Thể thao trong nước

Bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam - Sẽ có công ty điều hành V-League

ClockThứ Sáu, 30/09/2011 08:55
TTH - Một thay đổi có thể nói là mang tính lịch sử đã được quyết tại hội nghị các chủ tịch CLB do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội. Theo đó, kể từ mùa giải 2012, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ thay thế VFF trong vai trò tổ chức và điều hành V-League, giải bóng đá chuyên nghiệp cấp CLB cao nhất của bóng đá Việt Nam.

* Ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An): “Vấn đề quan trọng là CLB thống nhất được cơ cấu tổ chức, mô hình, chức năng hoạt động… Bóng đá Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, nếu mạnh dạn làm, tôi nghĩ chỉ 2 năm là có thể vượt qua Thái Lan”.

* Ông Dương Nghiệp Khôi (Phó Tổng Thư ký VFF): “Tôi không dám chắc là với mô hình trên, bóng đá Việt Nam sẽ không còn những lấn cấn trong công tác tổ chức, điều hành giải nhưng tôi tin vào đề án này, vì nó cởi bỏ được vấn đề căng thẳng nhất lâu nay là cơ chế”.

* Ông Nguyễn Đức Kiên (CLB Hà Nội): “Nếu VFF quyết tâm làm, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được. Với yêu cầu chính đáng của bóng đá Việt Nam, các bộ, ngành không có lý do gì không ủng hộ, nhất là khi chúng ta làm vì mục tiêu phát triển của bóng đá Việt Nam”.

Trong hội nghị hôm qua, đích thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã phát biểu, nhìn nhận phải có sự đổi mới trong công tác tổ chức, điều hành V-League. Ông nói: “Bóng đá Việt Nam đang đứng trước thử thách lớn khi tổ chức một giải đấu chuyên nghiệp trong điều kiện còn khó khăn”.

Đây có thể hiểu như một sự sẵn sàng của VFF trong việc đón nhận một làn gió mới để thay đổi cách thức tổ chức của V-League. Trong đó, điều tối quan trọng là sự đổi thay này nhận được sự đồng thuận và hợp tác thật sự từ tất cả các CLB tham gia cuộc chơi.
 
Và ngay lập tức, đại diện cho các ông bầu, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, đã đặt thẳng vấn đề: “Các chủ tịch 28 CLB đến dự hội nghị không phải đến để “gật” theo kế hoạch của VFF”. Ông Đức cho rằng, với thực trạng… bê bết của bóng đá Việt Nam, không cải tổ, không cấu trúc lại cơ cấu nền bóng đá, cụ thể là V-League, bóng đá Việt Nam không thể ngóc đầu dậy.
 
“Bầu” Đức khẳng khái: “Tôi đảm bảo anh Nguyễn Văn Mùi (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia), anh Dương Nghiệp Khôi (Trưởng ban Tổ chức V-League) không dở nhưng cơ chế này thì họ không thể làm được. Cũng như chúng tôi, mất 4 tỷ đồng/trận nhưng lúc nào cũng sợ ông trọng tài làm hỏng trận đấu”. Để xác nhận thái độ của mình, ông bầu phố núi tuyên bố, nếu VFF không thay đổi, ông sẽ chính thức rút khỏi bóng đá.

Ngay sau đó, ý tưởng thành lập công ty quản lý V-League được khởi xướng bởi ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã nhận được sự ủng hộ của 100% đại diện các ông bầu bóng đá có mặt tại hội nghị cũng như lãnh đạo VFF. Có thể nói, đúng tinh thần của hội nghị, các ông bầu đã làm chủ diễn đàn và tìm ra một giải pháp cụ thể để đưa bóng đá Việt Nam sang một bước ngoặt lịch sử.

