ClockThứ Năm, 10/12/2015 13:44

Bổ sung điểm đến du lịch

TTH - Những năm 30 của thế kỷ trước, miền Trung có nhiều tờ báo xuất hiện, song lần lượt hoặc do chính quyền o ép hoặc do tài chính eo hẹp nên đều chết dần, chết mòn hết thảy. Chỉ có Báo Tiếng Dân tại Huế là vượt qua được những trở lực. Tờ báo được sự ủng hộ của đông đảo độc giả, nhất là người đọc các tỉnh Trung bộ. Người ta chuyền tay nhau đọc Tiếng Dân. Còn nếu đem so sánh báo chí Bắc Hà và Nam kỳ, Tiếng Dân có nội dung thiên về những vấn đề xã hội, không chạy theo thị hiếu... mà đứng được 16 năm ròng, mới thấy tài làm báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Không còn nghi ngờ, tuy ra đời trễ hơn so với báo chí ở hai miền Nam Bắc, nhưng Tiếng Dân là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện ở nước ta trước năm 1930. Vị thế đó quan trọng và đáng nhớ, đáng tự hào lắm dành cho Báo Tiếng Dân và dành cả cho Huế.

Nhắc lại đôi dòng về Báo Tiếng Dân để thấy rằng, hàng chục năm qua Thừa Thiên Huế như kẻ có lỗi với bạn bè miền Trung và cả với chính mình khi trụ sở tòa báo vẫn còn đó, trên một con đường phát triển bậc nhất của Huế bị hoang tàn và phế nát. Được biết, sau khi Báo Tiếng Dân đóng cửa vào năm 1943, trụ sở tòa soạn ở 193 Phan Đăng Lưu đã được làm ký túc xá cho sinh viên Quảng Nam ra học ở Huế. Và rồi, sau năm 1975, ngôi nhà được bố trí làm chỗ ở cho một số nhân viên của Trường đại học Y khoa Huế. Hơn nửa thế kỷ không được ngó ngàng và tu sửa, sự xuống cấp của một ngôi nhà cũng là điều dễ hiểu. 

Việc UBND tỉnh đồng ý thực hiện thủ tục sửa chữa trụ sở tờ Báo Tiếng Dân được xem là một thông tin vui, đặc biệt là đối với giới truyền thông và ngành văn hóa du lịch. Trụ sở Báo Tiếng Dân xứng đáng được đối xử như thế, nó cũng rất xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trước hết đó là do vai trò và vị thế to lớn của tờ báo. Ông Nguyễn Quyết Thắng trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm” do Nxb TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993 nhận xét: “Tiếng Dân đối với người miền Trung thời ấy như một ông thầy đối với người học trò nhằm giáo dục, khai phá, mở trường mới cho người dân thất học”. Ngày Báo Dân, cơ quan của Xứ ủy Trung kỳ bị đóng cửa, Báo Tiếng Dân sẻ chia: “Báo Dân đã chết rồi, có nói gì cũng không sống lại được... Song lấy lòng ngay thực nói cho đúng với thực tế thì Báo Dân có phạm chăng là phạm cái tội khác chứ không phải cái tội náo động nhân tâm”. (Tiếng Dân, 10/1938). Báo chí bấy giờ, chỉ có Tiếng Dân là mạnh dạn bảo vệ cho Báo Dân.

Trụ sở Báo Tiếng Dân là một trong số không ít những di tích lịch sử và cách mạng ở Thừa Thiên Huế vì những lý do khác nhau đang bị lãng quên theo thời gian. Một khi được “đánh thức”, được tu sửa và tôn tạo và phát huy, đó sẽ là bổ sung ý nghĩa cho kho tàng những điểm đến du lịch của Huế.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top