ClockThứ Hai, 07/11/2016 14:04

Brexit có thể bị trì hoãn và những hệ lụy với nước Anh

Chính phủ Anh cho biết sẽ kháng cáo quyết định của Tòa án Thượng thẩm trao quyền cho Quốc hội quyết định việc khởi động tiến trình Brexit.

Mỹ thúc giục Anh và EU đàm phán êm thấm, linh hoạt về BrexitCác ngân hàng lớn sẽ rời khỏi Anh sau BrexitLãnh đạo EU tìm cách đoàn kết hậu BrexitKinh tế Anh đối mặt với sự sụt giảm mạnh do Brexit

Với quyết định này, tiến trình Brexit có thể bị trì hoãn. Trong khi đó, người ta nói tới khả năng Anh vẫn có thể thay đổi ý định rời khỏi EU kể cả sau khi đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon - bước đi chính thức khởi động tiến trình Brexit.

brexit co the bi tri hoan va nhung he luy voi nuoc anh hinh 1
Ảnh minh họa: Reuters
Những gì đang diễn ra tại nước Anh hiện nay cho thấy đang tồn tại những mâu thuẫn mới trong giới thượng tầng chính trị tại Anh. Điều này, phần nào phản ánh sự bối rối và thiếu nhất quán trong việc xử lý vấn đề Brexit ở quốc gia này.

Đây được coi là một cuộc chiến giữa hai nhánh quyền lực của nước Anh, một bên là hành pháp mà đại diện là Chính phủ của Thủ tướng Theresa May và một bên là lập pháp, tức Nghị viện Anh, nói chính xác hơn có thể xem là một tranh cãi về Hiến pháp.

Toà Thượng thẩm London đưa ra phán quyết Chính phủ Anh phải thực thi quá trình bỏ phiếu tại Nghị viện Anh nếu muốn khởi động điều 50 của Hiệp ước Lisbon, vì họ ủng hộ lập luận của Nghị viện Anh rằng trong Hiến pháp Anh, quyền lực tối cao thuộc về Nghị viện và một luật đã được Nghị viện thông qua thì chỉ có thể bị bác bỏ bởi chính Nghị viện. Ở đây chính là luật về việc nước Anh gia nhập Liên minh châu Âu năm 1972.

Nói cách khác, Nghị viện Anh cho rằng chỉ có cơ quan quyền lực này mới có quyền quyết định việc nước Anh có rời EU hay không vì trong quá khứ, việc gia nhập EU chính là do Nghị viện Westminster thông qua.

Chính phủ Anh thì phản đối điều này dựa vào viện dẫn đó là “quyền hành xử thay mặt Hoàng gia”, tức Chính phủ đang thay mặt Hoàng gia Anh thực thi quyền hành pháp.

Tuy nhiên, điều này bị Toà Thượng thẩm London bác bỏ với lập luận rằng suốt mấy trăm năm nay, quyền lực tối cao ở nước Anh thuộc về Nghị viện. Chính vì tranh cãi về khía cạnh Hiến pháp này nên Chính phủ Anh mới nộp đơn kháng cáo lại phán quyết của Toà thượng thẩm lên Toà án tối cao Vương quốc Anh, nơi có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 12 thì Toà tối cao Anh mới thụ lý khiếu nại này từ phía chính phủ Anh.

Với những động thái vừa nêu thì rất có khả năng tiến trình Brexit sẽ bị lùi lại. Điều này đồng nghĩa với khả năng Thủ tướng Theresa May không có quyền hành pháp để kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, để có thể bắt đầu tiến trình Brexit, thậm chí Quốc hội Anh vẫn có thể thay đổi ý định rời khỏi EU.

Nhiều người đã nói đến khả năng Brexit bị phong toả hay thậm chí là nước Anh có thể đảo ngược quyết định từ cuộc trưng cầu dân ý và sẽ ở lại với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra. Thứ nhất, Brexit là kết quả đã được 52% người dân Vương quốc Anh lựa chọn sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy kết quả trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc về luật pháp nhưng đó là hình thức dân chủ tối cao nên ở một quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời bậc nhất thế giới như Vương quốc Anh, việc đi ngược lại ý nguyện của dân chúng là điều rất khó có thể xảy ra.

Cần lưu ý rằng đa số các nghị sĩ quốc hội Anh, cả ở Hạ viện lẫn Thượng viện, đều phản đối Brexit nhưng họ là các nghị sĩ do cử tri Anh bầu ra nên cả về mặt thực tiễn lẫn truyền thống chính trị, họ khó có thể phớt lờ lựa chọn của dân chúng Anh.

Tiếp đến, cuộc tranh cãi hiện nay giữa Chính phủ Anh với Nghị viện mang màu sắc của một cuộc chiến quyền lực giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp hơn là một ý định thực sự về việc đảo ngược kết quả Brexit.

Nghị viện Anh không muốn đóng vai trò phụ trong tiến trình này và họ đang sử dụng vũ khí hiến pháp để lấy lại quyền quyết định một sự việc trọng đại như Brexit.

