Thể thao quốc tế

Bóng đá & tiền

ClockThứ Năm, 19/01/2017 10:42
TTH.VN - Thông tin đầu năm mới về bóng đá bàn nhiều về những chuyển nhượng. Bình thường nó không lạ, bởi đây là thời điểm chuyển nhượng mùa đông, diễn ra vào giữa mùa giải ở châu Âu. Đáng nói ở đây là sự xuất hiện của những đại gia đến từ Trung Quốc với những hợp đồng khủng.

Ngôi sao Oscar ( Braxin) đã chọn Trung Quốc để chơi bóng ở tuổi 25. Ảnh: Internet

Có thể kể đến đầu tiên là Carlos Tevez ký hợp đồng với CLB Thân Hoa Thượng Hải. Với những thỏa thuận đã được tiết lộ, ngôi sao đến từ Argentina sẽ nhận 78 triệu đôla cho hai năm thi đấu, tương đương với 812.500 đôla mỗi tuần và đây là mức lương cao nhất thế giới, đủ sức cho những danh thủ hàng đầu thế giới như Messi hay Ronaldo “ngửi khói”. Chuyện về Carlos Tevez chưa nguôi đã lại rộ lên bản hợp đồng của Oscar, ngôi sao người Brazil, với CLB Shanghai SIPG. Dự kiến, mức lương cầu thủ người Brazil nhận được khi đến Shanghai SIPG là 400.000 bảng/tuần. Tại đây, Oscar sẽ thi đấu dưới sự dẫn dắt của cựu HLV Chelsea Andre Villas - Boas.

Cách nay khoảng 40 năm, người ta đã biết đến trường hợp của vua bóng đá Péle quyết định sang Mỹ thi đấu sau khi đã đạt được những vinh quang. Người đời gọi đó là một quyết định “dưỡng già”. Theo bước Péle cũng đã có rất nhiều danh thủ bóng đá thế giới “dưỡng già” bằng cách sang Mỹ hay nhiều nước giàu có khác để kiếm tiền phòng thân khi giải nghệ. Có thể kể đến trường hợp của Zico, Bebeto đến Nhật Bản ở tuổi xế chiều; Batistuta, Cannavaro, Raul Gonzalez, Xavi gần đây sang Trung Đông khi đã không còn đủ sức đua tranh ở châu Âu. Họ nhận được sự cảm thông, bởi đó cũng được xem là cách giúp đỡ các nước giàu có điều kiện phát triển môn bóng đá vua.

Carlos Tevez đã bước sang tuổi 33 và trường hợp của anh giống như những Didier Drogba hay Nicolas Anelka trước kia. Còn Oscar thì khác. Mới 25 tuổi, qua Trung Quốc, anh coi như đã bỏ lại sau lưng niềm kỳ vọng mà giới mộ điệu đặt ra cho anh nhiều năm qua. Có người bảo Oscar rời Chelsea vì chán nản với kiếp dự bị dưới trướng Conte. Thế nhưng với HLV Jurgen Lopp của Liverpool, Oscar sang Thượng Hải là thương vụ tiền bạc không hơn không kém. Không ngôi sao nào đến nền bóng đá hạng ba của thế giới để cứu vãn hoặc phát triển sự nghiệp.

Trung Quốc và cả Brazil nữa đã làm thay đổi tất cả. Nếu Trung Quốc là kẻ vung tiền thì Brazil là nơi có rất nhiều cầu thủ vì tiền mà giữa chừng dứt bỏ cuộc chơi. Oscar không phải là trường hợp hiếm. Trước đó, một tuyển thủ Brazil khác là Ramires, ở tuổi 28, cũng rời Chelsea để sang Giang Tô Suning với phí chuyển nhượng 36 triệu đôla. Trong danh sách triệu tập gần nhất của đội tuyển Brazil, có tới ba cầu thủ hiện chơi bóng ở Trung Quốc, trong đó Paulinho và Renato Agusto là trụ cột ở tuyến giữa, còn Gil dự bị. Chuyện các cầu thủ tên tuổi ở Brazil thi đấu ở châu Á chẳng còn xa lạ gì.

Serie A năm xưa, Premier League hay La Liga hiện tại, nhờ sức mạnh tiền bạc, đã và đang là nơi tập hợp những cầu thủ hay nhất thế giới, trong đó có vô số người Brazil. Với sự trỗi dậy từ Trung Quốc, xu hướng ấy đang dịch chuyển sang quốc gia Đông Á này, theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”. Tuy nhiên, ở đây có một sự khác biệt. Premier League, La Liga hay các giải bóng đá hàng đầu châu Âu là nơi có nền bóng đá đỉnh cao phát triển. Đến đây các cầu thủ có cả tiền và cả điều kiện tốt nhất để phát triển tài năng bóng đá. Còn với Trung Quốc, đó chỉ là tiền và đấy không phải là điều hay ho dành cho môn thể thao vua. Nó cũng được xem là lý do sâu xa khiến bóng đá Brazil ngày càng xuống cấp trong thời gian gần đây.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ đến... dài cổ!

Cùng với CLB Huế đang thi đấu ở Giải hạng Nhất Quốc gia, CLB Thể Công - Viettel ở sân chơi V. League nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Cố đô, bởi ở đội bóng này có bộ đôi cầu thủ gốc Thừa Thiên Huế là Hữu Thắng và Danh Trung.

Chờ đến  dài cổ
Return to top