Thể thao trong nước
HƯỚNG ĐẾN ĐH TTTQ 2018:

Bơi - lặn: Bao giờ “vượt vũ môn

ClockChủ Nhật, 14/10/2018 07:34
TTH - Để phá thế “thống trị” của Ánh Viên và Quý Phước, sau khi giải tán hầu hết VĐV cùng lứa 2 kình ngư nói trên, năm 2015, bơi - lặn Huế làm lại bằng dàn VĐV tuổi đời dưới 15, trong đó có một số gương mặt được đánh giá rất triển vọng.

Trần Quốc Vinh & niềm hy vọng của Billiards HuếNhững niềm tin “vàng” của thể thao HuếSẵn sàng cho Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2018

Lặn - môn thể thao đang được kỳ vọng tại ĐH TTTQ 2018

Chưa nhiều thành tích

Sau thời điểm Trần Thị Thuận, Trần Văn Toản, Phạm Văn Mân… chia tay nghiệp VĐV, thành tích bơi Huế gần như mất hút trên bản đồ bơi quốc gia. Nói như vậy không có nghĩa trong gần 10 năm trở lại, bơi Huế không “đào” ra được nhân tài.

Vấn đề là thời điểm bơi Huế chuẩn bị ra mắt dàn VĐV có thể tranh chấp huy chương ở các giải vô địch quốc gia, ĐH TTTQ…, làng bơi Việt Nam lần lượt xuất hiện Ánh Viên và Quý Phước. Hai cái tên này không chỉ thống trị làng bơi Việt Nam (tại ĐH TTTQ 2010, Quý Phước giành 9 HCV, phá 9 kỷ lục quốc gia; tại ĐH TTTQ 2014, Ánh Viên giành 17/21 HCV), mà trong suốt thời gian dài, họ còn làm mưa, làm gió ở đấu trường SEA Games, đồng thời, tạo sự chú ý đặc biệt ở sân chơi ASIAD.

Điều này cũng có nghĩa, trong khoảng thời gian đó, những VĐV của bơi Huế chỉ có thể đua tranh ở các giải đẳng cấp thấp hơn. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các tỉnh, thành, ngành trên cả nước.

Thường xuyên đăng cai nhưng thành tích bơi Huế chưa thật sự thuyết phục

Để phá vỡ thế “thống trị” của 2 VĐV nói trên, sau khi giải tán hầu hết dàn VĐV cùng lứa Ánh Viên, Quý Phước, năm 2015, bơi Huế làm lại bằng 24 VĐV trẻ, trong đó có một số gương mặt được đánh giá rất triển vọng. Tuy nhiên, ĐH TTTQ 2018 chưa phải là thời điểm gặt hái thành tích, bởi hiện tại, những VĐV tuyển bơi Huế đang ở độ tuổi dưới 15, năm 2018 là lần đầu tham gia ĐH TTTQ.

Với tuổi đời và kinh nghiệm quá non so với các VĐV bạn đang ở độ chín của sự nghiệp thì rõ ràng, các em không đủ khả năng để tranh chấp huy chương ở sân chơi lớn nhất cả nước. Dẫu vậy, một khi bước vào đường đua xanh với tâm thế cầu thị, trau dồi kinh nghiệm, bản lĩnh, thì – như chia sẻ của ông Bùi Thanh Dũng – các em đủ sức để tỏa sáng tại ĐH TTTQ 2022.

“Có thể VĐV bơi hiện tại của Huế không nhiều lần tập huấn nước ngoài, mời chuyên gia như một số tỉnh, thành bạn nhưng qua quá trình theo dõi, tố chất, chỉ số, thông số về chuyên môn của các em rất tốt. Nếu tiếp tục được huấn luyện, đầu tư bài bản, tôi tin các em sẽ làm nên chuyện”, ông Dũng nói.

