng khoa Nhi tổng hợp 2 (Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế) đã nói như vậy khi nhắc đến anh Lê Minh Nhật. Bác sĩ Hà cho biết, hễ có phụ huynh nào gặp khó khăn gọi anh sẽ có mặt để trợ giúp, giải quyết kịp thời. Với kinh nghiệm từng trải, anh Nhật còn là cầu nối giữa bệnh nhân với bác sĩ. “Nhờ anh Nhật mà nhiều phụ huynh từ bỏ suy nghĩ thôi cho con điều trị vì hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, có nhiều cháu đã theo đuổi điều trị tới cùng, dành lấy sự sống, trở về với đời thường”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Brazil: Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư

Một nghiên cứu cho thấy thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng đậu nành có thể liên quan đến sự gia tăng tử vong do ung thư ở trẻ em tại Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và là một trong những nước sử dụng thuốc trừ sâu hàng đầu để ngăn chặn cây trồng khỏi sâu bệnh.

Brazil Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư
Trung thu cho em và sinh nhật hồng cho bệnh nhi ung thư

Tối 27/9, tại Trung tâm Nhi, Phòng Công tác xã hội – Chăm sóc khách hàng, Công đoàn Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cùng các "mạnh thường quân" đã phối hợp tổ chức chương trình Trung thu cho em.

Trung thu cho em và sinh nhật hồng cho bệnh nhi ung thư
Return to top