ClockChủ Nhật, 02/12/2018 12:31

Bùi Hữu Thiện & giấc mơ tiến sĩ ảo thuật đầu tiên của Huế

TTH - Sau khi ra trường, Thiện có công việc ổn định nhưng đùng một cái, anh bỏ nhà ra đi trong sự ngăn cấm của gia đình. Thiện sang Thái Lan để theo đuổi đam mê theo con đường chuyên nghiệp, bài bản…

Xiếc đường phốGiới trẻ với ảo thuật đường phố

Bùi Hữu Thiện đam mê ảo thuật từ nhỏ

1. Thực ra, tôi quen Bùi Hữu Thiện (24 tuổi, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) từ khi cậu chập chững bước vào Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Lúc ấy, Thiện còn non choẹt với những lá bài trên tay, ngoài giờ học cậu lân la khắp các đường phố để biểu diễn, vừa thỏa mãn đam mê, vừa góp vui cho du khách.

Bùi Hữu Thiện đến với ảo thuật đường phố qua những lần theo “hầu” đàn anh đi diễn; lên mạng tìm tòi những bài học cơ bản, như chim bồ câu, quạt, đồng xu… rồi tích cóp tiền bạc mua đạo cụ để tập tành làm “phù thủy”. Với Thiện, ảo thuật chẳng ai dạy mà anh tự dạy mình. Dần dà anh biết được cách thức xòe những lá bài một cách mềm mại, “biến” giấy thành tiền, biến bồ câu chui ra từ trong cánh hoa…

Từ trước đến nay, ngoài những thành phố lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ảo thuật đường phố xuất phát từ giới trẻ tại Huế chẳng đáng là gì, mặc dầu đường phố Huế về đêm có rất nhiều tiềm năng cho bộ môn này phát triển. Tôi nhiều lần tiếp xúc với những người trẻ mê ảo thuật ở Huế nhưng đa phần chẳng mấy ấn tượng. Hầu như những tiết mục biểu diễn thường dừng ở dạng “múa máy” chứ chưa đạt đến trình nghệ thuật đường phố. Và Thiện cũng vậy, dù tham gia một CLB ảo thuật đường phố nhưng lúc ấy cũng chỉ để làm sinh động thêm cho Huế bằng nhưng trò mua vui giản đơn. “Thời sinh viên, đôi lúc cũng vì ham ảo thuật em lơ là việc học, suốt ngày lang thang các quán cà phê với các buổi offline cùng đàn anh để được chỉ bày. Mặc dù em chỉ tham gia CLB ảo thuật nho nhỏ nhưng được khá nhiều người biết đến bởi nói đến ảo thuật đường phố lúc ấy ngoài CLB của tụi em hầu như chẳng có ai tham gia hoạt động thường xuyên”, Thiện nói.

Đến với ảo thuật, ít ai biết rằng, Thiện phải đánh đổi khá nhiều thứ. Như lời Thiện kể, không những lơ là việc học mà còn sau khi ra trường có công việc mơ ước với nhiều người nhưng Thiện lại bỏ ngang. Chàng thanh niên trẻ còn gặp không ít khó khăn khi người thân, gia đình ngăn cấm. “Gia đình em đa số đều là cán bộ Nhà nước. Em học ra trường, được nhận vào công ty xăng dầu cũng là mơ ước của ba mẹ em nhưng chỉ sau thời gian ngắn làm việc, em nhận thấy công việc này không phù hợp và bỏ ngang trong sự thất vọng của gia đình”, Thiện chia sẻ.

Trong câu chuyện với Thiện, khi nhắc đến gia đình, anh dường như thấy có lỗi: “Bởi vì đam mê ảo thuật em làm trái ý ba mẹ, vứt bỏ nhiều năm đèn sách để đổi lấy một tương lai mà chỉ biết tự lập để thành công, thiếu đi chỗ dựa vững chắc từ nhiều người”.

