ClockChủ Nhật, 04/03/2018 15:03

Bộ sưu tập tranh của Nguyễn Hữu Hoàng

TTH - Nguyễn Hữu Hoàng là nhà sưu tập đồ cổ có tiếng ở Huế, nhưng không hẳn ai cũng biết anh đang sở hữu bộ sưu tập tranh lên đến hơn 100 bức, trong đó có nhiều tranh quý của mỹ thuật Đông Dương, Gia Định, Hà Nội...

Vẽ tranh đón tếtTranh làng Sình có 6 mẫu mới tham dự Festival Nghề truyền thốngVẻ đẹp Huế trong tranh cổ họa sĩ người Pháp Francois de Marliave

Tranh quý

Trong ngôi nhà mới xây ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng dành một không gian lớn để trưng bày tranh và đồ cổ, trong đó có nhiều bức tranh quý. Đến đây, những người yêu thích nghệ thuật có thể thưởng lãm những bức tranh có tuổi đời khá lâu thuộc các dòng tranh của mỹ thuật Gia Định, mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Hà Nội và cả mỹ thuật Huế.

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu bộ sưu tập tranh của anh

Bộ sưu tập tranh của Nguyễn Hữu Hoàng có đến 130 bức, thuộc đủ thể loại: sơn dầu, sơn mài, lụa... của khoảng trên 40 tác giả, như: Tôn Thất Đào, Nguyễn Văn Bình, Phạm Lực, Nguyễn Trí Minh, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Hứa Phú, Đặng Mậu Tựu, Vĩnh Phối, Võ Xuân Huy... Hầu hết các tác phẩm đều vẽ về phong cảnh, thiếu nữ và tĩnh vật. Đây là những chủ đề mà chủ nhân của chúng yêu thích. Anh Hoàng lý giải: “Những tác phẩm vẽ về chủ đề này luôn mang lại cho tôi sự thư thái khi thưởng thức. Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê nên những bức tranh vẽ về phong cảnh yên bình của làng quê luôn khiến tôi mê mẩn. Có những bức vẽ phong cảnh y như cảnh thuở thơ bé tôi vẫn thả diều trên đồng vào buổi chiều tà, gợi trong tôi bao ký ức đẹp đẽ của thời niên thiếu”.

Một trong những tác phẩm quý trong bộ sưu tập tranh của Nguyễn Hữu Hoàng là bức tranh vẽ về cổng Thế Miếu (ở Đại Nội) của họa sĩ Tôn Thất Đào, người được các thế hệ họa sĩ tài hoa mệnh danh là một họa sĩ bậc thầy của Huế. Đây cũng là một trong nhiều bức tranh mang đậm màu sắc, linh hồn Huế của người họa sĩ tài ba này. Bức tranh vẽ chiều tà trên xóm nghèo của họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Bình hiện diện trong bộ sưu tập của Nguyễn Hữu Hoàng cũng là niềm vinh dự cho những ai sở hữu nó.

Trong số 130 bức tranh của trên 40 tác giả, tranh của họa sĩ Phạm Lực (mỹ thuật Hà Nội) chiếm đến 50 bức. Nhà sưu tập chia sẻ: “Không chỉ vì họa sĩ Phạm Lực là cậu ruột đã truyền cho tôi tình yêu với hội họa, mà còn vì tôi thích nét vẽ mạnh mẽ nhưng lại tạo được bố cục mềm mại, cách điệu, nhẹ nhàng của ông. Xem tranh của họa sĩ Phạm Lực, bức nào cũng được ông vẽ bằng lối vẽ độc đáo rất riêng, màu sắc sống động, hồn nhiên. Năm nay 76 tuổi, Phạm Lực là một họa sĩ rất đặc biệt, ông là một trong những họa sĩ vẽ tranh nhiều nhất và có cả CLB đến vài trăm người chuyên chơi tranh Phạm Lực ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài”.

