ClockThứ Ba, 22/09/2015 18:51

Ca Huế đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TTH - Ngày 22/9, tại Khách sạn Xanh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức hội thảo khoa học “Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy”. Đây là hoạt động nhân dịp Ca Huế được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là hội thảo quy mô quốc gia đầu tiên về chủ đề này. Tối 22/9 diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhạc công Ca Huế

Đồng chủ trì hội thảo gồm các ông, bà: Đoàn Thị Thanh Huyền, UVTVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL và nghệ nhân Trần Thảo. Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh với nhiều đóng góp mới trong nghiên cứu, những ý kiến tâm huyết khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như đề xuất các giải pháp định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật của Ca Huế. 

Giá trị riêng có
Theo các nhà nghiên cứu, Ca Huế có thể xuất hiện từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 và phát triển rực rỡ vào thời Tự Đức, thế kỷ 19. Với hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng biễu diễn điêu luyện của ca công và nhạc công, Ca Huế có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã nhưng cũng đậm đà phong vị dân gian. Đây là bộ phận âm nhạc đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự in đậm bản sắc Huế, mà còn mang dấu ấn hội tụ và lan tỏa trong lịch sử âm nhạc cổ truyền dân tộc.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định: “Từ Nhã nhạc và cả Ca Huế nữa, theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng cư dân Việt ở Nam bộ để tỏa sáng, phát triển thành một dòng nhạc thính phòng mới giàu có về bài bản, đa dạng về sắc thái, tươi tắn về cảm xúc là Đờn ca tài tử Nam bộ. Theo tôi được biết, có thể nhạc thính phòng Huế còn là một trong những nguồn để hình thành nhạc Bát âm miền Bắc. Như vậy, âm nhạc cung đình nói chung và Ca Huế nói riêng đã là nguồn cội của âm nhạc thính phòng Nam bộ – Đờn ca tài tử – và cả miền Bắc – Dàn nhạc Bát âm. Với vai trò như thế, Ca Huế có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt”.
Ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét bởi nó gắn chặt với đặc điểm ngữ âm, ngữ điệu của giọng nói xứ Huế. Nói một cách khác, nó mang tính hệ quả của mối quan hệ gắn bó với nền âm nhạc dân gian - dân ca xứ Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin phân tích: “Giọng Huế là cơ sở ngữ âm, ngữ điệu của Ca Huế. Hệ thống ngũ cung Huế mà nhạc sĩ Phạm Duy gọi tên là “ngũ cung lơ lớ”: họ - xự non - xàng già - xê - cống non, với tiết tấu thong thả, chậm rãi, đòi hỏi người hát phải phát âm, nhả chữ đúng ngữ điệu tiếng Huế gốc, độ to, nhỏ, mạnh, nhẹ trong từng câu hát phải được hết sức chú ý; người đàn phải luyến láy, nhấn nhá theo thanh điệu Huế....”.
Khẳng định giá trị của ca Huế, nhà nghiên cứu Bửu Ý mượn lời của nghệ sĩ Togi Hideki, một nhạc sĩ bậc thầy trong truyền thống gagaku Nhật Bản từng phát biểu rằng: “Ca Huế giúp người nghe đạt bản chất của nó, tức là những tình cảm đất đai nguồn cội được biến thái thành lời ca, thành luyến láy, thành ngắt câu, thành vun vút, thành quãng lặng... Như vậy người nghe sẽ nghe không phải chỉ bằng thính giác, mà nghe bằng truyền âm nhập mật, xuyên qua lời ca, xuyên qua đàn nhạc, xuyên qua cả thể phách của ca nhi”.
Bảo tồn và phát huy
Việc Ca Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứa đựng hai thông điệp. Thứ nhất là niềm vui, bởi di sản Ca Huế được vinh danh ở tầm quốc gia. Đồng thời, nó cũng đặt ra những điều phải suy nghĩ về trách nhiệm lớn hơn trong công tác bảo tồn một cách tốt nhất và phát huy những giá trị đó. Hiện nay, cũng như bao loại hình văn hóa truyền thống khác, Ca Huế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho rằng: “Bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế không phải chỉ dựa vào trí tuệ của một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà quản lý và của mọi người, có như vậy giá trị văn hóa Huế mới luôn được tỏa sáng”.
Vấn đề phát huy vốn quý của Ca Huế luôn phải đặt trong không gian, thời gian, đối tượng, điều kiện diễn xuất phù hợp, mới có thể tạo ra được nét ấn tượng cũng như sức thu hút của loại hình nghệ thuật này. Và không có một phương thức bảo tồn nào thiết thực hơn đối với loại hình nghệ thuật diễn xướng khi chính tác phẩm có sức sống bền vững trong lòng người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đề nghị tái hiện dạng phim trường một buổi Ca Huế thực sự, trong những bối cảnh khác nhau: một buổi chúc thọ, tiệc mừng hay sự hội ngộ ngẫu hứng của một nhóm nghệ sĩ tâm giao: “Những người tham gia diễn xuất trong lúc này nhất thiết tuân thủ những gì mà một buổi Ca Huế xưa đã từng tồn tại. Một chút trang trọng và sang trọng vốn có, thể hiện trong y phục, trang sức, phong cách, ngôn ngữ giao tiếp; trả lại cho môi trường diễn xướng này chút gì đó của sự thượng lưu, thanh lịch”.
NGƯT. Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL đưa ra giải pháp từ hoạt động đào tạo và truyền nghề: “Ca Huế đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản nghệ thuật Ca Huế rất cao nên cần thiết phải được khẩn trương đề ra các giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế. Vì vậy, việc đưa di sản Ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là một giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho Ca Huế”.
Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, việc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho thấy sự đánh giá cao đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học của Ca Huế. Đây cũng là điều kiện cần thiết nếu di sản Ca Huế xây dựng hồ sơ đệ trình UNESO ghi danh vào một trong các danh sách: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để có thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO, Ca Huế cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sáng tỏ thêm những giá trị nổi bật đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người hiểu biết đầy đủ về di sản và đồng thuận, tự nguyện bảo vệ di sản.
“Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ca Huế vốn là “bầu sữa song sinh” với Nhã nhạc đang chờ đợi được công nhận rộng rãi để cho âm nhạc dân tộc của một vùng đất được thưởng thức đầy đủ, vẹn toàn”, nhà nghiên cứu Bửu Ý tha thiết.
Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top