ClockThứ Ba, 08/01/2013 05:31

Bờ vui nối nhịp

TTH - Ước tính có hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây cầu vượt sông, vượt phá trong 10 năm trở lại đây ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Mỗi cây cầu đưa vào sử dụng làm thay đổi diện mạo cả một vùng đất.

Giúp bà con làm giàu

Gọi đứa con trai lớn thay giao hàng cho các lái buôn, ông Nguyễn Văn Muốt vào tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây dựng. Thứ trà ngon thơm lừng, được gửi từ Bắc vào. Hơn 10 năm trước, bản Khe Trăn (Phong Mỹ, Phong Điền) toàn nhà lá tạm bợ, quanh vườn trồng đậu lạc, khoai sắn. Bản Khe Trăn giờ đã hoàn toàn thay đổi, không còn “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Toàn bản có 50/50 hộ đều có nhà kiên cố và bán kiên cố, việc làm quanh năm. Điện, nước sạch, phương tiện nghe nhìn, đi lại đầy đủ cả. Ông Muốt, ông Rôn, ông Ráo... còn đang chuẩn bị mua ô tô để đi lại.
 

Cầu Dã Viên được đưa vào sử dụng

 
Con đường từ chân cầu Nà Mây chạy qua bản được đúc bê tông rộng rãi. Hai bên đường rợp bóng cao su, hồ tiêu. Hiện còn khoảng 1km đường nối bản ngoài với bản trong đang được thi công nốt. Ông Muốt cho biết: “Mỗi ha cao su bình quân mỗi ngày cho thu nhập 500.000 đồng, nhà mình có gần 6 ha, nên mỗi ngày thu vào gần 3 triệu đồng. Đó là mới cây cao su, chưa kể sắn công nghiệp, keo, tràm... trừ mọi chi phí, mỗi năm còn thừa trên 600 triệu đồng”. Ông Muốt khẳng định: Đồng bào có được như hôm nay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước; trong đó, có việc xây dựng cầu Nà Mây. Không có cây cầu bắc qua thì không làm gì được. Sắn, chuối trồng ra bán không ai mua, đừng nói đến cao su, keo, tràm. Có cầu, người dân mới mạnh dạn mở rộng sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai.
 
Bản Khe Trăn cách chiến khu Hòa Mỹ xưa về phía tây hơn 3km, nhưng lại bị ngăn cách bởi đôi bờ thượng nguồn sông Ô Lâu, vực sâu, nước chảy xiết quanh năm. Ngày đó, có ý kiến nên di dời bản đến nơi khác để thuận tiện trong giao thông. Cuối cùng, chọn phương án làm cầu, nối điểm cuối cùng TL9 với bản và thực sự đã mang lại hiệu quả; vừa bảo tồn được tập quán sinh hoạt của đồng bào, vừa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đất đai. Cầu Nà Mây dài 137m, rộng 6,3m được xây dựng vĩnh cửu, hoàn thành đưa vào sử dụng cách đây đúng 10 năm. Cùng giai đoạn này, cầu Trường Hà vượt phá Tam Giang cũng được xây dựng; bắt đầu cho việc xây dựng hệ thống cầu vĩnh cửu vượt phá Tam Giang. Mỗi cây cầu, như Hòa Xuân, Tư Hiền, Ca Cút... hoàn thành mở ra cơ hội mới, thay đổi diện mạo cả một vùng đất bên kia phá Tam Giang.
 
 
Giảm ùn tắc cho đô thị
 
Mấy tháng trở lại đây, người và phương tiện không còn phải chen lấn qua cầu đường sắt Bạch Hổ nữa. Mật độ lưu thông qua cầu Phú Xuân, Trường Tiền cũng giảm, thông thoáng hơn, nhờ cầu đường bộ Bạch Hổ (nay đã được đặt tên là Dã Viên) được hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu đường bộ thứ 3 bắc qua sông Hương tại vị trí trung tâm thành phố Huế; được xây dựng hiện đại, tính mỹ thuật cao, phù hợp với kiến trúc kinh thành Huế. Lợi ích của cầu Dã Viên mang lại quá rõ.
 

Cầu Nà Mây, động lực để người dân bên kia cầu làm giàu.

 
Điều băn khoăn là khi thiết kế xây dựng cầu Dã Viên tại sao không làm thêm một nhịp nữa, vượt qua ngã tư Lê Duẩn - Kim Long, để không bị chắn đường sắt này làm ảnh hưởng? Thật ra, vị trí cầu Dã Viên ban đầu được xác định cách vị trí mới hơn 1km về phía thượng nguồn, cùng trục với đường Nguyễn Hoàng vượt sông Hương qua Phường Đúc. Nhưng nếu xây dựng ở đây thì khả năng điều tiết giao thông qua trung tâm thành phố sẽ thấp, vì hệ thống đường vành đai chưa được xây dựng. Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế nói: Vị trí tại đường Nguyễn Hoàng vẫn còn giữ lại đó, để xây dựng cầu trong thời gian tới. Hiện nay, đã có một phác thảo đường vành đai, điểm đầu nối từ cầu Cống Chém, qua phường An Hòa, nối với đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt sông Hương, qua Phường Đúc nối với đường Tự Đức-Thủy Dương - Thuận An và QL1A.
 
Để giảm bớt xung đột giao thông tại điểm đầu cầu Dã Viên, sắp tới sẽ di dời nhà gác chắn đường sắt và lô cốt gần đó vào phía bên trong sông Kẻ Vạn. Tương lai, khi đường sắt cao tốc được xây dựng thì khả năng không còn chắn đường sắt ở đó; đồng thời, hệ thống đường vành đai cùng với cầu vượt sông Hương tại vị trí đường Nguyễn Hoàng được đưa vào sử dụng thì giao thông ở khu vực này sẽ thông thoáng hơn.
 
Thời gian qua, rất nhiều cây cầu khác cũng được xây dựng, nâng cấp hoàn thành đưa vào sử dụng, như: cầu Chợ Dinh, cầu Bao Vinh, cầu Xước Dũ, hệ thống cầu qua sông An Cựu… Ông Ngô Văn Tuân cho biết thêm: Hiện trên phá Tam Giang còn 2 vị trí cần được xây cầu, để giải quyết đi lại, thúc đẩy kinh tế xã hội cho người dân là Vĩnh Tu với Hà Trung; trong đó, cầu Vĩnh Tu khả năng sẽ được triển khai sớm. Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tu có chiều dài 2km nối các xã Quảng Ngạn, Quảng Công, vùng Ngũ Điền với thị trấn Sịa và thành phố Huế.
 
Hàng chục cây cầu có quy mô lớn, hiện đại được xây dựng vĩnh cửu vượt sông, vượt phá... là dấu ấn về đột phá giao thông Thừa Thiên Huế trong 10 năm trở lại đây. Những vùng sâu, vùng xa đã gần hơn với đô thị và cũng đang tự mình từng bước để đô thị hóa. Tiềm năng, lợi thế của địa phương được khai thác hiệu quả. Giao thông trong đô thị cũng thông thoáng hơn, bớt ùn tắc. Những cây cầu mới xây dựng nói riêng, những công trình giao thông trọng điểm nói chung đã làm cho bộ mặt nông thôn, đô thị thêm phần khởi sắc, tạo đà đưa Thừa Thiên Huế trở sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài, ảnh: Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top