ClockThứ Sáu, 12/06/2015 17:26

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đăng đàn trả lời những vấn đề “nóng”

TTH.VN - Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới thi THPT Quốc gia và đặc biệt là thông tư 30 - đánh giá học sinh tiểu học… là những vấn đề “nóng” hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia xây dựng chương trình GDPT

Trong báo cáo giải trình gửi tới Quốc hội về các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Luận cho biết, đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết phục vụ quá trình triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã nghiên cứu, học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa; đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Bộ trưởng Luận khẳng định: Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7/2015. Bộ đã chỉ đạo thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng các trường sư phạm để phối hợp lực lượng xây dựng mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất
trí cao

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao

Thi THPT Quốc gia: giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi

Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ trưởng Luận cho biết, việc đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra đánh giá, trong những năm qua, việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông năm 2015 đã có tác dụng làm giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi.

Với việc chỉ tham dự một kỳ thi và số cụm thi tăng (từ 4 cụm lên 38 cụm), khoảng cách đi lại cũng gần hơn và như vậy sẽ tiết kiệm đáng kểchi phí ăn ở, đi lại cho học sinh và gia đình. Tránh được việc tập trung đông người tại các thành phố lớn, vì vậy sẽ làm giảm áp lực về giao thông và công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thí sinh dự thi trước, sau khi có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển sinh vào các trường phù hợp, do đó giảm được áp lực và rủi ro cho thí sinh, đồng thời giảm các trường hợp thí sinh thi có kết quả cao nhưng vẫn trượt đại học, cao đẳng như những năm trước.

Theo số liệu đăng ký dự thi, năm 2015 sẽ có khoảng 27% học sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (so với 20% thí sinh chỉ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014), bước đầu thực hiện tốt việc phân luồng học sinh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất; cùng với đó các công việc hỗ trợ cho thí sinh đã sẵn sàng.

Bộ trưởng Luận cho rằng, rút kinh nghiệm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 để hoàn thiện và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng ổn định ở những năm tiếp theo; đồng thời xây dựng đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ sau năm 2021).

Gần 1 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Gần 1 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Tiểu học: đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan

Ngoài 2 vấn đề trên, vấn đề “nóng” nhất hiện nay mà dư luận xã hội quan tâm là về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, thực trạng đánh giá học sinh tiểu học trước đâygiáo viên, học sinh và gia đình chỉ quan tâm điểm số, không chú ý lời nhận xét để hướng dẫn giúp đỡ học sinh; từ đó dẫn tới có sự so sánh giữa các học sinh, không động viên khuyến khích học sinh. Đây cũng là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan và bệnh thành tích trong giáo dục.

Việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ chú trọng đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh, chưa chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, chưa chú ý đến việc giúp đỡ kịp thời học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn trong học tập, để các em từng bước vượt qua khó khăn, đạt được kết quả học tập tốt hơn, có hứng thú học tập hơn. Nhiều học sinh, nhất là học sinh gặp khó khăn trong học tập, chịu áp lực về điểm số, sẽ ngày càng thiếu tự tin, tự ti, mặc cảm và dẫn đến chán học hoặc bỏ học. Đối với những học sinh khá, giỏi, việc đánh giá thường xuyên bằng điểm số hàng ngày cũng chỉ có tác động bên ngoài, có thể gây cạnh tranh không lành mạnh, chủ quan trong học tập, không tạo động cơ bên trong của việc học.

Bộ trưởng Giáo dục lý giải, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (viết tắt là Thông tư 30) là phương pháp tiên tiến, được áp dụng ở tất cả các nước có nền giáo dục phát triển. Phương pháp này giúp học sinh tiến bộ dần trong quá trình học, phát huy hết khả năng và đạt được mức độ cao nhất, đồng thời xác định được trình độ của học sinh khi hoàn thành lớp học, cấp học.

Việc đánh giá kết hợp nhận xét trong quá trình với kết quả kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học đã theo sát được sự tiến bộ của học sinh. Phương pháp đánh giá mới không so sánh học sinh này với học sinhkhác trong quá trình học tập, do đó tránh được sự tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn của học sinh; giúp học sinh tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.

Việc kết hợp nhận xét với đánh giá định lượng thông qua bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học (có các câu hỏi, bài tập phân chia theo các mức độ: biết, hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo là phù hợp với quan điểm đánh giá hiện đại), chủ yếu để xác nhận trình độ, kết quả cuối cùng của học sinh và kiểm chứng quá trình đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; là một kênh thông tin tham khảo về kết quả giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo; hướng dẫn việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục, kết quả học tập của học sinh.

Theo Bộ trưởng Luận, trước khi ban hành Thông tư 30trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục và tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học từ năm học ở 24 trường thuộc 6 tỉnhTrên cơ sở kết quả thí điểm, từ năm học 2014 - 2015 Bộ quyết định cho triển khai đại trà theo Thông tư 30.

Theo tổng hợp từ báo cáo của 63/63 sở giáo dục và đào tạoviệc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn….

Đối với học sinhdo không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Các em được thầy cô quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nên bước đầu đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất như: Tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học. 

Bộ trưởng Luận thừa nhận,
khi áp dụng Thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại

Bộ trưởng Luận thừa nhận, khi áp dụng Thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại

Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng: “Đa số cha mẹ học sinh đã hiểu, không bị áp lực về điểm số, đồng tình, ủng hộ việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Qua những lời nhận xét của giáo viên, cha mẹ học sinh biết được cụ thể tình hình học tập của con mình, biết con mình mạnh, yếu ở nội dung nào, từ đó có những biện pháp hỗ trợ thêm cho học sinh khi ở nhà. Giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; bước đầu khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận thừa nhận, khi áp dụng thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại, giáo viên dạy lớp có sĩ số đông (ở thành phố và vùng thuận lợi), giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp sẽ vất vả trong việc đánh giá học sinh. Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Do vậy, nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn trước.

Tiếp tục kiên trì tuyên truyền giải thích cách đánh giá học sinh tiểu học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định: Tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giải thích đến giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu  về ý nghĩa, cách thức và sự phối hợp các thành phần tham gia đánh giá học sinh tiểu học. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thay đổi nhận thức và thói quen; tổ chức rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo phối hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đạt hiệu quả hơn.

Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách… cho giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh tự sửa lỗi, hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo, đồng thời giảm áp lực công việc cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Điều chỉnh để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia,Điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học), đảm bảo thống nhất với Thông tư 30.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe để đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung các giải pháp cần thiết để tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương đổi mới đánh giá thi cử ở bậc tiểu học trong thời gian tới.

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top