ClockThứ Hai, 07/02/2011 05:09

Bức Trấn phong của người Lưu Cầu

TTH - Tháng 10/2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) tham dự hội thảo Nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên do Viện Nghiên cứu về Tương tác Văn hóa (Đại học Kansai) phối hợp với Đại học Ryukyu (Lưu Cầu) tổ chức.

Quần đảo Okinawa với khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ, là lãnh thổ của vương quốc Lưu Cầu xưa, vốn tồn tại độc lập với đế chế Nhật Bản. Là một vương quốc biển – đảo nên dấu ấn của văn hóa biển ảnh hưởng đậm nét trong lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của người Lưu Cầu. Nhưng điều thú vị nhất, theo tôi, chính là sự ảnh hưởng của văn hóa biển trong kiến trúc nhà ở của họ.

Trong chương trình hội thảo, ban tổ chức có bố trí cho các đại biểu đi thăm một số bảo tàng và di tích trên đảo Okinawa. Khi đến thăm Bảo tàng Okinawa, tôi tranh thủ ghé vào khu trưng bày ngoài trời, là nơi tái hiện nhiều kiểu thức kiến trúc nhà ở dân gian của người Lưu Cầu với tỉ lệ thực 100%. Và tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy một bức bình phong án ngữ ở ngay lối vào. Đã từng du học ở Nhật Bản trong gần một năm và đã lang thang nhiều nơi ở Nhật Bản nhưng tôi chưa khi nào bắt gặp một bức bình phong trong kiến trúc nhà ở của người Nhật.

Hai con sisha trấn giữ trước giảng đường khoa Văn học trong khuôn viên Trường Đại học Ryukyu.
Chỉ vào bức bình phong, tôi hỏi TS. Itai Hedenobu, đến từ Đại học Okinawa và là người Lưu Cầu chính hiệu: “Vì sao người ta xây bức tường đá ở đây?”. TS. Itai Hedenobu trả lời: “Đây là bức trấn phong, người Lưu Cầu dựng trước nhà với hai mục đích: về tâm linh, nó ngăn cản những điềm gở hay uế khí xâm nhập vào nhà, có thể gây phương hại cho chủ nhân; về thực tiễn, nó có tác dụng ngăn chặn những cơn gió chướng từ biển khơi thốc thẳng vào nhà. Lưu Cầu là xứ đảo, hứng chịu nhiều phong ba bão tố. Có bức trấn phong án ngữ phía trước, thì ngôi nhà sẽ kín đáo và ấm cúng hơn rất nhiều”.
Tôi nói với TS. Itai Hedenobu: “Ở xứ Huế quê tôi, trước ngôi nhà người ta cũng dựng bức bình phong tương tự như trấn phong của người Lưu Cầu. Có điều, bình phong xứ Huế chú trọng về chức năng tâm linh hơn là công dụng thực tế; chủ yếu là để ngăn cản các uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, khiến cho ngôi nhà trở nên an toàn hơn. Vì thế, bình phong trước ngôi nhà của người Huế có thể làm từ đá, gạch, hay trồng những loại cây đặc trưng để tạo thành bình phong. Do không chú trọng đến chức năng ngăn gió như trấn phong của người Lưu Cầu nên ở Huế có những bình phong “rỗng”, gió có thể luồn qua dễ dàng”.

