ClockChủ Nhật, 11/08/2019 09:44

Bức tranh tuyển sinh 2019: Thí sinh giỏi ưu tiên khối ngành khoa học

Sau hai ngày công bố điểm chuẩn đại học, dư luận không khỏi bất ngờ trước bức tranh tuyển sinh 2019, khi điểm chuẩn các khối ngành sư phạm, khoa học máy tính lên ngôi. Còn điểm chuẩn các khối ngành công an, quân đội lại giảm hơn so với năm trước.

Điểm trúng tuyển cao nhất của Trường đại học Phú Xuân là 22,5Điểm chuẩn đợt 1 các ngành của Đại học Huế từ 13 – 25 điểmTối nay, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn năm 2019Trường đại học tốp đầu tuyển 50% thí sinh bằng học bạ cấp THPT

Khoa học máy tính lên ngôi

PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: 33% nhập học của top 1% điểm khối A cao nhất toàn quốc đã trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội; 60% thí sinh trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội theo tổ hợp A00 thuộc top 5% toàn quốc.

Ngày 10/8, ĐH Bách khoa Hà Nội đón khoảng 1.400 tân sinh viên đến đăng ký nhập học trực tiếp. Ảnh: Trần Văn Tớp

Điểm trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội ở mức từ 20 - 27,42 điểm. Trong đó, chuyên ngành Khoa học máy tính soán ngôi với 27,42 điểm, tăng 2,4 điểm so với năm 2018. Chương trình tiên tiến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là một ngành mới năm nay của trường nhưng cũng có mức điểm trúng tuyển khá cao là 27 điểm và thu hút được thí sinh có điểm cao.

Không chỉ khởi sắc với ngành mới, ngành có vị thế, những ngành khác của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn tăng. Đó là, ngành Kỹ thuật cơ điện tử tăng 2,15 điểm; Kỹ thuật Điều khiển - tự động hóa tăng 2,15 điểm; Kỹ thuật Máy tính tăng 3.35 điểm. “Thậm chí, năm nay trường đón học sinh nước ngoài đến đăng ký học chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”, PGS TS Trần Văn Tớp nói.

Ngành Khoa học máy tính ở trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng là ngành được thí sinh “chuộng” và có mức điểm cao nhất. Mức điểm chuẩn vào ngành này ở trường là 25 điểm, tăng 3 điểm so với năm ngoái.

Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính ở ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội là 23,7 điểm, tăng 2,2 điểm so với năm ngoái.

Điều mới trong bức tranh điểm chuẩn năm nay chính là sự khởi sắc với ngành sư phạm. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh khối A00 của ĐH Sư phạm Hà Nội là 26,4 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2018 và gần với điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Sau gần 20 năm, năm nay trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới có thí sinh huy chương vàng Olympic Toán quốc tế đăng ký tuyển thẳng vào học. Trường còn đón nhận hơn 100 thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia tuyển thẳng. Có thể thấy ngành sư phạm bắt đầu nhận được sự quan tâm của thí sinh. Mặc khác, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên và khoa học giáo dục của ĐH Sư phạm Hà Nội từ 18-26,4 điểm.

Điều đáng nói, lựa chọn của nhiều thủ khoa các khối không còn dành cho khối ngành công an, quân đội nữa. Nhìn vào mức điểm chuẩn của các trường khối quân đội cho thấy, mức điểm chuẩn của trường Sĩ quan phòng hóa giảm mạnh. Điểm chuẩn năm nay vào trường ở tổ hợp A00 và A01 là 15 điểm. Trong khi đó mức điểm chuẩn vào trường năm 2018 thí sinh miền Bắc là: 20,6 điểm, miền Nam là: 19,05 điểm.

Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2019 khiến dư luận bất ngờ. Theo đó, điểm chuẩn các ngành Nghiệp vụ Cảnh sát phía Bắc với thí sinh nam năm nay giảm mạnh so với 2018. Thậm chí, điểm chuẩn ngành này ở khối A01 giảm đến 7,53 điểm, từ 27,15 của năm 2018 giảm còn 19,62 điểm. Ở tổ hợp xét D01, năm ngoái điểm chuẩn là 24,65 thì năm nay còn 19,88. Khối C01 của ngành này cũng giảm 1 điểm.

Tỷ lệ nhập học cao

Bên cạnh việc thay đổi ưu tiên cho những nhóm ngành, ngành học của thí sinh, năm nay, tỷ lệ thí sinh nhập học tăng. Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với 2018 (năm 2019 là 35.147; năm 2018 khoảng 17.469). Lý do là năm nay các trường mở rộng các hình thức xét tuyển khác. Con số thống kê chỉ tiêu từ đầu cũng cho thấy điều đó. Nếu các năm trước, khoảng 75% chỉ tiêu lấy từ điểm thi thì năm nay con số này là 70%.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc các trường mở rộng diện ưu tiên xét tuyển, tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực... và công bố trúng tuyển trước khi xét đợt I mở rộng như trên cũng có nhiều điểm tích cực là các trường tự chủ hơn, trải nghiệm những hình thức xét tuyển khác trên phạm vi hẹp để nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn tuyển. Đây là cơ sở để sau này trường có thể tuyển sinh quanh năm, giảm áp lực cho thi cử...

“Thực tế cho thấy, hầu hết các trường xét tuyển trước đều là những trường uy tín thì mới có sức hút thí sinh xác nhận nhập học trước. Khi tuyển học bạ, trường thường kết hợp với các điều kiện các như được giải của tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, ACT... nên phương thức này có thể tin cậy, mở rộng trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top