ClockThứ Năm, 20/09/2018 21:43

Bức “Long vân khế hội” và câu chuyện trùng tu Diệu Đế Quốc tự

TTH.VN - Khi công cuộc đại trùng tu Diệu Đế Quốc tự (110 Bạch Đằng, TP. Huế) bắt đầu cũng là lúc bức bích họa “Long vân khế hội” hay còn gọi “Cửu long ẩn vân” ở trần chánh điện chùa này mới được giới chuyên gia, nghiên cứu về bảo tồn tìm hiểu.

Tìm phương án bảo tồn bức tranh Cửu long ẩn vân ở chùa Diệu ĐếHàng ngàn người tham gia lễ rước Phật cầu quốc thái dân an

“Long vân khế hội” bên trong chánh điện Diệu Đế Quốc tự dù được đánh giá tuyệt tác nhưng đang xuống cấp

Bức “Long vân khế hội” được vẽ trên trần và 4 cột trụ của chánh điện chùa Diệu Đế với các nét vẽ sắc sảo, thể hiện hình tượng các con rồng uốn lượn ở bốn cột trụ lớn cũng như trên trần chánh điện ẩn hiện trong những đám mây. Tuy nhiên, trải qua thời gian bức bích họa này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, màu sắc hoen ố, loang lổ ẩm mốc...

Mới đây, trong quá trình đại trùng tu, chùa đã tạo điều kiện cho các cán bộ, chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vào khảo sát, đánh giá về chất lượng công trình, độ bền và tuổi thọ của các loại vật liệu, nhất là khu vực trần điện và hệ khung mái để tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị bức tranh.

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giúp đỡ nhằm đưa ra giải pháp phù hợp, nhưng phải đảm bảo an toàn cho công trình và nhất là tính mạng cho chư tăng hàng ngày tụng kinh tại chánh điện và Phật tử cũng như du khách thường xuyên lui tới tham quan và sinh hoạt tại chùa Diệu Đế”, đại diện nhà chùa mong muốn.

Các quý thầy trong chùa kể rằng, chánh điện chùa Diệu Đế hiện tại không phải là chánh điện cũ qua các lần trùng tu được ghi lại trong sách sử triều Nguyễn. Thật ra, chánh điện này được Hòa thượng Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại), công việc này được thực hiện từ năm 1953 đến 1955 thì hoàn thành.

Lễ khánh thành được tổ chức vào năm 1955. Và bức “Long vân khế hội” được vẽ trong giai đoạn từ 1953-1955, chứ không phải được vẽ từ thời Khải Định như một số thông tin đã đưa. Trần của chánh điện không phải được đúc bằng bê tông cốt thép vững chắc mà được làm theo lối rải lưới thép trát vữa, chất lượng khá thấp. Còn nói về tác giả, cho tới thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính xác của tác giả nào, mặc dù chùa đã liên hệ được với một số người từng sống tại chùa Diệu Đế trong giai đoạn từ năm1951 trở về sau để tìm hiểu.

Ngôi chánh điện Diệu Đế Quốc tự đang xuống cấp nghiêm trọng và chuẩn bị được trùng tu, bên trong điện có bức “Long vân khế hội” 

“Chùa được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844 (năm Giáp Thìn, Thiệu Trị tứ niên), kết cấu gỗ theo lối kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn – vốn phát triển lên từ kiểu kiến trúc nhà rường Huế. Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, quy mô về sau tuy không bằng ban đầu, nhưng vẫn giữ theo kiểu kiến trúc cũ cho đến năm 1951.

Lần trùng tu chánh điện cuối cùng theo kiến trúc cũ được ghi lại theo Châu bản triều Nguyễn là năm Thành Thái thứ 18 (1906), sau đó vào năm Khải Định thứ 2 (1917), có trùng tu lầu chuông lầu trống, la thành. Và từ đó cho đến năm 1951 trước lúc chánh điện chùa Diệu Đế được triệt hạ, chúng tôi chưa tìm thấy được tài liệu ghi về việc trùng tu chùa Diệu Đế”, quý thầy chùa Diệu Đế khẳng định.

