ClockThứ Sáu, 08/09/2017 21:55
GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG:

Bồi thường, bố trí tái định cư phải hợp lý

TTH - Tại Hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do UBND TP. Huế tổ chức sáng 8/9, nhiều ý kiến cho rằng, để công tác GPMB đạt kết quả tốt, cần làm tốt việc hỗ trợ đền bù, bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân.

Do vướng mặt bằng, một số dự án hạ tầng ở Khu đô thị mới An Vân Dương chậm tiến độ

Đền bù chưa hợp lý

Báo cáo công tác GPMB trên địa bàn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hiện có 84 dự án (DA) đã và đang thực hiện, trong đó, có 22 DA đã hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho chủ đầu tư, 35 DA thu hồi đất trong năm 2016 và 11 DA thu hồi đất năm 2017, 16 DA chuyển tiếp, với tổng diện tích đất thu hồi 115 ha, hơn 500 hộ phải bố trí TĐC và số tiền chi trả đền bù 275 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, thời gian qua, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ các DA. Đây cũng là lĩnh vực gây nhiều bức xúc nhất trong dân mà nguyên nhân chủ yếu do việc đền bù chưa hợp lý khi giá đất chưa sát với giá thị trường, trong đó, giá đền bù đất ruộng khá thấp, chỉ 23.300 đồng/m2.

Phó Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc giao đất TĐC còn nhiều bất cập, có hộ chỉ thu hồi vài chục mét vuông nhưng cũng được bố trí một lô đất TĐC, trong khi có hộ thu hồi vài trăm mét vuông cũng được bố trí một lô đất TĐC với diện tích tương tự, đó là một trong những lý do chính gây bức xúc, bất bình trong Nhân dân.

Công trình mặt bằng đường 36m nối đường Nguyễn Lộ Trạch ra Tố Hữu đang ngổn ngang vì vướng giải phóng mặt bằng

Về giá đất TĐC, theo ông Nguyễn Đình Quyền, nếu mỗi năm tính theo mỗi giá sẽ còn gây khiếu kiện, khi người đi sau được đền bù cao hơn người đi trước. Vì thế, ông Quyền đề nghị nên ban hành một mức giá đền bù nhất định cho từng DA cụ thể, trong đó cần thiết nên khen thưởng hoặc có cơ chế đặc biệt cho người đi trước, chấp hành tốt chủ trương di dời.

Vấn đề thuê nhà trong quá trình bàn giao đất TĐC cũng cần được tính toán cụ thể để tránh trường hợp người dân chây ì, viện lý do chưa có nơi ở mà chậm bàn giao mặt bằng.

Theo bà Hoàng Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế, hiện nay, việc áp giá đền bù đang thực hiện theo giá đất hàng năm, dù đơn vị đã nhiều lần có văn bản kiến nghị nâng giá đất đền bù và áp dụng theo giá đất được quy định trong Luật Đất đai để giá đền bù sát với giá thị trường, song vẫn chưa được giải quyết. Do đó, giá đất nông nghiệp được đền bù khá thấp, dù được nhân hệ số 2, song mức hỗ trợ đền bù vẫn chưa đến 50.000 đồng/m2, trong khi đó các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình mức giá đền bù gấp đôi.

Điều chỉnh tăng giá đất đền bù

Do bất hợp lý trong việc giải tỏa, đền bù nên nhiều DA vướng công tác GPMB khiến điệp khúc chậm tiến độ lặp đi lặp lại.

Bà Hoàng Thị Lan Phương cho rằng, có những DA đáng lẽ  kết thúc đã lâu nhưng nay vẫn còn dây dưa, chưa dứt điểm như DA chỉnh trang bờ sông Hương phía phường Phú Cát, hay DA giải tỏa Thượng Thành- Eo Bầu đến nay gần chục năm vẫn chưa xong và chưa biết đến lúc nào mới giải quyết dứt điểm.

Hiện, trên địa bàn TP. Huế có 20 DA trọng điểm của tỉnh đang triển khai và có liên quan đến công tác GPMB do TP. Huế thực hiện như: Học viện Âm nhạc Huế, DA Thượng Thành-Eo Bầu, mở rộng đường Hoàng Thị Loan, đường 36m nối đường Nguyễn Lộ Trạch đến đường Tố Hữu… và 13 DA có quy mô nhỏ.
Riêng TP. Huế hiện có 6 DA trọng điểm và 17 DA có quy mô nhỏ đang triển khai và hầu như DA nào cũng gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB khiến DA chậm tiến độ.

Bà Phương cũng nhìn nhận, vấn đề này ngoài cơ chế chính sách, một phần lỗi thuộc về những người thực thi công vụ khi chưa cương quyết, còn e dè, cả nể và ngại cưỡng chế.

Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa thông tin, trên địa bàn phường có khi DA chỉ vướng mắc một hai hộ nhưng quá trình vận động mất gần 5 năm mới hoàn thành do vị trí đất sinh lợi cao nên người dân chây ỳ. Phường phải vận dụng nhiều giải pháp, nhờ vào nhiều mối quan hệ để vận động người dân mới chấp hành… Do đó, ngoài chính sách chung, cần có thêm chính sách khác ưu tiên cho những hộ này để quá trình GPMB diễn ra nhanh chóng.

Điều này được chủ trì hội nghị- ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBNB TP. Huế ghi nhận khi thông tin có DA gần như kết thúc, song chỉ còn 1 hộ khiếu kiện, khiếu nại mà DA phải kéo dài năm này qua năm khác.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành chỉ ra nguyên nhân khiến công tác GPMB gặp khó khăn là do những bất hợp lý chưa được xem xét giải quyết, trong đó, việc quy định giá đền bù quá thấp so với giá thị trường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Chẳng hạn ở đường Lê Lợi, nếu giải tỏa đền bù, người dân chỉ nhận được khoảng 40 triệu đồng/m2, song nếu tính theo giá thị trường, người dân có thể bán từ 80-100 triệu đồng/m2. Điều này đã dẫn đến những bất bình trong dân.

Theo ông Thành, nên đất đổi đất và đất đổi phải tương xứng với đất thu hồi và đề nghị tỉnh cần có những điều chỉnh phù hợp về giá đất đền bù cho dân.

Ghi nhận điều này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, sẽ xem xét nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giá đất đền bù và bố trí TĐC phù hợp và khẳng định sẽ hạn chế tình trạng diện tích thu hồi lớn nhưng bố trí TĐC bằng những hộ có diện tích thu hồi nhỏ để đảm bảo công bằng cho người dân.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Năm 2023 là năm tỉnh và TP. Huế triển khai nhiều dự án (DA) trọng điểm nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là nhiệm vụ quan trọng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tiền đề để năm 2024 hoàn thành công tác GPMB các DA trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
ĐỀ ÁN DI DỜI DÂN CƯ KINH THÀNH HUẾ:
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (DDDC, GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng số hộ bị ảnh hưởng giai đoạn 1 khoảng 5.000 hộ, đến nay TP. Huế đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 2.723 lô, đồng thời tiếp tục huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ giai đoạn II.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top