Bình phong trước phủ thờ Phong Quốc Công ở Huế và Hệ thống trấn phong, tường đá và bia Thạch cảm đương trong kiến trúc nhà ở của người Lưu Cầu.
TS. Itai Hedenobu cũng rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói người Huế cũng dựng trấn phong trước nhà ở. Hóa ra, hai xứ sở ở cách nhau vạn dặm, không có mối liên quan về lịch sử nhưng lại có những nét văn hóa tương đồng. Nhân tiện, ông cũng cho tôi hay rằng trên đảo Yaeyama, một hòn đảo nhỏ ở phía nam đảo chính Okinawa, có một cộng đồng người Lưu Cầu gốc Việt đang sinh sống. Theo gia phả của những người này thì họ là những lưu dân lưu lạc đến Lưu Cầu từ thế kỷ 16. Lúc đầu, họ cư trú tại những vùng đất thấp ven biển, đến năm 1771, một trận sóng thần đã cuốn trôi nhiều nhà cửa và sinh mạng của họ, nên cộng đồng này đã di chuyển đến những hòn đảo cao hơn ở xung quanh để sinh sống. Nhà ở của họ cũng có những bức trấn phong án ngữ phía trước. Tôi nói đùa: “Hay là những người này đem kiểu kiến trúc bình phong trong ngôi nhà Huế du nhập vào đảo quốc Lưu Cầu?”. TS.Itai Hedenobu cũng dí dỏm đáp trả: “Biết đâu đấy!”.
Hôm sau, trong hành trình thăm thú các cổ tích ở Okinawa, tôi có dịp viếng thăm một số nhà ở truyền thống của người Lưu Cầu và tiếp tục bắt gặp những bức trấn phong “kiểu Lưu Cầu”. Phần lớn những bức trấn phong này đều làm bằng đá hoặc gạch. Nhà của người Lưu Cầu thường nằm trên những ngọn đồi cao ở sát biển, nên thường hứng chịu gió biển và bão lốc. Vì vậy, không chỉ trấn phong mà hệ thống tường rào quanh nhà cũng làm bằng đá tảng rất kiên cố. Đặc biệt, trước cổng hay trên mái nhà, người Lưu Cầu thường gắn một hoặc hai linh thú, gọi là sisha. Đó là con sư tử biểu trưng cho văn hóa Lưu Cầu. Nếu bức trấn phong có tác dụng ngăn cản chướng khí và cuồng phong tràn vào nhà thì sisha là linh thú bảo vệ ngôi nhà khỏi sự xâm nhập của các loại ma quỷ. Vì thế, sisha không chỉ trấn giữ trước nhà ở dân gian mà còn án ngữ trước các công sở, trường học, ngân hàng… ngăn không cho ma quỷ hoành hành, quấy nhiễu ở những nơi này.

Bức trấn phong bằng đá trắng trước ngôi nhà truyền thống của người Lưu Cầu và Linh thú sisha trấn giữ trên mái nhà.
Hỗ trợ cho sisha còn có những tảng đá, trên đó có khắc ba chữ Hán Thạch cảm đương. Đây là phong tục ảnh hưởng từ Trung Hoa. Người Trung Hoa cho rằng những ngôi nhà nằm ở thế “hổ vĩ” theo quan niệm của phong thủy, thường bị ma trêu. Nếu có cúng bái, lễ lạt, phù chú thì cũng chỉ xoa dịu tạm thời. Vì thế muốn yên ổn lâu dài, phải mời một vị thần hộ vệ về trấn giữ trước nhà. Thần ấy ở núi Thái Sơn, một trong ngũ nhạc (năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc: Thái Sơn, Cao Sơn, Hoa Sơn, Hoàng Sơn và Hằng Sơn). Do vậy, người ta rước một hòn đá có khắc năm chữ Hán Thái Sơn thạch cảm đương (Đá Thái Sơn trấn giữ ở đây) đem chôn phía trước cổng nhà, coi như có thần Thái Sơn đang bảo hộ cho gia thất. Phong tục này cũng du nhập vào Việt Nam, khá phổ biến ở Bắc bộ và hiện đang là một trào lưu thời thượng ở Hà Nội và các vùng lân cận. Tuy nhiên, những hòn đá trấn trước cổng nhà của người Lưu Cầu thường chỉ ghi ba chữ Thạch cảm đương mà thôi.
Vậy là, kiến trúc nhà ở của người Lưu Cầu vừa mang đậm những tính cách đặc trưng của kiến trúc nhà ở của cư dân vùng biển với hệ thống tường rào và kết cấu khung nhà kiên cố, vừa ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong việc trấn yểm, lại vừa mang đậm phong cách Nhật Bản trong bài trí nội thất. Song, điều thú vị nhất đối với tôi chính là sự tương quan giữa trấn phong trong kiến trúc nhà ở của người Lưu Cầu với bình phong trong kiến trúc nhà ở của người Huế.
Đặc biệt, Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam có các bức bình phong tọa lạc ở đằng trước kiến trúc nhà ở dân gian, thì Lưu Cầu quốc (nay là tỉnh Okinawa) cũng là nơi duy nhất ở Nhật Bản có điều tương tự. Còn bình phong hay trấn phong, chẳng qua cũng chỉ là những tên gọi mà thôi.
Trần Đức Anh Sơn
Lưu Cầu - Thuận Hóa cuối năm Canh Dần
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên
Return to top