Hy vọng ở lặn

Trong khi bơi trắng tay ở các giải vô địch quốc gia bể 25m và vô địch các nhóm tuổi toàn quốc, thì cũng ở các giải đấu này, các VĐV lặn lại giành 2 HCB, 3 HCĐ. Tiếp đó, tại giải vô địch trẻ quốc gia diễn ra vào tháng 7 ở TP. Hồ Chí Minh, lặn Huế bất ngờ giành được 1 HCV sau màn tỏa sáng của Lê Thế Triều, và đó cũng là tấm HCV đầu tiên kể từ khi Huế thành lập môn lặn.

Thành lập từ năm 2015 với 15 VĐV, nếu so với nhiều tỉnh, thành bạn thì lặn Huế quá non trẻ. Dẫu vậy, chỉ trong vòng 4 năm, lặn Huế đã và đang được biết đến có khả năng tranh chấp huy chương ở nhiều cự ly: 50m, 100m, 200m và 400m, tập trung chủ yếu vào nội dung lặn chân vịt đôi (Bifin) cả ở nam lẫn nữ.

“Tại ĐH TTTQ 2018, lặn Huế sẽ cử 3 VĐV tham dự, trong đó, kỳ vọng huy chương đặt lên vai của Lê Thế Triều và Hoàng Thị Trà My. Tuy Triều mới 15 tuổi nhưng trong năm 2018, em đã gặt hái được 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại các giải vô địch trẻ và vô địch các lứa tuổi, trong khi My mới 12 tuổi đã đạt đẳng cấp kiện tướng, vậy nên, cơ hội huy chương cũng khá sáng”, ông Trần Thanh Tuấn - Trưởng bộ môn bơi – lặn tỉnh cho biết.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, cũng như bơi, ngoài tuổi đời non trẻ, VĐV môn lặn của Huế rất ít được cọ xát, tập huấn nước ngoài. Và càng đến gần ngày khởi tranh ĐH TTTQ 2018, sự thua thiệt này càng lộ rõ. “Trong những lần thi đấu, dù ở giải trẻ nhưng một số em vẫn khá căng thẳng trước áp lực đến từ “khí thế” VĐV bạn, nhất là các VĐV có chút danh tiếng mỗi khi xuống nước. Đây là điều cần nhanh chóng khắc phục, bởi nếu để tình trạng này diễn ra thường xuyên, các em sẽ bị “khớp cơ”, khó phát huy hết thực lực bản thân”.

Sau thời gian ngắn “đập đi, xây lại”, cả bơi và lặn đã và đang cho thấy ít nhiều khả quan, nhưng dường như chưa đủ để đạt thành tích cao trong thời gian ngắn. Ngoài những định hướng mang tính chiến lược, dài hơi trong đào tạo, thi đấu, điều tuyển bơi – lặn cần nhất là được học tập từ những chuyên gia, những chuyến tập huấn, cọ xát nước ngoài mới mong có cơ hội “vượt vũ môn” như mơ ước.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic Paris 2024

Tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam mới chỉ có 3 suất dự Olympic Paris 2024 ở môn xe đạp, bắn súng và bơi. Đây là con số khiêm tốn, khi mục tiêu phải giành huy chương Olympic đã được ghi rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic Paris 2024
“Bơi” trong đơn hàng tết

Dịp tết, số lượng đơn hàng tăng cao khiến các doanh nghiệp chuyển phát đang phải chạy đua đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lực lượng shipper cũng vì vậy mà bước vào mùa làm việc không ngơi nghỉ, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

“Bơi” trong đơn hàng tết
Trắc trở khi phổ cập bơi cho học sinh

Thiếu cả bể bơi lẫn giáo viên chuyên môn, nhiều trường học “lực bất tòng tâm” trước mong muốn giúp 100% học sinh thành thục kỹ năng phòng đuối nước.

Trắc trở khi phổ cập bơi cho học sinh
Đa dạng các khóa dạy bơi cho trẻ em

Với đặc thù là một huyện vùng trũng có nhiều diện tích sông, hồ, đầm phá, biển, để phòng nguy cơ đuối nước, hằng năm các địa phương ở huyện Quảng Điền đều chủ động tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em.

Đa dạng các khóa dạy bơi cho trẻ em
Return to top