ClockThứ Ba, 17/04/2018 13:30

Buồn vui sau chuyến biển đầu năm

TTH - Sau những chuyến biển đầu tiên trong năm, nhiều tàu cá bội thu, song một số tàu không đạt được sản lượng như ý.

Vươn khơi đầu nămĐược mùa vụ cá nam

 Ngư dân thị trấn Thuận An chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi

Vắng mối thu mua

Từ sau lễ xuất quân đánh cá vụ Nam, nhiều tàu hậu cần nghề cá bây giờ mới đạp sóng vươn khơi. Theo ngư dân, 3 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm vào chính vụ mùa cá nên các tàu hậu cần vẫn còn lưỡng lự, lo lắng về sản lượng thu mua. Khác với tàu đánh bắt, thời gian vươn khơi của tàu hậu cần chỉ kéo dài từ 3-5 ngày, ở vùng biển hơn 100 hải lý.

Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An thông tin: “Nếu thuận lợi mỗi tàu hậu cần nghề cá sẽ thu mua khoảng 20 tấn cá các loại/chuyến, chủ yếu là cá nục. Trước khi thu mua, các chủ tàu phải liên hệ với đầu mối là các tàu đánh bắt để định lượng được sản lượng. Mặc dù lúc này đã vào mùa nhưng theo khảo sát có khoảng gần 50% tàu hậu cần còn lưỡng lự, chưa dám vượt sóng”.

Theo anh Cường, tàu hậu cần phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực khai thác của các tàu đánh bắt trong và ngoại tỉnh. Hiện nay, sản lượng đánh bắt của các tàu cá chưa quá lớn nên tàu hậu cần đang gặp khó.

Một chuyến biển trở về tại cảng Thuận An

“Năm 2017, có thời điểm nhiều tàu hậu cần không mặn mà vươn khơi vì sợ lỗ. Tình trạng này cũng đang kéo dài cho đến đầu năm nay. Nhiều tàu cá được đóng mới nên sự cạnh tranh lớn hơn trước. Tại Thừa Thiên Huế, sự đầu tư về trang thiết bị còn thấp hơn so với các tỉnh, thành bạn nên việc cạnh tranh khá khó khăn. Riêng tôi, có khoảng 5 đầu mối thu mua là những tàu cá ở Quảng Bình, Bình Định, nhưng khi liên lạc với họ thì sản lượng đánh bắt vẫn chưa nhiều”, anh Cường nói.

Thị trấn Thuận An có khoảng gần 40 tàu hậu cần nghề cá. Không chỉ những tàu hậu cần nghề cá truyền thống, một số tàu đóng theo Nghị định 67 cũng gặp khó khăn. Cuối năm 2017, tàu cá của anh Nguyễn Cường (43 tuổi, thị trấn Thuận An) với sức chứa khoảng 50 tấn cá/chuyến liên tục thua lỗ. Sau khi được hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 có giá gần 5 tỷ đồng, đến nay chỉ vươn khơi hơn 5 chuyến. “Lý do dẫn đến thua lỗ là vắng đầu mối thu mua. Sản lượng của các tàu đánh bắt không được như ý nên kéo theo tàu hậu cần cũng gặp khó”, anh Nguyễn Cường nói.

Vui buồn tàu vỏ thép

Khác với những tàu hậu cần nghề cá, chuyến biển đầu năm đánh dấu những lần đạp sóng vươn khơi đầu tiên của các tàu vỏ thép được hạ thủy vào cuối năm 2017. Đây là những con tàu có công suất lớn, trang bị công nghệ hiện đại được đóng mới theo Nghị định 67.

Sau khi hạ thủy vào cuối năm 2017, tàu vỏ thép mang số hiệu TTH-91555.TS của ngư dân Trần Dành (thị trấn Thuận An) đã có những chuyến khai thác đầu tiên. Ông Dành chia sẻ: Sau khi được bàn giao theo hình thức “Chìa khóa trao tay”, với tổng kinh phí hơn 21,4 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh, tàu đã vươn khơi đến những ngư trường xa đánh bắt cá thu. Tàu được trang bị hiện đại, đánh bắt cá thu bằng lưới rê bùng nhùng. Chuyến biển đầu năm khá thuận lợi, lãi gần 300 triệu đồng.

Không chỉ ông Dành, tại Thuận An, những tàu đánh bắt bằng vỏ thép có công suất lớn khác cũng có những chuyến biển thuận lợi. Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin: “Sau lễ xuất quân đánh bắt vụ cá Nam, nhiều tàu đánh bắt tại địa phương đồng loạt xuất quân. Được Nhà nước hỗ trợ, nhiều tàu cá có công suất lớn được đóng mới, cải hoán. Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất là những tàu vỏ thép. Tàu của ông Nguyễn Hôi, Trần Dũng, Trần Dành đều thu lãi lớn”.

Khác với những tàu vỏ thép khác trên địa bàn, ngư dân Trần Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), chủ tàu vỏ thép số hiệu TTH.99999 buồn bã sau khi trở về từ những ngư trường xa. Tàu ông Chiến là tàu vỏ thép đầu tiên của Thừa Thiên Huế đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, được hạ thủy vào cuối năm 2016. Từ cuối năm 2017 đến nay, đa số những chuyến vươn khơi của ông Chiến đều thua lỗ.

“Chuyến vừa rồi chỉ đánh bắt được khoảng 5 tạ cá thu. Hiện đang chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt tiếp theo nhưng không thể tìm ra bạn tàu bởi họ bỏ đến những tàu đánh bắt có hiệu quả hơn. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là bởi mắt lưới của tui đến 16 phân, chỉ đánh bắt được những loại cá từ 4-5 kg. Trong khi đó, để đánh bắt hiệu quả thì chỉ sử dụng mắt lưới 15,7 phân. Sắp tới, tui sẽ xoay xở nguồn vốn để đổi khoảng 100 tấm lưới phục vụ cho việc khai thác”, ông Chiến bộc bạch.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản lượng khai thác còn phụ thuộc vào năng lực cũng như kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân. Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế có nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ có hiệu quả như, đội tàu thị trấn Thuận An, xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang).

“Đến tháng 3/2018, toàn tỉnh có 701 tàu cá được đăng ký. Trong đó, có 275 tàu cá có công suất từ 20-90 CV; 426 tàu cá có công suất trên 90 CV. Trong những chuyến biển đầu năm, nhiều tàu đánh bắt có công suất lớn thu lãi đáng kể, song khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân là luồng lạch bị bồi lấp, cảng biển, âu thuyền bị xuống cấp, hư hỏng, thiết kế lạc hậu cũng khiến cho ngư dân còn e ngại trong việc đầu tư, đặc biệt là đóng tàu vỏ thép”, ông Bình chia sẻ.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi
Return to top