Hơn 3 tháng làm việc ở công ty xăng dầu, Thiện dành hẳn 1 tháng để suy nghĩ trước khi dứt áo “ra đi”. Bằng số tiền tích cóp từ thời gian làm việc và diễn ảo thuật rong hàng đêm, Thiện đặt vé máy bay sang Thái Lan, điểm đến là Học viện Ảo thuật Quốc tế Thái Lan, để theo đuổi đam mê mà gia đình không hề hay biết. Lúc ấy, chàng thanh niên hơn 20 tuổi chỉ suy nghĩ rằng: “Đất dành cho ảo thuật gia ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung không lớn. Diễn ảo thuật ở Huế vẫn chưa nhiều người biết đến nên Thiện phải tìm hướng đột phá. Nếu học ảo thuật ở các thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì chỉ được dạy theo hai kiểu, một là đi theo thầy để vừa học vừa làm không lương; hai là bỏ tiền mua dụng cụ, mua hẳn một trò diễn từ những người đi trước. Điều Thiện cần là một trường lớp dạy ảo thuật bài bản và trên hết là đất diễn…”.

2. Gặp lại Thiện lần này, sau hơn hai năm tu nghiệp ở Thái Lan, trông chàng thanh niên trẻ chững chạc hơn nhiều. Thiện đeo khuyên tai, lúc nói chuyện liên tục dùng tiếng Anh và ngôn ngữ hình thể. Thiện nói rất nhiều về ảo thuật buộc tôi phải cắt ngang bằng câu hỏi cũ nhưng mới: “Thế gia đình đã đồng ý, ủng hộ em theo đuổi con đường này chưa?”. Thiện im lặng, hồi ức: “Lúc em bỏ nhà ra đi bây giờ nghĩ lại vẫn thấy có lỗi. Sau khi sang Thái Lan được tầm 6 tháng, ổn định trường lớp và chỗ ăn ở, em quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Lúc ấy, mẹ và chị gái bay từ Huế vào để gặp khuyên nhủ giữ gìn sức khỏe và lần này ủng hộ con đường mà em đã chọn. Thời điểm đó, em như vỡ òa và tự nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa vì niềm đam mê và vì cả gia đình”.

Thiện nhận giải thưởng tại Thái Lan do ảo thuật gia Toni Hassini, Chủ tịch Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế I.M.S trao tặng

Tu nghiệp ở Thái Lan, ngoài việc học, Thiện còn nhận các show diễn và tham gia nhiều cuộc thi ở các nước, như: Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… “Ở Việt Nam nếu nhắc đến em thì rất ít người biết nhưng ở Thái Lan hay Malaysia nhắc đến Little boy (nghệ danh của Thiện) thì khá nhiều người biết đấy”, Thiện khoe.

Bùi Hữu Thiện nói về nghề thế này, cùng một bài diễn nhưng người này diễn khác, người kia lại diễn khác. Quan trọng nhất ý tưởng mới và độc đáo. Học ảo thuật là cả đời, mỗi bài diễn là một câu chuyện nên không ai giống ai, trong đó tính sáng tạo khá quan trọng, tạo nên sự khác biệt, quyết định sự thành công của buổi diễn. “Bây giờ em học không phải là ảo thuật đường phố mà là ảo thuật sân khấu. Mỗi bài diễn phải hội tụ nhiều tiêu chí, như kỹ thuật, giải trí là âm nhạc… mỗi ảo thuật gia phải có chất riêng và bài tủ”, Thiện nói – “Bài tủ và chất của Thiện là gì?” . “Đó là chất "điên" và em diễn đỉnh nhất với chim”, Thiện chia sẻ thêm.