Tốn kém hơn chơi đồ cổ

Nguyễn Hữu Hoàng sưu tập tranh bắt nguồn từ việc chơi tranh cổ. Vốn đam mê nghệ thuật, những khi đi sưu tầm đồ cổ, những bức tranh đẹp hút hồn anh lúc nào không hay. Anh Hoàng kể: “Cứ đến nhà ai mua đồ cổ, thấy bức tranh nào hay hay, tôi cũng thích và tha về. Đến khi bắt đầu nhận ra mình có niềm đam mê với hội họa thì trong nhà đã nhiều tranh rồi”. 

Tranh của họa sĩ Nguyễn Hứa Phú

Chỉ vào mấy bức tranh vừa mới mua về, anh Hoàng cho biết thêm, chơi tranh rất tốn kém, hơn cả đồ cổ. Đồ cổ mua rồi còn có thể bán lại nhưng việc mua bán tranh rất khó vì Huế chưa có thị trường tranh. Vậy mà có khi những nhà sưu tập tranh ở các tỉnh, thành khác đặt vấn đề mua, anh lại tiếc không bán. Cứ thấy bức tranh nào hợp “gu”, anh lại mê, lại “nghiến răng” tìm cách xoay tiền mua cho bằng được. Nghe ở đâu có tranh giá trị, dù ở tỉnh, thành nào anh cũng lặn lội lùng mua. Sau 10 năm, bộ sưu tập tranh của Nguyễn Hữu Hoàng chưa phải quá lớn nhưng cũng không phải là ít.

Cũng như đồ cổ, muốn chơi được tranh phải có niềm đam mê. Tranh hàm chứa giá trị nghệ thuật, văn hóa cao, đòi hỏi người chơi phải thật sự am hiểu. Ngay trong giới sưu tầm đồ cổ, không phải ai cũng chơi được tranh. Ở Huế, trong số hàng trăm người chơi đồ cổ, chỉ có 2 người sưu tập tranh. Để phân biệt được tranh giả và tranh thật, người chơi phải trải qua quá trình dài tích lũy kinh nghiệm, có bề dày trong sưu tập để có thể nhận biết bằng cảm quan. Anh Hoàng cho hay: “Với những dòng tranh đã quá quen thuộc, tôi có thể mua tranh sau khi xem ảnh chụp, nhưng với tác phẩm của những họa sĩ chưa thân thuộc, tôi phải đến tận nơi để tránh nhầm lẫn giữa tranh giả và tranh thật. Hồi mới sưu tập, tôi cũng vài lần mua phải tranh giả”.

Tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào

Với nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, mỗi họa sĩ có một phong cách vẽ khác nhau, mỗi bức tranh lại có vẻ đẹp riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật của họa sĩ. Thế nên việc chọn mua tranh của anh khá đơn giản. Họa sĩ dù nổi tiếng hay không chưa quan trọng, điều anh Hoàng quan tâm nhất là bức tranh đó có lối vẽ hợp với gu thẩm mỹ của anh. Trong bộ sưu tập, nhiều bức tranh không phải do họa sĩ nổi tiếng vẽ nhưng thu hút, anh vẫn thích và tìm mua.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Bộ sưu tập tiền Đông Dương của Cecile Le Pham

Trong hàng ngàn hiện vật bà Cecile Le Pham, chủ nhân Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, TP. Huế) đang sở hữu, bộ sưu tập tiền cổ Đông Dương mang đến cho người xem góc nhìn thú vị về loại tiền tệ từng lưu hành tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

Bộ sưu tập tiền Đông Dương của Cecile Le Pham
Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tiếp nối thành công của các bộ sưu tập “Xưa và nay”, “Nhật Nguyệt”, “Em đến từ nghìn xưa”, “Vũ khúc gấm lụa”, “Bóng – Hình”…, tối 14/12, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu sẽ ra mắt bộ sưu tập áo dài mới mang tên “Màu thời gian” trong chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Diệu – Màu thời gian” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn
Thông tin doanh nghiệp:
Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl

Những mẫu trang sức ngọc trai đen Tahiti mang một vẻ đẹp quyến rũ, huyền bí và sang trọng nên rất được nhiều chị em yêu thích. Hơn nữa, mỗi mẫu trang sức, bộ sưu tập về ngọc trai Tahiti đều tiềm ẩn nhiều ý nghĩa, thông điệp hay. Tìm hiểu về ngọc trai đen chi tiết hơn trong bài viết này.

Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl
Return to top