ClockThứ Tư, 24/05/2017 14:18

Bộ Y tế báo cáo về việc 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn

Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan vừa báo cáo về việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn, gây lãng phí hàng tỷ đồng.

Sáng 24/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hôm qua (22/5), Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ quan chức năng vừa báo cáo vụ việc liên quan đến việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM hết hạn, gây lãng phí hàng tỷ đồng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, bệnh viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương rất tốt để giảm bớt chi phí cho người dân bị bệnh này nhưng để xảy ra vụ việc trên là do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Về phía nguyên nhân chủ quan, đầu tiên là do bệnh viện lập kế hoạch xin tài trợ không chuẩn. Khi bệnh viện lập kế hoạch đang có 200 người ung thư máu nằm điều trị, nhưng chỉ có 50 người đăng ký sử dụng loại thuốc này. Đây là loại thuốc đặc trị khá đắt, với chi phí 1 tỷ trên một năm điều trị, mặc dù người sử dụng tại bệnh viện chỉ phải bỏ ra 42 triệu/năm (đối ứng 5%) nhưng không phải ai cũng đủ tiền để dùng.

“Khi lập kế hoạch xin thuốc cho 50 người nhưng khi về bệnh viện chỉ 26 người sử dụng nên số thuốc thừa tăng lên”- ông Lợi cho biết.

ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng bệnh viện đã không chủ động báo cáo kịp thời để xin chủ trương chuyển để sử dụng có hiệu quả khi thời hạn sử dụng  thuốc sắp hết. Vì thế, khi có lệnh tiêu huỷ, bệnh viện vẫn giữ thuốc trong kho.

“Nguyên nhân chủ quan có cả vấn đề  liên quan đến cơ quan tài trợ. Là cơ quan độc quyền cho nên tất cả việc di chuyển hay chuyển cho đơn vị khác hoặc nhượng cho bệnh nhân khác đều phải được sự đồng ý của cơ quan tài trợ. Trong trường hợp cụ thể này, cơ quan tài trợ đã không cho phép chuyển cho đơn vị khác, bệnh nhân khác nên đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh viện không làm được gì”- ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.

Đề cập đến những điều cần rút kinh nghiệm ở vụ việc này, ông Lợi cho rằng thủ tục hành chính của chúng ta quá bị kéo dài qua các khâu. Cụ thể, khi bắt đầu làm thủ tục nhập thuốc này vào tháng 7/2013, thì thuốc đã sản xuất vào tháng 6/2013, trong khi thuốc này chỉ có thời hạn sử dụng trong 23 tháng.

“Quy định chỉ cho phép 20 ngày làm thủ tục nhập khẩu thuốc nhưng ở trường hợp này, khi làm xong thủ tục, thuốc về đến cảng chỉ còn hạn 10 tháng. Khi thuốc vào đến kho của bệnh viện và người đầu tiên sử dụng chỉ còn thời hạn rất ngắn cho nên cho đến khi dùng đến 6 tháng vẫn còn 1/3 số  thuốc” – ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Ngành thanh tra
Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự.

Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm

TIN MỚI

Return to top