Hiện trạng ngôi chánh điện chùa Diệu Đế thời điểm này xuống cấp nghiêm trọng, trần chánh điện đã bị nứt và có dấu hiệu võng xuống... Điều này gây nguy hiểm cho những người đang sống và sinh hoạt tại chùa. Trên thực tế, hai nóc quyết của chùa cũng đã hỏng và rơi xuống, rất may là bị rơi vào ban đêm nên chưa gây ra tai nạn đối với con người.

Trong lần đại trùng tu này, phần chánh điện của nhà chùa được thiết kế dựa trên căn cứ theo lối kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn, nhất là dựa theo kiến trúc của Điện Long An – hiện là Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (công trình được vua Thiệu Trị cho xây dựng cùng thời với chùa Diệu Đế). Tất nhiên, chùa không đủ khả năng để làm được một công trình tinh xảo và đồ sộ như điện Long An mà chỉ là cố gắng làm sao có được ngôi chánh điện theo lối kiến trúc vốn có từ buổi đầu của chùa.

“Quá trình trùng tu chùa, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ từ nhiều năm trước sau khi khảo sát, tìm hiểu tư liệu... Ngoài ra, việc trùng tu cũng được Sở Xây dựng cấp phép cũng như có sự đồng ý của Sở Văn hóa - Thể thao, Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh”, quý sư thầy cho hay.

Hơn 32 tỷ trùng tu chùa Diệu Đế

Phối cảnh tổng thể Diệu Đế Quốc tự sau đại trùng tu

Diệu Đế Quốc tự được Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam làm lễ khởi công, đặt đá đại trùng tu chùa Diệu Đế vào tháng 6 vừa qua với kinh phí hơn 32 tỷ đồng. Theo đó, với công trình chánh điện sẽ được hạ giải làm mới theo kiến trúc nhà rường bằng gỗ. 

Việc trùng tu chùa nhằm bảo tồn tổng thể loại hình kiến trúc chùa Huế triều Nguyễn, đáp ứng không gian cho các hoạt động Phật sự, nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Đây là nơi, hàng năm đến mùa Phật Đản diễn ra lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế.

Ngày 13/9 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn phối hợp cùng với nhà chùa có buổi tọa đàm nói về bức tranh. Trước đó, đoàn khảo sát, tranh luận về lịch sử, giá trị của bức tranh. Tương truyền, bức tranh này được nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thực hiện.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đề nghị, chùa Diệu Đế tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát đánh giá về chất lượng công trình, độ bền và tuổi thọ của các loại vật liệu, nhất là khu vực trần điện và hệ khung mái. Đồng thời đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để bổ sung tài liệu và đề xuất các giải pháp phù hợp hơn. Trước đó, để đảm bảo lưu trữ dữ liệu lâu dài, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu phục hồi tác phẩm này một cách khoa học, chân xác các chuyên gia đã cho scan 3D toàn bộ bức tranh.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành làm nức lòng cán bộ và người dân xứ Huế. Những người yêu Huế, những người nặng lòng và quan tâm đến văn hóa Huế tin tưởng phố cổ Gia Hội sẽ có cơ hội và tương lai trong dòng chảy chung ấy...

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”
Đội mưa xem lễ rước Phật

Đông đảo Tăng ni, Phật tử cùng quan khách, du khách và người dân đã cùng tham gia nghi lễ rước Phật từ Quốc tự Diệu đến lên Tổ đình Từ Đàm chiều 14/5, cùng nhau nguyện cầu quốc thái dân an, hoà bình thế giới.

Đội mưa xem lễ rước Phật
Sẽ giữ lại bức tranh “Long vân khế hội” ở chùa Diệu Đế

Thông tin này được Đại đức Thích Hải Đức – giám tự chùa Diệu Đế cho biết vào sáng 24/12. Thay vì hạ giải trần chánh điện nơi có bức bích họa “Long vân khế hội” thì nay sẽ giữ nguyên trạng để phục vụ cho quá trình bảo tồn.

Sẽ giữ lại bức tranh “Long vân khế hội” ở chùa Diệu Đế
Return to top