Thể thao trong nước

Bóng đá thời… đổ lỗi

ClockChủ Nhật, 26/02/2017 06:42
TTH - Bóng đá Việt Nam càng đá càng rối nhưng chẳng ai đứng ra giải quyết. Bạo lực sân cỏ, đạo đức cầu thủ, trọng tài… ngày càng xuống cấp. Nhưng mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy khi những người trong cuộc cứ thế đổ lỗi cho nhau.

Pha bắt penalty “kinh điển” của thủ thành Long An. Ảnh: Internet

Từ chuyện của đội tuyển

Đầu năm 2017, trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, bác sĩ thể thao Việt Nam không đủ trình độ, khiến Tuấn Anh, Hoàng Thịnh bị chẩn đoán sai, điều trị không đúng phương pháp và lỡ hẹn tại AFF Suzuki Cup 2016. Ông Thắng nói rằng, hai cầu thủ này là trụ cột, có vai trò quan trọng trong chiến thuật. Tuy nhiên, vì chẩn đoán, điều trị sai của đội ngũ y tế mà người thì lỡ giải, người không thể góp mặt trong những trận quan trọng, ảnh hưởng tới thành tích của đội. Hy vọng thời gian tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ được thuê chuyên gia y tế nước ngoài có trình độ cao.

Nghe qua điều này, chắc chắn sẽ khá nhiều người buồn cười về sự ngụy biện cho thất bại của đội tuyển mà ông Thắng là người chịu trách nhiệm chính, nhất là trong đấu pháp và cách lựa chọn nhân sự. Rõ ràng, tại AFF Cup 2016, đội tuyển Việt Nam đã gây thất vọng khi thua Indonesia ở bán kết. Trước đó ở vòng bảng, Việt Nam cũng có những trận cầu rất chật vật trước Myanmar, Malaysia và Campuchia. Chưa hết, đội bóng áo đỏ còn là đội tuyển chơi xấu nhất giải với 2 thẻ đỏ và rất nhiều thẻ vàng.

Tuy nhiên do trước đó, HLV Hữu Thắng đã mạnh miệng tuyên bố sẽ từ chức nếu đội tuyển Việt Nam không vào chung kết. Thế là, ông Thắng đã tìm lấy cái “phao” cho mình chính là chấn thương trước và trong giải của 2 tiền vệ trụ cột Tuấn Anh và Hoàng Thịnh. Rõ ràng đây là một pha đổ lỗi kiểu “chuyền bóng” cho đội ngũ y tế mà HLV Hữu Thắng áp dụng, vốn không xa lạ gì với văn hóa bóng đá Việt Nam…

Đến V- League

Có lẽ một trong những nghề nguy hiểm, nhiều áp lực nhất ở Việt Nam chính là nghề trọng tài bóng đá. Đã bao mùa giải qua, cứ y như rằng đội nào thua cũng sẽ đổ lỗi cho trọng tài. Đành rằng những tiếng còi thiếu chuẩn xác của các vua sân cỏ đang là nỗi ám ảnh thực sự của nhiều đội bóng. Nhưng cách hành xử của các cầu thủ và lãnh đạo của các CLB V-League cũng vô cùng phản cảm.

Ngay sau sự cố các cầu thủ Long An đứng yên không tham gia thi đấu trên sân Thống Nhất và chịu thua 2-5 trước TP. Hồ Chí Minh sau khi bị trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi phạt 11m, người viết đã liên hệ với một số trọng tài và cựu cầu thủ ở Huế. Họ đều cho rằng, tình huống thổi phạt của trọng tài Thư là chính xác, lỗi rõ ràng là của đội bóng Long An.

Hành động của các cầu thủ Long An chưa từng có tiền lệ ở V-League hay cả ở bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, rõ ràng đây là “giọt nước tràn ly” của một nền bóng đá thiếu chuyên nghiệp, luôn luôn có sự ngờ vực từ chuyện tư tưởng trọng tài đến chuyện mua - bán độ. Bởi vậy, hành động của BHL và các cầu thủ Long An không ngoài mục đích đổ lỗi và trút giận lên trọng tài. Họ đâu biết rằng, ngoài trọng tài họ còn phải tôn trọng đối thủ, tôn trọng BTC và đặc biệt là tôn trọng những khán giả đã mua vé đến xem họ thi đấu. Chưa biết VPF và VFF sẽ xử lý đội Long An ra sao, nhưng những hình ảnh phản thể thao của họ đã là một vết nhơ khó rửa của bóng đá Việt trong mắt người hâm mộ và bạn bè quốc tế…

Vĩ thanh

Không thăng hạng hay rớt hạng thì đổ lỗi do thiếu tiền. Thua trận thì đổ lỗi tại trọng tài xử ép. Không vô địch thì đổ lỗi tại bác sĩ yếu… Cái vòng tròn đổ lỗi cho nhau đó cứ luẩn quẩn khiến bóng đá Việt Nam cứ mãi tụt lùi. Trong khi đó những tiểu xảo, thói xấu ngày một mọc rễ ở V- League.

Những người yêu bóng đá chân chính trong nước thì cứ ước ao bóng đá Việt Nam bao giờ cho đến ngày xưa. Cái ngày xưa khi có những người hâm mộ đạp xe cả trăm cây số để xem cho được Cao Cường, Thế Anh thi đấu. Cái ngày xưa mà mỗi khán giả Huế đều tự hào khi nói “Tui là người quen của Lê Đức Anh Tuấn!”. Còn bây giờ, khán giả phải xem thủ môn quay lưng lại để bắt penalty, còn cầu thủ thì đứng yên nhìn đối phương đi bóng.

Thật buồn!

Thanh Phi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảm xúc vui dần

Sau những khởi đầu không mấy suôn sẻ, cuối cùng thầy trò ông Philippe Troussier cũng đã có những chiến thắng.

Cảm xúc vui dần
Cô gái Huế làm trọng tài ở SEA Games 31

Ngoài những VĐV trẻ tuổi đầy tiềm năng tham gia SEA Games 31 lần này, Cố đô Huế còn vinh dự có sự góp mặt của nữ trọng tài Hoàng Thùy An (sinh năm 1981) ở bộ môn cầu lông.

Cô gái Huế làm trọng tài ở SEA Games 31
Return to top