ClockThứ Ba, 07/08/2018 06:00

“Bốc thuốc” trị “căn bệnh” buông lỏng

TTH - Trong kết luận Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải kiểm soát bằng cơ chế và quyền hạn phải ràng buộc với trách nhiệm”. Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nêu: buông lỏng là một trong những yếu tố được xác định phải chịu hình thức kỷ luật. Có như vậy mới gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, lãnh đạo và cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộĐánh giá khách quan trước khi bổ nhiệm cán bộ"Dứt khoát thanh lọc cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy"

Điền Viên Thôn xây dựng trái phép gần chục năm với gần 60 căn biệt thự tại Ba Vì, Hà Nội  (Ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Khi có vấn đề sai phạm hoặc xảy ra các vụ việc, chúng ta thường hay  kết luận: buông lỏng trong công tác kiểm tra, quản lý... Cụm từ này xuất hiện nhiều trong các báo cáo, kết luận hoặc giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan khi có sai phạm trong cơ quan quản lý các cấp. Buông lỏng từ khâu quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm… ở tất cả các lĩnh vực trong quản lý xã hội. Buông lỏng gắn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và thường đi đôi với quan liêu, thiếu trách nhiệm và tiêu cực trong thi hành công vụ.   

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình nói về xây dựng 57 ngôi biệt thự trái phép ở Ba Vì (Hà Nội) phát hiện từ năm 2002, lập biên bản vi phạm từ năm 2013. Nhưng đến 2018, các công trình trên vẫn tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào kinh doanh. Điều đáng nói là công trình sai phép chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đầy 200m. Hay như công trình 8B Lê Trực, Hà Nội khi xây dựng đến 18 tầng mới phát hiện sai phạm, phải cưỡng chế tháo bỏ số tầng sai phép. Trong dân cư hiện nay, tình trạng sai phép hoặc không phép diễn ra khá phổ biến. Biện pháp mạnh nhất của chính quyền cơ sở là lập biên bản, xử lý hành chính rồi… bỏ quên. Thế nên mới có câu “phạt cho tồn tại hoặc phạt cho có thủ tục”. Thật khó hiểu và không thể chấp nhận khi có rất nhiều công trình xây dựng rất quy mô, đâu phải cây kim sợi chỉ mà không phát hiện được hoặc phát hiện chậm. Tương tự như vậy, liên quan đến quản lý lòng đường, vỉa hè,  khi ra quân thì rầm rộ nhưng được ít lâu thì lấn chiếm lại, không thấy chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.

Hiện tượng như vậy trong quản lý nhà nước ở nhiều cấp là tương đối phổ biến, không chỉ trong quản lý xây dựng, quản lý đô thị mà lĩnh vực nào,  ngành nào cũng xảy ra tương tự. Một loạt cán bộ cấp cao mấy nhiệm kỳ của Tập đoàn Dầu khí bị khởi tố bắt giam về tội tham ô, làm thất thoát không nhỏ ngân sách Nhà nước trong thời gian dài mà trước đó không thấy thanh tra tài chính của cơ quan chủ quản vào cuộc. Một số cơ quan cấp bộ, tỉnh, thành đề bạt hàng loạt cán bộ cấp cao trái quy định cũng không thấy Bộ Nội vụ “tuýt còi”. Chung cư cao tầng xây dựng vi phạm nghiêm trọng các quy định ở các đô thị lớn, nhưng không thấy cơ quan quản lý xây dựng, UBND các cấp kiểm tra, xử lý. Hay như sự kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là điển hình trong buông lỏng kiểm soát môi trường, là bài học đắt giá không thể lãng quên. Như vậy có thể thấy, công tác quản lý nói chung và quản lý nhà nước về nhiều mặt đang bị buông lỏng nghiêm trọng. Đáng nói là sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng hoặc thanh tra mới “lòi” ra. Còn bao nhiêu vụ việc, hiện tượng đang chìm trong bống tối? Sự buông lỏng hay “quên lãng” của các cấp quản lý là vấn đề cần chấn chỉnh.

Kiểm tra, phát hiện những tồn tại, vi phạm được nêu lúc đó mới nhận ra những “thiếu sót” của cơ quan quản lý. Khi kiểm điểm trách nhiệm sai phạm, họ nêu ra lý do khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu đều đổ lỗi do khách quan. Xem xét cụ thể những mặt tồn tại, phần lớn đều do thiếu trách nhiệm, không làm tròn trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ chức năng được giao. Có trăm ngàn lý do nhưng lý do chính là lãnh đạo đã buông lỏng công tác quản lý. Ở đây, thực trạng của buông lỏng có liên quan trực đến quan liêu, thiếu trách nhiệm hay có biểu hiện tiêu cực trong quản lý. Quan liêu, thiếu trách nhiệm một phần  do trình độ, năng lực nhưng khi có tiêu cực (tham nhũng) thì buông lỏng chính là cố ý bỏ qua khi biết sai phạm của đối tượng cần quản lý. Tiêu cực khi nhận “lót tay” rồi thì khó mà có thái độ vô tư,  làm đúng quy định, xử lý nghiêm túc. Buông lỏng chỉ là lý do nhẹ nhất đưa ra để cố tình trốn tránh trách nhiệm, hợp lý hóa cho hành vi  tham nhũng. Họ tìm cách đẩy trách nhiệm cho nhau, đổ dồn cho cấp dưới hoặc nêu lý do khách quan để tránh bị xử lý nặng hơn, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế mới thấy “văn hóa từ chức” của chúng ta còn khó thực hiện khi mà quy trách nhiệm cho lãnh đạo đang còn rất khó.

Buông lỏng không chỉ ở cấp trên mà cả những người trực tiếp thực thi công vụ. Nhiều việc phụ thuộc rất lớn vào cán bộ cấp dưới theo dõi, quản lý, nên trong các khâu quản lý nhà nước rất cần cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức. Chính những con người này mới có những đề xuất xác đáng, có hiệu quả khi họ tận tâm với công việc. Lãnh đạo phải nắm vững chức năng để hoạch định chương trình, kế hoạch và có trách nhiệm kiểm tra cấp dưới. Không thể đổ lỗi cho việc nhiều mà lãng quên công tác kiểm tra trong phạm vi chức năng nhiệm vụ. Không kiểm tra, đôn đốc cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến buông lỏng, cho nên vấn đề quan trọng là phải chọn người,  kể cả lãnh đạo và người thi hành. Bên cạnh đó, yếu tố có tính bản lề là phải có cơ chế, quy trình, thời gian chặt chẽ trong thực hiện, kiểm tra và thỉnh thị báo cáo. Coi đây như cẩm nang mang tính pháp lý mà mọi người phải chấp hành nghiêm túc, không phân biệt cấp trên, cấp dưới. Văn bản, quy trình, quy định chúng ta có nhiều nhưng vẫn còn sơ hở, tạo cho người có trách nhiệm tìm cách “lách luật”, trốn trách nhiệm khi không làm tròn nhiệm vụ. Điều đó cũng phải được rà soát, tìm kẽ hở để có những quy định chặt chẽ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ dù quy trình quản lý có chặt chẽ bao nhiêu nữa thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Buông lỏng xuất phát từ ý thức chủ quan của lãnh đạo, cán bộ, quan hệ trực tiếp với bệnh quan liêu, thiếu trách nhiệm và tham nhũng. Bệnh này cần được “bốc bệnh chữa trị” sớm, trước hết đối với người đứng đầu.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top