Có nghĩa là trong tương lai, khi nước Anh khởi động quá trình rời EU, vai trò của Nghị viện Anh trong việc đàm phán các điều khoản cụ thể sẽ quan trọng hơn so với hiện nay, khi Chính phủ của bà Theresa May đang có xu hướng tự quyết định mọi việc, từ lộ trình cho đến chiến lược đàm phán với Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Theresa May có thể sẽ phải kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm nếu muốn thúc đẩy kế hoạch của mình. Con đường Brexit của nước Anh trở nên khó khăn hơn với quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, cũng đã có ý kiến cho rằng, sự can thiệp của Quốc hội Anh có thể sẽ làm giảm khả năng về một kịch bản “Brexit cứng” –điều mà EU đe dọa sẽ trả đũa lại nếu nước Anh áp dụng, bằng các đòn trừng phạt lớn về kinh tế.

Kịch bản tổng tuyển cử sớm đã được nói đến trong vài ngày qua, dù trước đó thì bà Theresa May từng nhiều lần khẳng định rằng không cần thiết phải tổng tuyển cử trước thời hạn vào năm 2020. Tuy nhiên, để kịch bản bầu cử sớm diễn ra trong 2017 thì cần nhiều yếu tố. Trước hết là ở thái độ của các nghị sĩ Anh đối với các cuộc đàm phán với EU.

Nếu Nghị viện Anh can thiệp quá nhiều vào việc đàm phán của chính phủ Anh với EU, tức là để cho bà Theresa May quá ít không gian để hành động thì rất có thể bà May sẽ cho tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Một trong những yếu tố có thể khiến bà May và đảng Bảo thủ tự tin hành động hơn đó là vị thế của chính đảng đối lập lớn nhất với đảng Bảo thủ là Công đảng hiện đang suy giảm rất nhiều, cả về mặt tổ chức lẫn ở hình ảnh người lãnh đạo là ông Jeremy Corbyn.

Tuy nhiên, kịch bản này hiện mới chỉ được nhắc đến ở mức độ vừa phải, bởi ít nhất phải chờ đến tháng 12/2016 sau quyết định của Toà tối cao Vương quốc Anh. Chính phủ của bà Theresa May thì vẫn khẳng định sẽ giữ nguyên mục tiêu sẽ khởi động quá trình rời EU trước tháng 3/2017.

Về tổng thể thì trong câu chuyện này, nhiều nhà phân tích ở Anh cũng cho rằng, việc Nghị viện Anh thể hiện quyền lực trong thời điểm này có nguyên do quan trọng là lo ngại “hard Brexit”, tức lo ngại Chính phủ của bà May, vốn là người ủng hộ Brexit, có thể quá cứng rắn trong các đàm phán với EU và khiến nước Anh phải hứng chịu các hậu quả như không được gia nhập thị trường chung châu Âu hay công dân Anh không được tự do di chuyển trong Schengen…

Đa số các Nghị sĩ Anh phản đối Brexit và dù có ít khả năng họ bác bỏ Brexit nhưng các Nghị sĩ này đang hành động, một là để lấy lại quyền lực cho Nghị viện, hai là để Brexit diễn ra một cách ít thiệt hại nhất.

Cũng phải nói rằng, quyền lực của bà Theresa May phần nào đang bị thách thức là bởi bà May được đảng Bảo thủ lựa chọn lên làm Thủ tướng Anh thay ông David Cameron từ chức chứ không phải là sau một cuộc bầu cử nên vị thế chính trị của bà chưa thật sự vững chắc./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh thắt chặt các biện pháp thị thực để giảm di cư ròng

Theo tin từ Reuters ngày 5/12, Bộ Nội vụ Anh vừa công bố kế hoạch cắt giảm số lượng người di cư đến nước này bằng các con đường hợp pháp, trong bối cảnh Thủ tướng Rishi Sunak phải đối mặt với áp lực giải quyết số di cư ròng cao kỷ lục.

Anh thắt chặt các biện pháp thị thực để giảm di cư ròng
Tăng cường hiểu biết và hợp tác toàn cầu để phát triển AI an toàn, có đạo đức

Trong phát biểu sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (AISS) diễn ra tại Anh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, các quốc gia cần hợp tác cùng nhau để hiểu rõ hơn về trí tuệ nhân tạo (AI) một cách đúng đắn để phát triển và triển khai Frontier AI, cũng như định hình các biện pháp bảo vệ nó.

Tăng cường hiểu biết và hợp tác toàn cầu để phát triển AI an toàn, có đạo đức
Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu

Đúng theo quy luật cung cầu - mặt hàng nào khan hiếm thì giá sẽ cao. Nhiều nguồn tin cho hay những ngày vừa qua, cát tại đồng bằng sông Cửu Long “khan hiếm lạ thường”. Nó cũng hé lộ ra một thông tin là sự khan hiếm này có liên quan đến vụ khai thác cát lậu ở An Giang và ngay Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường An Giang cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc câu kết với mỏ cát khai thác trái phép.

Nhiều hệ lụy từ tài nguyên lậu
Return to top