Thay cho một bầu không khí căng thẳng là thái độ thật sự thiện chí của các bên liên quan. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thậm chí còn bày tỏ sự vui mừng vì tất cả đều nằm trong lộ trình của VFF. Bởi ngay cả khi chưa có đề nghị chính thức từ các CLB, VFF cũng sẽ chủ động thực hiện thay đổi tương tự từ mùa giải 2013 (tức chỉ muộn hơn 1 năm so với thực tế).

Sự thống nhất ra đời VPF đã khiến cho kế hoạch bầu trưởng ban tổ chức các giải đấu phá sản. Theo đó, VPF sẽ tự chọn ra chức danh này tương ứng với chức vụ giám đốc điều hành công ty. Vấn đề quan trọng nhất trước mắt là VPF cần sớm chính thức ra mắt (VFF đóng vai trò chủ đạo, có điều lệ và hệ thống quy định riêng rõ ràng, có các phòng ban chức năng...).

Một số ông bầu sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình xây dựng VPF, bao gồm: Nguyễn Đức Kiên (CLB Hà Nội), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An). Nếu không có gì thay đổi, ban trù bị thành lập công ty sẽ mời cả các ông bầu khác quan tâm đến bóng đá, đặc biệt là ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch CLB Hà Nội T&T). 

 

VPF là gì? 

Theo dự thảo, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời trên cơ sở góp vốn giữa VFF với 14 CLB tham gia sân chơi V-League bắt đầu từ mùa giải 2012. Tổng số vốn điều lệ ban đầu của công ty là hơn 21 tỷ đồng, trong đó mỗi CLB đóng góp 1 tỷ đồng, số còn lại, tương ứng với 36,5% do VFF đóng góp.

Theo Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ góp vốn kể trên đồng nghĩa với việc VFF vẫn nắm giữ quyền được phủ quyết các quyết định do hội đồng cổ đông, bao gồm đại diện các CLB đưa ra trong quá trình hoạt động. Công ty này sẽ có bộ máy tương ứng như một “liên đoàn con” (với đầy đủ các phòng chức năng cần thiết để vận hành hệ thống hoạt động) trong “liên đoàn lớn” là VFF.

Ý tưởng thành lập VPF thực ra không mới. Cách đây 3 năm, VFF cũng từng đưa ra đề xuất về việc thành lập một công ty tương tự. Đây là mô hình đúc kết từ sự nghiên cứu thực tiễn hoạt động của rất nhiều nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới

Theo SGGP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải vô địch cầu lông đồng đội quốc gia 2024
Tiếc cho chủ nhà, đẳng cấp lên tiếng

Tối 17/4, Giải vô địch cầu lông đồng đội quốc gia 2024 diễn ra tại Thừa Thiên Huế đã khép lại vòng đấu bảng với lượt đấu cuối của các đội thuộc Nhóm A. Trong khi đó, tiếc của chủ nhà Thừa Thiên Huế khi thua ngược Đà Nẵng và thua đậm Lâm Đồng ở Nhóm B.

Tiếc cho chủ nhà, đẳng cấp lên tiếng
Vòng 14 giải Hạng Nhất Quốc gia 2023/2024:
Thua Trường Tươi Bình Phước, CLB Huế lại yên phận?

Thêm 1 trận thua 1-2 trước CLB Trường Tươi Bình Phước ở vòng 14, CLB Huế đã bị chính đội bóng này “bỏ lại” với khoảng cách 3 điểm trên bảng xếp hạng Giải Hạng Nhất Quốc gia 2023/2024.

Thua Trường Tươi Bình Phước, CLB Huế lại yên phận
Vòng 13 Giải Hạng Nhất Quốc gia 2023/2024:
Thua Long An, CLB Huế “rơi” xuống vị trí thứ 5

Thua 1-3 trước CLB Long An tại vòng 13 giải Hạng Nhất Quốc gia 2023/2024, đội bóng của ông Nguyễn Đức Dũng đã “rơi” từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trên bảng xếp hạng.

Thua Long An, CLB Huế “rơi” xuống vị trí thứ 5
Return to top