Để có chất "điên", Thiện phải vật lộn với chính bản thân trong hai năm tại Thái Lan. Có thời điểm, chàng thanh niên trẻ rơi vào trạng thái tự kỷ, không chuyện trò với những người xung quanh. “Sang Thái Lan, ngoài việc ăn ở, bất đồng ngôn ngữ khiến em luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nhiều khi nhớ nhà da diết nhưng vì niềm đam mê và quyết định của mình thôi thúc em phải cố gắng. Những lúc ấy, em lao vào luyện tập dẫn đến tự kỷ. May mắn được nhiều người bạn từ Malaysia hỗ trợ, động viên và cùng đi diễn với họ em mới trở lại trạng thái cân bằng”, Thiện bộc bạch.

Tại Thái Lan, Bùi Hữu Thiện được tiếp xúc, học hỏi với nhiều ảo thuật gia nổi tiếng thế giới, như Toni Hassini, Mr. Mamada, Robert Sode… và cả những ảo thuật gia nổi tiếng của Việt Nam, như Palmas Nguyễn, Nguyễn Việt Hoàng (nghệ danh là J)… Chính điều này giúp anh hoàn thiện thêm những kỹ năng cần thiết. Bỏ qua lời mời làm việc của một công ty tổ chức sự kiện ở Thái Lan với mức lương hấp dẫn, Thiện trở về Việt Nam, mở shop bán dụng cụ ảo thuật và xây dựng sân khấu nhỏ để luyện tập và dạy ảo thuật cho các em nhỏ và những ai đam mê tại Huế.

“Trong quá trình học ở Thái Lan, em vừa học ảo thuật vừa tự học tiếng Anh. Trở về Huế, ngoài các show diễn em mở lớp dạy ảo thuật kết hợp tiếng Anh tại nhà và ở một số trung tâm Anh ngữ. Ở Thái Lan và Malaysia, em tham gia khá nhiều cuộc thi và nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ nhưng ước mơ cầm trên tay bằng tiến sĩ ảo thuật vẫn chưa thực hiện được. Đến thời điểm này, gia đình và người thân đã hỗ trợ rất nhiều về tài chính và tinh thần, vậy nên trước khi quay trở lại Thái Lan để thi lấy bằng tiến sĩ ảo thuật, em sẽ cố gắng mở một mini show, diễn và dạy ảo thuật tại Huế để phục vụ công chúng và những người cùng đam mê”, Thiện nói.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giấc mơ rồng Huế

Tết Nguyên đán 2024 là mở đầu của năm Giáp Thìn. Ước vọng cho năm mới thường là một giấc mơ. Nếu có chăng một giấc mơ cho Huế trong năm Thìn, thì có thể gọi tên là “Giấc mơ Rồng Huế”!

Giấc mơ rồng Huế
Giấc mơ không mưa

Nhà bạn ở làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế. Tôi điện thoại hỏi “nước tới vô mô rồi?”, hắn nói “nửa nhà rồi anh, vô nửa đêm, dọn kê đồ đạc đuối luôn”.

Giấc mơ không mưa
Nguyễn Đức Tùng & giấc mơ công xưởng sáng tạo ở Huế

Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh 10 năm và đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, song Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Công ty X10 Digital lại lựa chọn trở về Huế với ước mơ xây dựng một “công xưởng sáng tạo” trên chính mảnh đất quê hương.

Nguyễn Đức Tùng  giấc mơ công xưởng sáng tạo ở Huế
Giấc mơ đường tàu, đường hoa

Cùng với hàng chục tỉnh, thành khác trên cả nước có đường sắt chạy qua, phong trào “đường tàu – đường hoa” được triển khai trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Đó không chỉ là ước muốn của ngành đường sắt mà còn của người dân sống dọc theo tuyến đường sắt với niềm hy vọng, rồi đây sẽ có con đường hoa dọc theo đường tàu dài nhất Việt Nam.

Giấc mơ đường tàu, đường hoa
Tiếp sức cho giấc mơ đến trường

Việc triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ đến trường cho hàng nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Tiếp sức cho giấc mơ đến trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top