ClockThứ Năm, 25/05/2017 14:33

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “day dứt” về thu nhập của giáo viên

Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều đến tự chủ giáo dục đại học và lương của giáo viên còn thấp, đây là băn khoăn của ngành giáo dục.

Sáng 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí về những công việc của ngành giáo dục và đào tạo. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì ông cảm thấy day dứt khi mà thu nhập của giáo viên còn thấp, và đó cũng là “món nợ” mà ông Nhạ phải tính toán trong nhiệm kỳ của mình.

Thu nhập của giáo viên thấp là món nợ mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm thấy day dứt khi chưa trả được.

Liên quan đến đề xuất chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ có lộ trình về việc này.

“Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều đến tự chủ giáo dục đại học mà chưa đề cập sâu tới tự chủ đối với giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành”, vị trưởng ngành giáo dục bày tỏ.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, chính vì còn băn khoăn, cho nên khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phải tách thành hai, một Nghị định cho giáo dục đại học và một Nghị định dành cho giáo dục phổ thông.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, “Bộ GD & ĐT chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính vì vấn đề này còn phải bàn thêm. Ở đây, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Quang Nhạ chia sẻ, thu nhập đời sống giáo viên thấp là món nợ ông cảm thấy day dứt

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, theo Bộ trưởng thì đây là vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của các thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.

“Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng Nhạ phân tích.

Theo Bộ trưởng, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.

Trả lời câu hỏi khi thực hiện việc chuyển đổi này, Bộ GD-ĐT có dự đoán trước được những vướng mắc sẽ gặp phải khi triển khai vấn đề này không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi thực hiện chắc chắn sẽ có những vướng mắc, nhưng những vướng mắc đó có thể “gỡ” được như với đội ngũ giáo viên cũ, chuẩn bị tâm lý cho họ thế nào, các bước chuyển ra sao.

“Ví dụ nữa là chế độ đãi ngộ cho giáo viên như thế nào. Lâu nay, dư luận xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đó là sự thật, cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức, đã được quy định chung rồi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà cho biết thêm: Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo, vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Trước mắt, ngành làm thật tốt theo Luật Viên chức. Sau đó từng bước có lộ trình thí điểm, làm đến đâu chắc đến đấy, phù hợp với tình hình của từng địa phương. Không dùng hành chính để áp đặt, nhất là vùng sâu vùng xa cũng phải có lộ trình riêng để phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ trưởng Bộ GD -ĐT chia sẻ.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức ở Maroc, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Pedro Manuel Moreno cho biết, các nước thu nhập trung bình đang phải vật lộn với những thách thức nghiêm trọng và thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính.

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình
Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu “quả ngọt”, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Thu nhập khá từ vườn ao chuồng
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top