ClockThứ Bảy, 22/08/2015 10:55

Bún 2.000 đồng/tô

TTH - Hỏi sao lâu nay ít thấy xuống nhà chơi, bạn của con thưa là vì cùng ba mình ngó chừng vườn thanh trà. Tôi nói đã thấy người ta lác đác bày bán thanh trà trên các vỉa chợ, nhưng cậu trẻ này bảo, phải chục hôm nữa, thanh trà mới ngon. Tôi nhìn gương mặt hiền lành ngồi trước mình và nghĩ, về mặt “thanh trà học”, chắc chắn là mình không bằng rồi, dù biết rằng cậu bé có thể cũng chỉ nói bằng kinh nghiệm trông thanh trà biết bao mùa qua mà thôi.

“Năm nay trên con được mùa thanh trà. Vườn nhà mô cũng đầy quả. Nhưng mà thanh trà bị trộm, nhất là trộm đêm cũng nhiều lắm dì à. Có nhà lúc chiều còn thấy cây đầy quả, sáng mai ra đã trống huơ rồi. Mấy mùa trước thì sơ sài được chớ mùa ni nhà ai cũng lo giữ hết”. Vui chuyện, cậu bé kể luôn: Rứa mà nhà con chắc là chưa bị mất trái mô. Hỏi có phải vì ba làm mộc ở nhà, rồi coi ngó luôn không, bạn của con nói, dạ không, vì vườn rộng rứa, ba con cũng không quản lý hết khi anh em con đi vắng. Họ không muốn thôi chứ trông cách chi rồi cũng có thể mất được…

Ngẫm nghĩ một lúc, cậu trẻ nói, cái giọng nghe thật hiền, là chắc vì mấy anh nớ (ý nói mấy anh đi hái trộm) thấy nhà con nghèo, nên thương. Với lại mẹ con bán bún ở chợ hoài, ai cũng biết. Mà chắc dì không hình dung nổi mô, bún mẹ con thường thì mỗi tô 10.000 đồng, 5.000 đồng/tô cũng không ít. Vì bà con trên nớ cũng có tiền để ăn chừng nớ thôi. Nhiều hôm xuống phụ mẹ, con thấy mẹ con còn bán tô 2.000 đồng nữa. Mấy cô bác đi làm đồng, đi cắt, ghé vào chỗ mẹ con ăn tạm. Lúc đầu con cũng ngạc nhiên lắm nhưng thấy mẹ con vẫn múc. Có lần con hỏi, mẹ con nói mẹ biết không lời lãi chi ở tô bún chan nước, có khi thêm miếng huyết, ít hành, ít rau… nhưng đây là cái tình, cái nghĩa. Mẹ còn ráng được thì còn múc bún. Mẹ con nói người có lúc ni lúc khác.
Cậu bé im lặng một lúc rồi bảo, mẹ con bán bún hơn 10 năm rồi. Ngày mô cũng làm một gánh đi từ sáng sớm. Chân mẹ con to lắm, chắc không mặc váy được như mấy dì. Mà con cũng ít thấy mẹ con đi mô…
Tôi nghe, lòng chợt nghèn nghẹn.
Lê Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top